Xếp lại váy cưới, cô dâu mặc áo tang khóc nghẹn trước bàn thờ chồng

(Dân trí) - Suốt từ hôm qua đến nay, cô dâu trẻ bất hạnh nghẹn ngào khóc gọi tên chồng trong đau đớn. Những tiếng kêu khóc thỉnh thoảng bị ngắt quãng khi cô gái lịm dần vì kiệt sức. “Đám cưới của chúng mình vẫn chưa tổ chức mà, sao anh nỡ bỏ em ra đi hả anh…”, giọng cô dâu tắc nghẹn...

Yêu nhau 5 năm, mất nhau trong ngày cưới

Ngay sau khi thi thể các nạn nhân vụ tai nạn thảm khốc làm 13 người chết được đưa về quê nhà thôn Lương Điền, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cô dâu L.T.Y. (vợ sắp cưới của nạn nhân Nguyễn Khắc Long) cũng từ Bình Định lên xe ô tô ra Quảng Trị để chịu tang chồng - người chồng còn chưa kịp cùng Y. bái lạy trước bàn thờ gia tiên.

Đứng trước linh cữu anh Nguyễn Khắc Long và mẹ anh là bà Ngô Thị Bê, cô dâu Y. nghẹn ngào khóc: “Anh ơi, hạnh phúc của chúng mình còn dang dở. Anh đã hứa cùng em đi hết cuộc đời này, cùng sinh sống dưới một mái nhà. Sao bây giờ anh nỡ bỏ em đi…”.


Cô dâu Y. và người thân làm lễ trước linh cữu bà Bê và anh Long

Cô dâu Y. và người thân làm lễ trước linh cữu bà Bê và anh Long

Nghe tiếng khóc ai oán của cô dâu trẻ, những người đến viếng đều không cầm được nước mắt. Hoàn cảnh đau thương trớ trêu của đôi trẻ khiến không ai có thể cầm lòng. Trước đó, khi nhận tấm thiệp mời của gia đình Long, ai cũng khen gia đình bà Bê có phước cưới được con dâu thảo. Vậy mà, tai ương đã ập đến quá khủng khiếp...

Rời quê vào Bình Dương làm ăn, cặp đôi trẻ Long - Y. gặp nhau rồi nên duyên. Mối tình kéo dài hơn 5 năm những tưởng sẽ có một cái kết thật hạnh phúc sau đám cưới với sự chúc phúc của họ hàng hai bên. Nào ngờ, chưa kịp dắt tay nhau lên sân khấu đón nhận lời chúc phúc, cặp đôi trẻ đã rơi vào cảnh tử biệt.

Người bạn của chú rể kể lại, Long làm ở bộ phận y tế của Công ty thép ở Bình Dương được 6 năm. Y. làm ở công ty may mặc gần đó. Long hiền lành, gần gũi nên được nhiều người quý mến. Hai người yêu nhau rồi đi đến quyết định làm đám cưới.

Từ hôm 22/7, đám cưới đã được tổ chức tại tại Bình Dương, họ hàng hai bên và bạn bè làm cùng công ty đến rất đông. Theo lịch, ngày 30/7 tổ chức đám cưới ở nhà Y., ngày 2/8 tổ chức đám cưới ở nhà Long.

Bạn bè đến viếng tại gia đình chú rể
Bạn bè đến viếng tại gia đình chú rể

Khăn tang phủ kín Từ đường dòng họ Nguyễn Khắc

Theo phong tục, khoảng 9h sáng 31/7, người thân của 9 nạn nhân thuộc dòng họ Nguyễn Khắc mang 9 di ảnh ra nhà thờ họ để làm lễ yết tổ. Những người trong dòng họ chưa bao giờ nghĩ họ phải chứng kiến cảnh tang thương tận cùng như vậy.

Trong hàng dài đoàn người mang áo tang trắng có Y. - cô gái trẻ đáng lẽ hôm qua còn được mặc váy cô dâu, hôm nay còn được hạnh phúc trong vòng tay chồng...


Tang thương chưa từng có dội xuống dòng họ Nguyễn Khắc.

Tang thương chưa từng có dội xuống dòng họ Nguyễn Khắc.

Di ảnh 9 nạn nhân của dòng họ Nguyễn Khắc (trừ ông Võ Sỹ Tiến và Đặng Xuân Phóng) được người thân rước ra nhà thờ. Hàng chục người thân đội khăn trắng cũng tập trung về đây làm lễ, khiến sân Từ đường họ Nguyễn Khắc phủ màu trắng tang tóc.

9 bức di ảnh đặt giữa sân nhà thờ
9 bức di ảnh đặt giữa sân nhà thờ

Ông Nguyễn Hữu Phú, Trưởng thôn Lương Điền cho biết, trong sáng nay, có 9 bài vị của 9 nạn nhân được đưa đến từ đường họ Nguyễn Khắc làm lễ yết tổ. Ba nạn nhân còn lại làm lễ yết tổ ở những nơi khác vì khác họ, khác chi.

Theo ông Phú, tối qua (30/7), thôn Lương Điền đã họp để phân chia công việc tổ chức đám tang cho những người gặp nạn. Người trong dòng họ phải chia ra để túc trực ở những nhà khác cũng là nạn nhân của vụ tai nạn thảm khốc.

Nỗi đau của người thân chú rể.
Nỗi đau của người thân chú rể.

Chiều 30/7, UBND xã Hải Sơn đã tổ chức phiên họp để rà soát lại các phương tiện xe tang trên địa bàn xã để giúp các gia đình. Xã đã điều động được 4 chiếc xe tang để hỗ trợ các gia đình trong việc lo hậu sự.

Theo lãnh đạo xã Hải Sơn, lực lượng người đưa tang được huy động đảm bảo đủ cho việc mai táng các nạn nhân.

Đăng Đức