Ám ảnh "cha dượng" vụ bé gái bị đóng đinh và day dứt mang tên "mẹ ruột"
(Dân trí) - Khi Nguyễn Trung Huyên, ác nhân đóng cả chục cái đinh vào đầu bé gái 3 tuổi đang bị đem ra xét xử thì ở Lâm Đồng, một người con riêng bị cha dượng bắn chết.
Ngày 13/10, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trung Huyên tử hình về tội "giết người". Bản án nằm trong dự đoán của nhiều người vì sự ám ảnh về hành vi tàn độc của bị cáo đối với con riêng của người tình. Trước tòa, lời khai cùng lời miêu tả của Huyên về những lần hành hạ bé Đ.N.A. làm nhiều người muốn gục ngã.
Lần đầu, người đàn ông mẹ cháu bé kết duyên sau khi tan vỡ đó lấy keo dán gỗ ở xưởng mộc về nhỏ vào mũi bé gái. Những lần 2, 3, 4 tiếp đó, Huyên khai cho bé uống thuốc diệt cỏ, bắt nuốt đinh vít và đánh gãy tay nạn nhân.
Lần thứ 5, lần trực tiếp đẩy bé vào cái chết, anh ta không nhớ đã đóng bao nhiêu chiếc đinh vào đầu cháu bé, mỗi lần đóng cách nhau khoảng 2-3 phút.
Tội ác của Huyên đến bố ruột của hắn ta là ông Nguyễn Trung Hưng đã phải ớn lạnh thốt lên giữa phiên tòa: "Rất dã man".
Huyên thản nhiên đáp muốn giết bé gái vì không muốn nuôi dưỡng con riêng của vợ. Hai chữ "con riêng" dường như là thứ đẩy nhiều đứa trẻ ra ngoài, khiên các em rơi vào bi kịch trong mối quan hệ mới, cuộc sống mới của bố, của mẹ.
Không chỉ vụ Nguyễn Trung Huyên, vụ án Nguyễn Võ Quỳnh Trang ở TPHCM hành hạ, tra tấn bé gái là con của người tình đến chết cũng là chuyện đau lòng trong mối quan hệ mẹ kế - con riêng.
Tục ngữ có câu: "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng". Câu này có thể không đúng với tất cả các trường hợp nhưng được đúc kết từ những câu chuyện trong đời thường từ xa xưa để cảnh báo về mối quan hệ dì ghẻ - con chồng.
Mối quan hệ tương đồng giữa bố dượng - con riêng dù ít được đề cập nhưng thực tế, không chỉ có một bé Đ.N.A chết dưới tay "người mới" của mẹ. Và không chỉ chờ đến cái chết, biết bao nhiêu đứa trẻ đang sống trong nỗi kinh hoàng bởi người các em gọi là "cha" khi mẹ đi bước nữa.
Khi Nguyễn Trung Huyên, ác nhân đóng cả chục cái đinh vào đầu bé gái 3 tuổi đang bị đem ra xét xử thì tại Lâm Đồng, người con riêng bị cha dượng bắn chết trước khi ông này tự vẫn. Lý do được cho là mâu thuẫn trong cuộc sống xuất phát từ mối quan hệ bố dượng - con riêng.
Rồi chỉ trong một thời gian ngắn, có không ít vụ việc cha dượng cưỡng hiếp con riêng của vợ. Sự việc gây ám ảnh không kém gần đây ở Sơn La khi người mẹ Hà Thị Nguyệt đã cắt "của quý" của chồng vì người này cưỡng dâm con riêng 15 tuổi của mình nhiều lần.
Ngay trong quy định của pháp luật, vợ chồng ly hôn khi con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho người mẹ nuôi dưỡng. Chị em vẫn hay nói với nhau khi hôn nhân đổ vỡ, nhất quyết người mẹ phải giữ lấy con. Điều này nhấn mạnh vai trò của người mẹ trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ con.
Vậy nhưng, rất, rất nhiều đứa trẻ được mẹ nuôi dưỡng sau ly hôn rơi vào địa ngục của bố dượng. Không ít đứa trẻ trước 3 tuổi đang trong quyền nuôi dưỡng của mẹ mất mạng vì bố dượng.
Cách đây không lâu, tại Vĩnh Long, đối tượng Nguyễn Minh Quân dùng chân đạp nhiều lần vào người, vào đầu cháu bé 2 tuổi là con riêng của người tình làm cháu bé tử vong. Đau lòng tận cùng, khi đó, mẹ cháu bé có mặt chứng kiến sự việc.
Khi xét xử Nguyễn Trung Huyên, Viện kiểm sát đề nghị điều tra vai trò của người mẹ. Người mẹ đó nuôi dưỡng con sau ly hôn lại để con rơi cảnh bị tình nhân của mình tra tấn trong thời gian dài với những cách thức kinh dị nhất. Bé trải qua thời gian chịu đựng bao đau đớn kinh hoàng, hoảng loạn, sợ hãi... ngay khi sống cùng với mẹ.
Theo thống kê cho thấy, ở Việt Nam hiện có khoảng 60.000 vụ ly hôn mỗi năm. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn 25%, có nghĩa trong 4 đôi đi đăng ký kết hôn thì 1 đôi ra tòa. Điều này cũng nói lên phần nào bức tranh nhiều đứa trẻ sẽ sống trong mối quan hệ mới của bố mẹ, với mẹ kế - bố dượng.
Cũng như đàn ông, phụ nữ sau ly hôn hoàn toàn có quyền tìm kiếm hạnh phúc mới. Nhưng một khi đã có con thì hạnh phúc mới của bố, của mẹ phải làm sao để đi liền với hạnh phúc và sự an toàn của đứa con.
Đi bước nữa khi có khúc ruột của mình bên cạnh, mỗi người phải tự hỏi mình có năng lực, tài chính, tự chủ về nhận thức, tình cảm để bảo vệ con. Cũng như cần trả lời được câu hỏi có đảm bảo được sự an toàn cho con; nếu chồng mình bạo hành con, mình ở đâu?
Khi một đứa trẻ bị bố dượng, mẹ kế bạo hành, tra tấn thì người có trách nhiệm lớn nhất với chính đứa trẻ là bố ruột, mẹ ruột. Có thể họ không phải đối mặt với pháp luật nhưng là trách nhiệm về lương tri với con của mình.