1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trăn trở đầu năm của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự

(Dân trí) - Trong cuộc trao đổi đầu năm với PV Dân trí, ông Hoàng Sỹ Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) khẳng định năm 2016 sẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, tạo sự minh bạch, công khai, ngăn ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh trong hoạt động thi hành án. Đồng thời đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ Vinashin, Vinalines, Huỳnh Thị Huyền Như, ALC II.

Ông Hoàng Sỹ Thành (Ảnh: Bộ Tư pháp).
Ông Hoàng Sỹ Thành (Ảnh: Bộ Tư pháp).

Phóng viên: Theo đánh giá ngắn gọn của ông, năm 2015 ngành thi hành án dân sự đã đạt được những thành tích nào nổi bật và những hạn chế, chưa làm được?

Ông Hoàng Sỹ Thành: Nhìn chung, công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2015 và giai đoạn 2011-2015 đã có chuyển biến, cơ bản thực hiện được mục tiêu đề ra. Kết quả thi hành án xong về số việc, về tiền năm sau cao hơn năm trước, ngày càng thực chất, bền vững so với năm 2011...

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, công tác thi hành án dân sự vẫn còn một số hạn chế như: Số việc, số tiền chưa thi hành được chuyển sang năm sau vẫn còn cao, nhất là về giá trị, còn một số lượng án dân sự tồn đọng qua nhiều năm đến nay chưa thi hành được; một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài còn chưa có biện pháp tập trung quyết liệt chỉ đạo giải quyết dứt điểm; công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt là với TAND, VKSND và các Đoàn Luật sư tuy đã có tiến bộ nhưng vẫn còn những bất cập, hạn chế. Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong các cơ quan thi hành án dân sự tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng một số nơi còn chưa nghiêm, còn trường hợp vi phạm, bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự...

Vừa qua, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có báo cáo đánh giá, năm 2015 công tác luân chuyển cán bộ, công chức trong các cơ quan thi hành án dân sự vẫn chưa được như mong muốn; kỷ cương, kỷ luật tại một số đơn vị còn chưa nghiêm. Số lượng công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật còn nhiều. Bên cạnh đó vẫn còn một số nơi để xảy ra nhũng nhiễu, gây phiền hà cho các bên đương sự, gây bức xúc dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh cán bộ, công chức cũng như hình ảnh của các cơ quan thi hành án dân sự. Năm 2016, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ cải thiện, thay đổi những điều này như thế nào?

Như tôi đã nói ở trên, tình trạng nhũng nhiễu, vi phạm trong đội ngũ công chức thi hành án dân sự còn tiếp diễn nhưng đã có xu hướng giảm.

Về giải pháp, Tổng cục sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ thi hành án, khắc phục những thiếu sót, vi phạm nghiệp vụ thường gặp; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, rèn luyện phẩm chất đạo đức; siết chặt hơn kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Đặc biệt, năm 2016, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ chú trọng tăng cường hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, kiểm soát công việc và trong công tác chuyên môn nghiệp vụ, qua đó góp phần tạo sự minh bạch, công khai, ngăn ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh trong hoạt động thi hành án.

Một trong những vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm là việc thu hồi tài sản, nộp về ngân sách nhà nước trong các vụ án lớn như Vinashin, Vinalines, Huỳnh Thị Huyền Như, ALC II. Năm nay Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ có những biện pháp đột phá nào để thu hồi tài sản tại các vụ án này? Khả năng thu hồi hiện nay ra sao - dựa trên việc xác minh tài sản, tài khoản của những người liên quan?

Chúng tôi đồng tình với cách đặt vấn đề của báo Dân trí. Có thể thấy thời gian qua, việc thi hành án các vụ án lớn, liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước, trong đó có các vụ việc nêu trên là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự cũng rất quan tâm chỉ đạo đối với các vụ việc loại này.

