Bảo đảm an sinh xã hội là bệ phóng làm giảm số lao động trẻ em
(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 khiến nhiều trẻ em trở thành trẻ mồ côi, không nơi nương tựa hoặc bị ảnh hưởng lâu dài do gia đình có nguy cơ đói nghèo... những tác động này có nguy cơ làm tăng số lao động trẻ em.
Nguy cơ gia tăng lao động trẻ em
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có gần 4.500 trẻ mồ côi chịu ảnh hưởng của Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai. Những tác động này đe dọa sự an toàn, tâm lý, sức khỏe thể chất và tâm thần, dinh dưỡng của trẻ em.
Gia đình rơi vào đói nghèo vì Covid-19 sẽ khiến trẻ em đối diện với nguy cơ phải trở thành lao động để kiếm kế sinh nhai. Bên cạnh đó, việc phải tạm dừng đến trường, học tập trực tuyến kéo dài đã tác động lớn đến chất lượng học tập của trẻ. Đó cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ em bỏ học có thể tăng cao, nhất là các em nhỏ trong gia đình nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Theo nghiên cứu mới của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế), những tiến bộ về xóa bỏ lao động trẻ em đã bị đình trệ kể từ năm 2016 do tác động của Covid-19, biến đổi khí hậu. Điều này đang tạo nên những thách thức lớn hơn về nguy cơ gia tăng lao động trẻ em.
Thống kê của ILO cho thấy có hơn 160 triệu trẻ em trên toàn thế giới (tức 1/10 trẻ em trong độ tuổi 5-17 tuổi) vẫn đang tham gia lao động trẻ em. Dự kiến con số này có thể tăng thêm 8,9 triệu trẻ em vào cuối năm 2022 nếu không có chiến lược giảm thiểu lao động trẻ em kịp thời.
Các chuyên gia của ILO cho rằng, nếu các nhà hoạch định chính sách không hành động một cách quyết đoán thì các yếu tố như đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột, đói nghèo gia tăng và biến đổi khí hậu… sẽ khiến tình trạng lao động trẻ em tăng cao.
Bảo đảm an sinh xã hội sẽ làm giảm nguy cơ gia tăng lao động trẻ em
Theo báo cáo "Vai trò của an sinh xã hội trong xóa bỏ lao động trẻ em - Đánh giá bằng chứng và hàm ý chính sách" của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), an sinh xã hội giúp giảm thiểu tình trạng gia đình rơi vào cảnh nghèo và dễ bị tổn thương, từ đó giảm căn nguyên dẫn đến lao động trẻ em.
Đại diện ILO cho biết, có nhiều lý do để đầu tư vào an sinh xã hội toàn dân. Trong đó, xóa bỏ lao động trẻ em là một trong những lý do thuyết phục nhất. Đặc biệt là khi xét đến tác động của vấn đề này đối với quyền và phúc lợi của trẻ em.
Các chuyên gia của ILO nhấn mạnh việc giảm thiểu lao động trẻ em sẽ dễ dàng hơn nếu các quốc gia có hệ thống an sinh xã hội được thiết kế toàn diện và nhạy cảm với lao động trẻ em.
Theo đó, các quốc gia cần đảm bảo trợ cấp cho trẻ em và gia đình, để tất cả các hộ gia đình có trẻ em có thể được tiếp cận.
Các chính sách an sinh xã hội giúp các gia đình đối phó với những cú sốc về kinh tế hay y tế sẽ góp phần quan trọng làm giảm lao động trẻ em và tạo điều kiện cho trẻ em đến trường. Do đó, các Chính phủ cần xây dựng một loạt các chính sách thúc đẩy an sinh xã hội, trong đó chú trọng đến chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Chia sẻ về các giải pháp của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, thời gian qua Chính phủ đã ban hành những chính sách hỗ trợ, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu. Trong đó, có nhiều giải pháp tập trung khắc phục những ảnh hưởng đối với trẻ em.
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã chi ngân sách Nhà nước và vận động sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các nhóm xã hội đề mở rộng diện bao phủ sóng internet, hỗ trợ máy tính cho trẻ em nghèo, trẻ em di cư, kết hợp linh hoạt giữa học trực tuyến với trở lại trường học.
Đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp trẻ em tiếp tục học tập, hạn chế nguy cơ trở thành lao động ở tuổi vị thành niên.