Quảng Trị:
Tiêu hủy 60 tấn hải sản thu mua từ thời điểm cá chết trắng biển
(Dân trí) - Sau một thời gian dài niêm phong 20 tấn cá nục được xác định nhiễm phenol tại một kho đông lạnh ở trên địa bàn, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị mới đây đưa ra kế hoạch tiêu hủy số hải sản thu mua ở thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết, không tiêu thụ được.
Chiều 24/8, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, tỉnh này vừa phê duyệt phương án tiêu hủy khoảng 60 tấn hải sản đông lạnh trên địa bàn. Số hải sản này được thu mua trong thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.
Trong số hải sản nằm trong kế hoạch tiêu hủy, có 20 tấn cá nhiễm phenol ở cơ sở đông lạnh Dũng Thuộc (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh), 40 tấn hải sản đông lạnh khác gồm: nước mắm, sứa, cá nục, hố, mố… không tiêu thụ được.
Được biết, Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị đang lập kế hoạch, lựa chọn địa điểm để tiêu hủy bằng cách đào hố chôn lấp, có sử dụng bạt lót đáy, rắc vôi bột và hóa chất chloraminB, với chi phí gần 100 triệu đồng.
Trước đó, Sở Y tế Quảng Trị có văn bản gửi UBND tỉnh này nêu rõ, 20 tấn cá đông lạnh ở cơ sở Dũng Thuộc nhiễm phenol với hàm lượng 0,037 mg/kg. Đây là chất độc được khuyến cáo là không được có trong thực phẩm.
Tuy nhiên, sau gần 3 tháng số hải sản này vẫn được niêm phong tại kho lạnh của ngư dân. Việc chậm xử lý khiến cơ sở này phải chi 25 triệu đồng tiền điện/tháng để bảo quản. Bên cạnh đó, việc kinh doanh bị ảnh hưởng, thiếu không gian để cấp đông cá mới.
Trên thực tế, số hải sản đông lạnh còn tồn đọng nhiều hơn 60 tấn được phê duyệt tiêu hủy ở trên. Bà Thuộc cho hay, cơ sở này còn tồn 70 tấn hải sản đông lạnh khác khó tiêu thụ.
Ngoài ra, cơ sở của hộ ông Lê Văn Thạo (thị trấn Cửa Tùng) còn tồn 7 tấn cá ngừ nhiễm caclimi, bị niêm phong từ đầu tháng 7 nhưng không được đưa vào phương án xử lý.
40 tấn hải sản nằm trong kế hoạch tiêu hủy còn lại tại 2 huyện Gio Linh và Triệu Phong, được thu mua cùng thời điểm trên và hiện không có khả năng tiêu thụ.
Đ. Đức