1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Việt Nam đề nghị Trung Quốc xả lũ cứu hạn vùng ĐBSCL

(Dân trí) - Việt Nam đã đề nghị phía Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ tỉnh Vân Nam xuống hạ lưu sông Mê Kông để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ngày 14/3/2016, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã cho biết thông tin liên quan đến việc Việt Nam đề nghị Trung Quốc có biện pháp hỗ trợ gia tăng lưu lượng xả nước để khắc phục tình trạng hạn hán tại một số tỉnh của Việt Nam.

“Chúng tôi cho rằng việc cùng bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước Mê Kông là trách nhiệm chung của các quốc gia thuộc lưu vực sông, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia liên quan và cuộc sống của người dân trong khu vực", bà Hằng nói.

ĐBSCL đang đối mặt với đợt hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua
ĐBSCL đang đối mặt với đợt hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua

Theo bà Phạm Thu Hằng, vừa qua, Việt Nam đã thông qua kênh ngoại giao đề nghị phía Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ Thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc) xuống hạ lưu sông Mê Công để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại một số tỉnh ĐBSCL của Việt Nam.

"Chúng tôi hoan nghênh việc các cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết sẽ tích cực phối hợp, sớm triển khai kế hoạch xả nước khẩn cấp trong thời gian từ ngày 15/3 đến 04/4/2016”, bà Hằng cho biết thêm.

Các nhà khoa học cho rằng, đợt hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra tại các tỉnh vùng ĐBSCL là nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua.

Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vụ lúa đông xuân toàn vùng ĐBSCL có 1.550.000 ha, trong đó có 8 tỉnh ven biển bị xâm nhập mặn gay gắt. Số diện tích lúa đông xuân có nguy cơ bị xâm nhập mặn là 340.000 ha, còn diện tích đã bị ảnh hưởng nặng bởi xâm nhập mặn là 124.000 ha.

Ở thời điểm hiện tại, miền Nam đang trong giai đoạn cao điểm của El Nino, tức cao điểm của nắng nóng, hạn hán. Trong khi đó, mùa này, nước thượng nguồn sông Mê Kông lại đổ về rất ít do bị ngăn cản bởi hàng loạt các công trình thủy điện của Trung Quốc, Lào, Campuchia. Vì thế nước không đủ để có thể đẩy mặn ra biển được. Hậu quả là vùng ĐBSCL bị hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng.

Nam Hằng