Tại buổi làm việc với Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ Tư pháp về công tác cải cách tư pháp trong thi hành án dân sự vào tháng 7/2015, đồng chí Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cũng đã yêu cầu Bộ Tư pháp báo cáo về tình hình, kết quả thi hành án đối với một số vụ án lớn, thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Tổng cục Thi hành án dân sự đã tham mưu giúp Bộ Tư pháp quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với các công tác thi hành án dân sự trong bản án hình sự nói chung và thi hành phần dân sự trong các bản án về vụ án tham nhũng nói riêng, đặc biệt là việc thu hồi cho tài sản trong những vụ án lớn, phức tạp.

Thời gian qua, Tổng cục đã chỉ đạo, hướng dẫn các Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các vụ việc thi hành án liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước, xây dựng kế hoạch giải quyết thi hành án các vụ việc thu hồi tài sản cho Nhà nước tại địa phương mình. Kết quả 100% Cục Thi hành án dân sự địa phương được quán triệt, triển khai thực hiện và xây dựng Kế hoạch cụ thể giải quyết các vụ việc loại này.

Trong 7 vụ việc (vụ Vinashin, vụ Vinalines, vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Ngân hàng phát triển Đắc Lắc, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Công ty Đầu tư tài chính II (ALC II), vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, tổng số tài sản phải thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước, trong tổng số tiền phải thi hành theo bản án là trên 11.215 tỷ đồng, đã thi hành được 201,766 tỷ đồng tiền án phí truy nộp, phạt sung quỹ nhà nước; đang tiếp tục thi hành trên 11.018 tỷ đồng (riêng vụ Huỳnh Thị Huyền Như hơn 10.921 tỷ).

Về thu hồi tài sản cho tổ chức, cá nhân, trong tổng số tiền phải thi hành theo bản án là trên 5.329 tỷ đồng, các đương sự đã làm đơn yêu cầu thi hành án số tiền trên 4.697 tỷ đồng. Kết quả đã thi hành được trên 86 tỷ đồng, trả đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật đối với 1.022 tỷ và đang tiếp tục thi hành trên 3.947 tỷ đồng.

Riêng vụ Dương Thanh Cường do bản án chưa có hiệu lực nên cơ quan thi hành án chưa tổ chức thi hành.

Trường hợp Phạm Thanh Bình - nguyên Chủ tịch Vinashin, Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Vinashin, cơ quan thi hành án đã xử lý tài sản thi hành được trên 2 tỷ đồng, số tiền còn lại phải thi hành trên 1.000 tỷ đồng cơ quan thi hành án đã ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án, vì đương sự chưa có điều kiện thi hành- ông Hoàng Sỹ Thành cho biết.
"Trường hợp Phạm Thanh Bình - nguyên Chủ tịch Vinashin, Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Vinashin, cơ quan thi hành án đã xử lý tài sản thi hành được trên 2 tỷ đồng, số tiền còn lại phải thi hành trên 1.000 tỷ đồng cơ quan thi hành án đã ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án, vì đương sự chưa có điều kiện thi hành"- ông Hoàng Sỹ Thành cho biết.

Việc thu hồi tài sản trong các vụ án lớn gặp nhiều khó khăn, phức tạp như vậy xuất phát chính từ những nguyên nhân nào? Tổng cục Thi hành án dân sự đã kiến nghị cơ quan chức năng liên quan bổ sung quy định và thay đổi để khắc phục vấn đề này như thế nào?

Kết quả thu hồi cho ngân sách Nhà nước trong các vụ án lớn còn hạn chế, tiến độ giải quyết còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu; bên cạnh một số vụ việc đã thi hành xong phần thu hồi ngân sách nhà nước (vụ Vinashin đã thi hành xong toàn bộ số tiền trên 1,911 tỷ đồng án phí, tiền phạt; vụ Vinalines thi hành xong toàn bộ số tiền án phí là trên 1,327 tỷ đồng), vẫn còn nhiều vụ việc kết quả thi hành rất thấp, điển hình vụ Nguyễn Đức Kiên (thi hành được 21,111 tỷ đồng trong tổng số trên 100,146 tỷ đồng phải thi hành), vụ Huỳnh Thị Huyền Như thi hành được trên 162,672 tỷ đồng trong tổng số trên 11.080 tỷ đồng.

