Bài thơ không tên, bỏ lửng của nữ sinh về chuyện "mai bố mẹ ra tòa"
(Dân trí) - Những dòng thơ của nữ sinh lớp 11 khiến người lớn không khỏi xót xa. Khi hôn nhân không thể tiếp tục, người lớn phải làm gì để con trẻ ít tổn thương nhất?
Bài thơ không có tiêu đề, được thầy Nguyễn Đình Ánh (Nghệ An) chia sẻ trên Facebook cá nhân cùng câu chuyện của nữ sinh cấp 3 khiến nhiều người không khỏi xót xa.
"...Hôm nay bố đến lạ/ Chẳng quan tâm nhà ta/ Bố đi cùng người lạ/ Người đàn bà phấn hoa/ Hôm nay đi học về/ Bố mẹ lại cãi vã/ Chẳng biết làm gì cả/ Con ngồi khóc thật lâu/ Mai bố mẹ ra tòa/ Mỗi người đi mỗi ngã/ Chẳng biết làm gì cả/ Con ngồi khóc thật lâu/ Ngày mai hoàng hôn tới/ Ráng đỏ nặng ánh chiều/ Chim ơi chờ ta nhé/ Khoan về nơi tịch liêu".
Chia sẻ về bài thơ, thầy Ánh cho biết, bản thân là giáo viên dạy văn, thường được học trò gửi gắm những bài thơ, bài văn nhờ xem giúp. "Trong thâm tâm, tôi nghĩ em cảm tác về một trường hợp nào đó để viết thành bài thơ nên hết sức ngỡ ngàng khi em chia sẻ đây chính là câu chuyện của mình", thầy Anh cho biết.
Bản thân nữ sinh này vốn là cô bé rất hoạt bát, vui vẻ. Theo thầy Ánh, rõ ràng, việc bố mẹ chia tay đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý của em nhưng em đã biết cách vượt qua.
"Ứng xử của bố mẹ đối với việc ly hôn cũng như cách họ chuẩn bị tâm lý cho con đối mặt và chấp nhận sự thật này là điều hết sức quan trọng", người thầy giáo nặng lòng với câu chuyện của học trò đúc kết.
Bố mẹ ly hôn tưởng là chuyện của hai người lớn nhưng thật ra là biến cố trong cuộc đời những đứa trẻ. Dù theo cách nào thì việc đó cũng là tổn thương mà đứa trẻ phải đối mặt. Chưa kể việc bố mẹ ly hôn sẽ xáo trộn, thay đổi cuộc sống của con trẻ khi chúng chỉ còn sống chung với bố hoặc mẹ, thậm chí nhiều trường hợp bố mẹ sau ly hôn gửi con về nhà nội hoặc nhà ngoại, hoặc cô dì chú bác.
Chị Phạm Thu Hoài (trú tại huyện Con Cuông, Nghệ An) và chồng quyết định đường ai nấy đi sau 4 năm sống chung với nhiều mâu thuẫn không thể hàn gắn. Sau ly hôn, cậu con trai ở với mẹ, còn người chồng hiện đã có gia đình mới. Chị khẳng định, dù chị ly hôn khi con còn nhỏ, cháu chưa cảm nhận được trực tiếp việc bố mẹ chia tay nhưng những tác động là không thể tránh khỏi khi cháu chỉ sống với mẹ, xa bố...
Theo chị Hoài, ly hôn là lựa chọn cuối cùng khi không thể tìm được tiếng nói chung trong hôn nhân. Đây là chuyện của người lớn nhưng cần phải sòng phẳng với con trẻ và tôn trọng ý kiến của con. Chị giải thích cho cháu hiểu và thông cảm cho bố mẹ rằng, bố mẹ không còn tình cảm với nhau, không thể duy trì cuộc sống chung nên buộc phải "tách ra". Nhưng dù bố mẹ ở đâu, ở gần hay xa con thì vẫn yêu con theo cách của mình.
