"Đòn bẩy" thoát nghèo từ cuộc vận động mỗi đơn vị giúp một xã nghèo

Bài 1: Chung tay xóa "trũng nghèo" miền Tây Nghệ An

Hoàng Lam

(Dân trí) - Gắn trách nhiệm cho từng sở ngành, đơn vị, công tác xóa đói giảm nghèo tại Nghệ An có nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều mô hình thiết thực đã thay đổi cuộc sống của hàng trăm hộ nghèo miền Tây xứ Nghệ.

Bài 1: Chung tay xóa trũng nghèo miền Tây Nghệ An - 1

Miền Tây Nghệ An là nơi có điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt, đông đồng báo dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm tỉ lệ trong tổng số hộ nghèo lớn của cả tỉnh.

11 huyện miền Tây tỉnh Nghệ An là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Với địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, kinh tế - xã hội còn chậm phát triển, đời sống nhân dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện miền Tây cao hơn mức trung bình chung của toàn tỉnh. Thời điểm trước năm 2012, tỉ lệ hộ nghèo ở một số huyện miền Tây Nghệ An lên tới 50-60%.

Xóa "trũng nghèo" miền Tây Nghệ An là mục tiêu đã và đang triển khai thông qua các chương trình, đề án như Đề án phát triển KT-XH miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Chương trình 30a, Chương trình nông thôn mới và Đề án nâng cao mức sống cho nhân dân vùng miền Tây và ven biển Nghệ An đến năm 2020.

Thoát nghèo không còn là chuyện của 1 hộ dân, 1 địa phương. Với mục tiêu xóa "trũng nghèo" miền Tây Nghệ An, nhiệm vụ này đã được các sở ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh ghé vai chung sức.

Bài 1: Chung tay xóa trũng nghèo miền Tây Nghệ An - 2
Trình độ dân trí thấp, thiếu sinh kế bền vững khiến công tác xóa đói giảm nghèo tại 11 huyện miền Tây Nghệ An gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 2012, cuộc vận động ủng hộ, giúp đỡ các xã nghèo vùng miền Tây tỉnh Nghệ An đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An triển khai. Từ cuộc vận động này, 113 đơn vị đã nhận giúp đỡ 115 xã nghèo với mục tiêu từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, các địa bàn, cải thiện điều kiện vật chất, tinh thần, từng bước nâng cao đời sống về mọi mặt cho đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An.

Sau 8 năm triển khai, cùng với sự lồng ghép có hiệu quả của nhiều chương trình, đề án giảm nghèo của Trung ương, sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân các huyện miền Tây, nguồn lực từ cuộc vận động này giúp các xã nghèo cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt và từng bước xóa đói giảm nghèo cho người dân .

Chỉ tính riêng trong năm 2019 và 6 tháng 2020, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã ủng hộ, giúp đỡ các xã nghèo miền Tây Nghệ An số tiền gần 80 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, các hoạt động giúp đỡ các xã củng cố, nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và kiến thức cho người dân đã được triển khai. 

Bài 1: Chung tay xóa trũng nghèo miền Tây Nghệ An - 3
Nhờ lồng ghép có hiệu quả các chương trình, đề án giảm nghèo của Trung ương và các đề án của tỉnh, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và sự chung tay của các sở ngành, đơn vị, doanh nghiệp... đời sống kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đã có nhiều khởi sắc.

Trong 8 năm qua, đã có hàng nghìn căn nhà cho các hộ nghèo được các đơn vị giúp đỡ sửa chữa, xây mới. Riêng 2019, các đơn vị hỗ trợ xây mới 287 nhà, sửa chữa 18 nhà cho các hộ nghèo miền Tây Nghệ An với tổng kinh phí hơn 21 tỉ đồng. 

Gần một thập kỷ trôi qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các sở, ngành, các đơn vị, công tác giảm nghèo của các huyện miền Tây đã đạt được những bước tiến dài. Trung bình mỗi năm, tỉ lệ hộ nghèo ở 11 huyện miền Tây giảm hơn 3% với hàng nghìn hộ dân thoát nghèo.

Thời điểm này đã có 4 xã thuộc huyện nghèo 30a, 2 xã biên giới, 30 xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và 69 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, xây mới, sửa chữa nhà ở tạm bợ, dột nát cho các hộ dân, nhiều người dân miền núi đã được hỗ trợ sinh kế, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ để nâng cao thu nhập, từ đó từng bước cải thiện mức sống của mình.

Bài 1: Chung tay xóa trũng nghèo miền Tây Nghệ An - 4
Từ chỗ trông chờ, ỷ lại, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nỗ lực vươn lên. Chăn nuôi gia súc trở thành một trong những hướng thoát nghèo của người dân miền Tây Nghệ An thời gian qua.

Năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chiếm hơn 65%. Cuối năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo ước còn trên 42%, trung bình mỗi năm giảm hơn 4,5%. Đây là con số hết sức ấn tượng đối với huyện vùng biên có tới 20/21 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện xã nghèo, có đông đồng bào Mông, Khơ - mú, Thái sinh sống.

"Bên cạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh, sự quyết liệt và trách nhiệm của địa phương và nỗ lực của chính quyền, nhân dân, không thể không nhắc tới sự tiếp sức của các đơn vị được phân công giúp đỡ 20 xã nghèo của huyện. Đặc biệt, từ cuộc vận động trên, nhiều địa phương đã được giúp đỡ, xây dựng và duy trì các mô hình phát triển kinh tế giúp đồng bào thoát nghèo một cách bền vững", ông Lê Hồng Lập - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết.

Bài 1: Chung tay xóa trũng nghèo miền Tây Nghệ An - 5
Miền Tây Nghệ An đã có nhiều khởi sắc trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Đánh giá về hiệu quả chương trình giúp đỡ xã nghèo mà địa phương đang được thụ hưởng, ông Lô Ba Lịch - Chủ tịch UBND xã Xiêng My (Tương Dương, Nghệ An) cho biết: "Nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã đã được hỗ trợ công cụ sản xuất mang lại hiệu quả cao. Phần lớn những hộ được giúp đỡ thì đến nay đều đã thoát nghèo, có mức sống cao hơn. Ngoài ra, hàng năm, các hộ nghèo của xã được hỗ trợ ăn Tết bằng những suất quà rất thiết thực.

Không chỉ trực tiếp giúp đỡ các hộ dân thoát nghèo, chính quyền xã cũng được đơn vị nhận giúp đỡ trang bị máy móc thiết bị phục vụ công tác như máy tính, máy in, máy phát điện...".

Bài 2: "Cứu tinh" giúp người dân thoát nghèo bền vững