1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bảo vệ người lao động trong thời đại 4.0

Bình Minh

(Dân trí) - Chiều ngày 27/11, tại Thanh Hóa, Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội thi "Người huấn luyện ATVSLĐ năm toàn quốc 2020".

Nhằm mục đích của chương trình nhằm nâng cao chất lượng trong công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và trao đổi thông tin tại các doanh nghiệp, cơ sở và tổ chức dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ, 

Trong khuôn khổ Hội thi, có đại diện Cục An toàn lao động, Cục Quản lý môi trường y tế, Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), đại diện Tổng Công ty Điện lực miền Bắc phát biểu tham luận về "Hội nghị mạng thông tin quốc gia về ATVSLĐ năm 2020".

Bảo vệ người lao động trong thời đại 4.0 - 1

Toàn cảnh hội nghị.

Tai nạn lao động không ngừng tăng

Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động Nguyễn Anh Thơ chỉ ra rằng: "Quá trình hội nhập, Việt Nam phải chấp hành nghiêm ngặt các tiêu chuẩn lao động, trong đó có tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động của Tổ chức lao động quốc tế, Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và trong các hiệp định thương mại thế hệ mới.

Một số nước sử dụng tiêu chuẩn ATVSLĐ làm hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa Việt Nam và đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 thì mức độ cạnh tranh trong nền kinh tế ngày càng quyết liệt. Tất cả điều đó kéo theo khả năng gia tăng nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp".

Bảo vệ người lao động trong thời đại 4.0 - 2

Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động Nguyễn Anh Thơ cho biết nguy cơ gia tăng tai nạn lao động trong thời đại 4.0

Thạc sĩ Nguyễn Anh Thơ cũng cho biết, từ năm 2011-2019, số lượng vụ tai nạn nghiêm trọng không ngừng tăng lên. Cụ thể, bình quân xảy ra 7.500 vụ tai nạn lao động, làm hơn 8.000 người bị nạn và khoảng 750 người chết trong khu vực có quan hệ lao động, tập trung nhiều ở lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản.

Quá trình CNH-HĐH phát sinh những yếu tố nguy hiểm, độc hại mới kéo theo người lao động phải làm việc trong điều kiện nguy cơ mất an toàn; việc ứng dụng công nghệ số, cách thức quản lý trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chưa được đầu tư nghiên cứu, áp dụng; việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ phần lớn còn yếu kém….

"Theo số liệu thống kê tại các bệnh viện, cơ sở y tế về số người nhập viện do tai nạn lao động thường nhiều gấp 20 lần số liệu được báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH"- Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động nói.

Cũng theo thạc sĩ Thơ, hệ thống pháp luật về ATVSLĐ còn chồng chéo, phân tán; việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm gây khó khăn cho việc thực hiện các quy định về ATLĐ,VSLĐ. Bên cạnh đó, hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước nói chung còn rất thiếu, yếu; việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay chưa nghiêm, nhiều doanh nghiệp thực hiện kiểu chống đối…

Phó Cục trưởng Cục an toàn lao động mong muốn: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác ATLĐ, VSLĐ; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATLĐ; Tăng cường pháp chế về thực hiện ATVSLĐ, giám sát việc thực hiện ATVSLĐ…từ đó tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động và giảm thiểu tai nạn lao động….

 Tham luận phương án giảm thiểu TNLĐ

Phát biểu về những hoạt động của tổ chức công đoàn trong công tác ATVSLĐ, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động - cho biết: "Để nâng cao nhận thức về công tác ATVSLĐ cho cán bộ công đoàn và người lao động, năm 2020, Tổng liên đoàn đã thực hiện công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về ATVSLĐ, đồng thời chỉ đạo các cấp công đoàn đa dạng hóa hình thức tuyên truyền. Tập huấn nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện ATVSLĐ.

Bảo vệ người lao động trong thời đại 4.0 - 3

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động nhấn mạnh: "Trong những năm qua, mạng thông tin quốc gia đã góp phần truyền tải tích cực những thông tin về ATVSLĐ, góp phần thay đổi cải tiến để thích hợp với nhu cầu mạng thành viên trong quốc gia cũng như khối ASEAN.

Tình hình 6 tháng đầu năm 2020, theo số liệu báo cáo của các cấp công đoàn cả nước đã xảy ra 1.410 vụ TNLĐ giảm 3,6% so với 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó, số người bị TNLĐ 1.432 người, giảm 4,5% so với 6 tháng đầu năm 2019. Số người chết vì TNLĐ là 119 người, giảm 15% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Bà Kim Ngân cũng cho rằng: "Ở một số địa phương, công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ chưa thực sự mạnh mẽ; nhận thức của một số doanh nghiệp vừa và nhỏ về ATVSLĐ chưa đảm bảo yêu cầu; công tác báo cáo thống kê về ATVSLĐ còn chưa đầy đủ, chưa kịp thời….

Bà Kim Ngân cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục quan tâm chỉ đạo các Sở LĐ-TB&XH phối hợp chặt chẽ với các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động ATVSLĐ thiết thực hiệu quả đồng thời kiến nghị Chính phủ hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ, đảm bảo đồng hộ của hệ thống pháp luật….

Tại buổi hội nghị, ông Mai Quang Hùng, Trưởng Ban An toàn- Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cũng đưa ra tham luận: "Những năm gần đây, với sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, việc quản lý các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nói chung và ATLĐ nói riêng bằng ứng dụng công nghệ 4.0 là xu thế tất yếu.

Với xu thế đó, EVNNPC đã nghiên cứu áp dụng bước đầu thành công công nghệ 4.0 vào công tác quản lý ATVSLĐ. Hệ thống quản lý qua CNTT, tổng đài tin nhắn thì EVNNPC tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, áp dụng các thành tựu khoa học với mục tiêu giảm thiểu công việc thủ công, nâng cao năng suất lao động, tăng cường sử dụng các công cụ vào phân tích, đánh giá và đưa ra đường lối, chính sách đối với công tác quản lý ATLĐ trong tổng công ty.

Ông Hùng cũng khẳng định, Tổng công ty Điện lực miền Bắc sẽ ứng dụng thành công công nghệ 4.0 vào quản lý ATLĐ để cùng nói không với TNLĐ.