Bạo hành chốn phòng the: Chồng nghe bỉ bôi "sướng không biết hưởng"!
(Dân trí) - Không chỉ phụ nữ mới là nạn nhân của bạo hành tình dục trong hôn nhân, không ít ông chồng... cũng bị vợ đầy đọa trên giường ngủ. Hầu hết nạn nhân không dám lên tiếng vì sợ bị cười nhạo.
Bị ép uổng, còn nghe... cười nhạo
Anh L. Tr., 41 tuổi, một nhân viên công ty kính tại quận 11, TPHCM từng nghĩ "sống để bụng chết mang theo" về bí mật bị vợ bạo hành tình dục hơn chục năm nay. Với anh, đó là nỗi ám ảnh, bất lực và cả... tủi nhục. Gần đây, khi tham gia sinh hoạt tại một tổ chức cộng đồng về bình đẳng giới anh mới dám kể về chuyện của mình.
Anh Tr. cho biết, trước đây vợ chồng anh sống xa nhau, vợ con về quê ngoại ở Nghệ An còn anh làm việc tại TPHCM. Khi con được 2 tuổi, chị gửi con lại cho ông bà để vào miền Nam cùng chồng. Và đó cũng bắt đầu những tháng ngày anh sống trong cảnh đọa đày.
Người chồng bị vợ ép gần gũi bất kể lúc nào vợ muốn. Kể cả khi vừa đi làm về, khi mệt mỏi, ốm đau... Nếu anh từ chối thì lập tức sẽ bị vợ bạo hành bằng ngôn từ với những lời mỉa mai, chê bai cùng cơn thịnh nộ ghen tuông "no nê bên ngoài rồi chắc".
Sợ hãi, căng thẳng mà không thể "đấu lại" những lời chì chiết của vợ, nhiều lần anh Tr. đành nhắm mắt cho xong. Có khi anh xin "cho anh nghỉ ngơi", vợ vẫn cương quyết: "Vắt cho kiệt, khỏi ra ngoài léng phéng".
Ngoài việc bị bắt nạt trên giường ngủ, anh Tr. còn bị vợ kiểm soát mọi lúc mọi nơi, ngăn cản việc đi học nâng cao tay nghề, không cho tăng ca, không cho đi công tác... Tất cả những điều này ảnh hưởng đến công việc của anh và cả kinh tế gia đình.
Có lần anh lỡ thủ thỉ với vài người bạn về việc "kiệt sức vì vợ" thì cả đám cười ré lên quay sang khen "chị nhà" và bỉ bôi anh "sướng không biết hưởng".
Đã ngoài 60 tuổi, ông Ng.L.V., ở TPHCM cũng rơi vào cảnh bị vợ trẻ hơn cả con giáp ép uổng đủ kiểu, bất chấp việc sức khỏe không được tốt. Vợ trẻ cắn, véo, cấu, xé, giật tóc... chồng trên giường mới thỏa mãn.
Mà rằng nếu chỉ ép uổng, dày vò thể xác ông còn ráng chịu đựng, còn đây vợ ông là "học sinh giỏi toàn diện", thích hành hạ chồng về mọi mặt. Bà bạo hành bằng lời nói, thường xuyên buông những câu xúc phạm, hạ nhục, đem chuyện chăn gối của ông ra so sánh với những người đàn ông khác. Đặc biệt, nói chuyện với ai, kể cả người qua đường bà cũng thản nhiên lôi chuyện "chồng yếu sinh lý" ra làm quà. Bởi vậy, ông còn là nạn nhân để mọi người trêu đùa, châm chọc.
Sợ hãi, ông thường xuyên tìm cớ đi thăm người thân, thăm con thăm cháu để tránh vợ nhưng hiếm khi bà để cho ông yên. Ông L. rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, chán chường, dễ nổi giận. Gần đây ông tìm đến rượu chè, nhiều lần muốn "biến mất" cho đỡ cảnh chiều vợ trẻ tai quái.
