2 Bộ trưởng trả lời chất vấn vụ 4.000 người đóng bảo hiểm mà mất lương hưu

Lê Hoa Trần Kháng

(Dân trí) - Liên quan đến việc thu sai bảo hiểm xã hội của hơn 4.200 chủ hộ kinh doanh, Bộ trưởng LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Tài chính cùng lý giải ở những khía cạnh khác nhau.

Chưa phát hiện trục lợi

Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 6/6 về nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương. Trách nhiệm việc này thuộc về Bảo hiểm xã hội Việt Nam và đặc biệt là bảo hiểm xã hội các địa phương

Bộ trưởng Dung cho biết, sau khi phát hiện sự việc, Bộ LĐ-TB&XH đã làm việc với bảo hiểm xã hội các địa phương và có văn bản để chấn chỉnh việc này nhưng thực tế vẫn còn những trường hợp thu sai, chưa được giải quyết.

Hiện, các địa phương có hướng xử lý linh hoạt với các chủ hộ kinh doanh này, trong đó nhiều trường hợp đã đồng ý tiếp tục chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện, có trường hợp đề nghị thoái thu. Bên cạnh đó, không ít trường hợp xin tiếp tục được chuyển sang diện đóng bảo hiểm bắt buộc.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, không còn số liệu chủ hộ kinh doanh như đã công bố cho đến thời điểm này. Bởi con số hơn 4.200 chủ hộ kinh doanh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã được báo cáo đến năm 2016.

Bộ trưởng cũng thông tin, vừa qua, có 8 đoàn của Ban Kinh tế Trung ương, cùng với Bộ đi kiểm tra ở các địa phương. Có địa phương đã báo cáo với 62 trường hợp thu bảo hiểm sai như vậy, nhưng thời điểm kiểm tra thực tế chỉ còn 8 trường hợp.

Như vậy, theo Bộ trưởng, trường hợp chủ hộ kinh doanh bị thu tiền bảo hiểm xã hội sai đã căn bản được giải quyết.

2 Bộ trưởng trả lời chất vấn vụ 4.000 người đóng bảo hiểm mà mất lương hưu - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (ảnh: Quochoi.vn).

Đánh giá về tính chất vụ việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn: "Tôi xin báo cáo việc trục lợi chưa phát hiện được, nhưng có sai".

Liên quan đến việc xử lý, Bộ đã trao đổi với Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, chắc chắn phải xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

"Đề xuất trong chương trình xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ cho đưa nhóm này là đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Vị tư lệnh ngành lao động gợi ý, có thể bổ sung vào Nghị quyết chất vấn kỳ họp cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho những chủ hộ kinh doanh thuộc trường hợp này, như cộng nối thời gian đóng bảo hiểm, nếu người lao động có nhu cầu chuyển sang bảo hiểm bắt buộc hoặc bảo hiểm tự nguyện. Theo tinh thần đó, vấn đề tồn đọng sẽ được giải quyết căn cơ ngay và chắc chắn không xảy ra khiếu kiện.

Nghịch lý "ông chủ" không được đóng bảo hiểm bắt buộc 

Cũng báo cáo về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Nghị định 01 năm 2003 về chủ trương mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có hướng dẫn cho một số tỉnh về vấn đề đóng bảo hiểm xã hội.

Trong đó, có 54 tỉnh thu bảo hiểm xã hội bắt buộc của 4.240 đối tượng từ năm 2003 cho đến 2016 và đến năm 2016 dừng lại. Tuy nhiên, vẫn còn 1.332 đối tượng vẫn nộp tiếp đến năm 2020 mới dừng hẳn.

"Ở đây, về mặt bản chất và đạo lý thì không có gì sai, nhưng về quy định của pháp luật thì vẫn bị vướng. Bởi quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội phải có hợp đồng về giao kết bảo hiểm mới được tham gia", Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

2 Bộ trưởng trả lời chất vấn vụ 4.000 người đóng bảo hiểm mà mất lương hưu - 2

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (ảnh: Quochoi.vn).

Các chủ hộ kinh doanh không có hợp đồng lao động giao kết, chỉ có hợp đồng của họ với các nhân viên. Theo đó, nhân viên của các "ông chủ" này lại được nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc mà chủ hộ lại không thuộc diện đóng (người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng nhiều chế độ hơn người tham gia tự nguyện - PV).

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, về mặt bản chất, những người này vừa là chủ hộ, vừa người lao động. Cho nên, về bản chất, việc được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể chấp nhận được, nhưng so với quy định của pháp luật thì sai đối tượng.

"Vì vậy, chúng tôi cũng trao đổi với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm thế nào để việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội tới đây cho phép đối tượng chủ hộ kinh doanh được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc", Bộ trưởng nói. Đó cũng là hướng tháo gỡ tốt cho vụ 4.000 người đang bị "treo" lương hưu này.