Một số tổ chức chưa thực hiện trách nhiệm của mình trong việc yêu cầu thi hành án thu hồi tài sản cho nhà nước, điển hình là việc thu hồi tài sản trong vụ Vinashin, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì các công ty, doanh nghiệp Nhà nước được bồi thường không chủ động làm đơn yêu cầu thi hành án phải chờ đến khi có hàng loạt cuộc họp và công văn đôn đốc của Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải thì một số công ty này mới có đơn yêu cầu thi hành án.

Một số trường hợp, việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, kê biên tài sản của người phạm tội trong giai đoạn tố tụng chưa kịp thời, có trường hợp đã tẩu tán hết tài sản hoặc số tiền phải thi hành lớn nhưng tài sản để bảo đảm thi hành án có giá trị rất nhỏ, không đủ bảo đảm thi hành án. Ví dụ như vụ Huyền Như, theo quyết định của bản án thì tổng số tiền phải thi hành là gần 14.000 tỷ đồng, nhưng ước tính sơ bộ, tài sản bản án kê biên, phong tỏa để bảo đảm thi hành án chỉ có khoản trên 500 tỷ đồng; trường hợp Phạm Thanh Bình - nguyên Chủ tịch Vinashin, Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Vinashin, cơ quan thi hành án đã xử lý tài sản thi hành được trên 2 tỷ đồng, số tiền còn lại phải thi hành trên 1.000 tỷ đồng cơ quan thi hành án đã ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án, vì đương sự chưa có điều kiện thi hành.

Bên cạnh đó, phải nói đến tình trạng án tuyên không rõ, khó thi hành hoặc khi chuyển giao bản án, cơ quan thi hành án dân sự chưa nhận được đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến tang vật, tài vật của vụ việc (ví dụ như vụ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Đắk Lắk, vụ Huỳnh Thị Huyền Như), mặc dù cơ quan thi hành án có nhiều văn bản và trực tiếp làm việc nhưng chưa nhận được giấy tờ liên quan để có đầy đủ căn cứ xử lý tài sản theo quy định.

Cũng có trường hợp, bản án tuyên kê biên tài sản, nhưng tài sản kê biên thuộc diện tài sản chung của bị án với người khác (ví dụ như vụ Nguyễn Đức Kiên); tài sản chưa thuộc sở hữu riêng của bị án (ví dụ như vụ Huỳnh Thị Huyền Như - tài sản mua của dự án nhưng chưa thanh toán đủ tiền mua tài sản).

Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên thì có nhiều, trong đó cơ chế quản lý tài sản còn chưa thực sự minh bạch, hiệu quả, các giao dịch kinh tế, dân sự hiện nay vẫn chủ yếu được thực hiện bằng hình thức thanh toán tiền mặt, do đó khó kiểm soát được thu nhập, tài sản của tổ chức, cá nhân, gây khó khăn cho việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tiến hành tố tụng.

Hành lang pháp lý về cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng chưa được cụ thể hóa, việc thực hiện quy định về kê khai tài sản của cán bộ, công chức đôi khi còn mang tính hình thức, chưa triệt để, hạn chế hiệu quả thu hồi tài sản cho Nhà nước nói riêng, công tác phòng, chống tham nhũng nói chung. Một số vụ việc, quá trình tố tụng, các cơ quan có thẩm quyền không kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của đương sự (vụ Vinashin) để đảm bảo cho công tác thi hành án thu hồi tài sản cho Nhà nước được hiệu quả...

Xin cảm ơn ông!

Thế Kha (thực hiện)