Phái nam cũng là nạn nhân của bất bình đẳng
Nạn nhân của bạo hành gia đình, nhất là bạo hành tình dục thường là nữ. Tuy nhiên, không ít trường hợp các ông chồng rơi vào tình cảnh đó. Hầu hết nạn nhân không dám tiết lộ, không dám lên tiếng vì dễ bị cười nhạo.
Ông Nguyễn Lê Đức, chuyên gia phát triển cộng đồng tại TPHCM cho biết, ông từng gặp nhiều ông chồng bị vợ bạo hành, trong đó có bạo hành tình dục.
Nhiều trường hợp, phái nam cũng nạn nhân của sự bất bình đẳng giới khi họ luôn được gắn với những đặc tính của phái mạnh, là trụ cột, là người chủ động... Đơn cử, trường hợp người vợ ở nhà chăm sóc con cái có thể được ca ngợi về đức hi sinh nhưng nếu người đàn ông chọn ở nhà sẽ nhận nhiều ánh mắt ái ngại, chê bai. Người vợ lùi sau sự nghiệp của chồng có thể là "của chồng công vợ", còn người chồng lùi về thì khó tránh khỏi những nghi kỵ, ngờ vực.
Hay như việc phòng chống xâm hại tình dục, nhiều người vẫn xem nhẹ ở góc độ các bé trai là nạn nhân vì tâm lý "con trai mất mát gì". Trong khi, trẻ em trai có nguy cơ bị xâm hại tình dục rất cao và cũng để lại những hậu quả đau lòng không kém trẻ gái.
Người phụ nữ bị bạo hành tình dục thường nhận được nhiều sự quan tâm, đồng cảm còn nạn nhân là nam giới bị vợ dày vò có khi còn bị chế giễu. Sự hỗ trợ đối với nạn nhân là đàn ông bị bạo hành cũng rất hạn chế nên nhiều ông chồng gồng lên chịu đựng những hành vi bạo lực trên giường ngủ. Việc khó lên tiếng, khó kêu cứu có thể dẫn những tác động, ức chế tâm lý cho nạn nhân.
"Đàn ông bị vợ bạo hành về thể xác, tinh thần, kinh tế đã khó lên tiếng thì bị bạo hành về tình dục càng áp lực hơn. Trên lý thuyết chúng tôi vẫn nói đàn ông bị bạo hành có thể tìm đến nhà tạm lánh nhưng thực tế thì... khó lắm", ông Đức nói.
Những năm gần đây, tại Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc, số lượng nạn nhân nam giới bị bạo lực gia đình và bạo hành tình dục đang có xu hướng gia tăng.
Năm 2021, tại Hàn Quốc, đàn ông chiếm 17,2% trong tổng số người liên lạc tới các cơ sở tạm lánh cho những nam giới bị bạo hành tình dục và bạo lực gia đình. Trước đó, vào năm 2020, tỷ lệ này là 11,5%.
Giữa năm 2022, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc lên kế hoạch thiết lập nhà tạm lánh cho những người đàn ông là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình và bạo hành tình dục. Đây là bước đi đầu của Chính phủ Hàn Quốc để đối phó với tình trạng số lượng nam giới chịu cảnh bạo hành tình dục và bạo lực gia đình gia tăng.
Cùng thời điểm, Bộ y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng lần đầu triển khai cuộc điều tra tập trung vào đối tượng bé trai và đàn ông là nạn nhân của hành vi bạo hành.
Tại Việt Nam, không dễ để tìm thấy các nghiên cứu, báo cáo về nạn bạo hành gia đình mà nam giới là nạn nhân. Một báo cáo cách đây khá lâu của Bộ Công an thể hiện, 20% nạn nhân của các vụ bạo hành gia đình là đàn ông.
Luật phòng chống bạo lực gia đình 2022 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 chỉ ra 16 hành vi bạo lực gia đình, dựa trên các yếu tố về bạo lực thể chất, tinh thần, kinh tế và tình dục. "Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng" được xác định là một trong những hành vi bạo lực gia đình.