Ngoài thỏa thuận với chồng cũ về việc thăm con, chị cũng hỏi ý kiến con về lịch thăm, đón con của ba. Vấn đề không phải ở chỗ bố mẹ thỏa thuận thế nào mà phải ở chỗ đứa trẻ cảm thấy ra sao.
"Sau khi ly hôn, nói là làm bạn với nhau hay đối xử bình thường với đối phương thì chỉ là trên lý thuyết thôi. Thực tế, trải qua những trận cãi vã, xung đột trước đó rồi nên sau ly hôn, nhiều khi vô thức, tôi vẫn bộc lộ thái độ không tốt đối với chồng cũ ngay trước mặt con. Tôi cố gắng giải thích cho cháu hiểu đó chỉ là tâm lý của mẹ, không phải là do bố con. Nên con tôi rất yêu bố và rất thông cảm cho tính "khùng khùng" của mẹ", chị Hoài chia sẻ.
Xác định chồng cũ mãi là bố của con, chị luôn tạo mọi cơ hội để con được gần gũi với bố và gia đình mới của bố, để cháu thấy mình là một phần quan trọng trong cuộc sống của cả bố lẫn mẹ. Chị luôn nói với con, khi ba mẹ ly hôn con có hai nhà, con có hai gia đình nhỏ, có các em con của bố và dì, con sẽ yêu thương và nhiều trách nhiệm hơn.
Còn anh Phan Minh Khánh (trú tại TP Vinh, Nghệ An) đã có quãng thời gian khá dài ly thân trước khi ly hôn với vợ nhưng cặp đôi "giấu kỹ" nên các con cứ nghĩ bố đi công tác xa. Khi con gái lớn 7 tuổi, lờ mờ hiểu ra chuyện, anh Khánh dành thời gian để trò chuyện, chuẩn bị tâm lý cho con.
"Tôi bảo với cháu, bố mẹ ở với nhau sẽ hay cãi nhau, như thế cả nhà mình đều không vui. Cháu cũng hiểu ra vấn đề nhưng do thời điểm chúng tôi ra tòa, cháu mới 8 tuổi, khi xử, tòa án yêu cầu phải có đơn của cháu viết xin ở với ai.
Đây mới là thách thức lớn, bởi tôi sợ cháu hiểu là viết đơn ở với người này thì không được ở với người kia. Tôi nói với cháu: "Con viết đơn này gửi tòa án để xin ở với mẹ nhưng thực tế, con vẫn được ở với cả bố và mẹ. Bất cứ khi nào con thấy thích ở với bố, với em thì con nói để bố đón về, khi nào con thích thì bố lại chở con về bên mẹ", anh Khánh chia sẻ.
Sau khi ly hôn, con gái lớn ở với mẹ, con gái nhỏ 5 tuổi ở bố. Đây là khoảng thời gian anh Khánh cảm thấy lúng túng, xót xa với những câu hỏi của con về mẹ và chị. Trong những câu chuyện nói với con, anh luôn nhấn mạnh, mẹ đang vất vả, con ở đây với bố thì mẹ sẽ đỡ vất vả vì chăm sóc cả hai chị em, trong khi mẹ vẫn phải đi làm. Anh cũng dành nhiều thời gian cho con, đưa con đến khu vui chơi...
Thời gian đầu, vợ cũ của anh cũng tỏ thái độ này nọ, phân định rạch ròi thời gian thăm con. Anh Khánh cố gắng tránh tranh cãi với vợ, đều đặn chở con nhỏ về bên mẹ và đón con lớn về bên bố.
Ly hôn được một thời gian dài, gia đình anh vẫn duy trì các cuộc đi chơi, ăn uống có đầy đủ các thành viên. Để tốt nhất cho con, hai vợ chồng anh thống nhất bất kỳ lúc nào, các con yêu cầu ở với ai thì một trong hai người phải đáp ứng, việc đưa đón con đi học cũng không còn rạch ròi như trước, ai có thời gian hơn thì hỗ trợ người còn lại.