1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Tĩnh:

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm tại Khu kinh tế Vũng Áng

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ cho rằng việc Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cấp Giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn 70 năm cho nhà đầu tư Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa khi chưa được Chính phủ đồng ý là vi phạm Luật Đầu tư 2005.

Theo Kết luận thanh tra, việc chấp hành chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh của Thanh tra Chính phủ, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương (viết tắt là dự án Formosa) do Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan (viết tắt là Công ty Formosa) làm chủ đầu tư.

M
Một góc Khu kinh tế Vũng Áng (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Dự án đầu tư nước ngoài (FDI) Formosa trong khu kinh tế Vũng Áng đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến tại Văn bản số 323/TTg-QHQT ngày 4/3/2008 với nội dung: đồng ý chủ trương cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa (Đài Loan) lập Dự án đầu tư nhà máy liên hợp thép tại Khu kinh tế Vũng Áng và Dự án cảng nước sâu Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh. UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng hướng dẫn nhà đầu tư lập dự án đầu tư và hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổ chức thẩm định dự án và hồ sơ theo quy định hiện hành của Luật đầu tư, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

TừBáo cáo đầu tư Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương” do Công ty Formosa lập năm 2008 với thời hạn hoạt động của dự án 70 năm, ngày 8/5/2008 UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 1125/UBND -CN2 gửi các Bộ, ngành liên quan xin ý kiến. Theo đó, đã có 11 Bộ, ngành có ý kiến bằng văn bản nhận xét về báo cáo đầu tư, nhưng không có nội dung đề nghị Chính phủ về thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm.

Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, ngày 2/6/2008 UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 122/BC-UBND “Báo cáo thẩm tra Dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan)” gửi Thủ tướng Chính phủ. Ngày 6/6/2008 Thủ tướng Chính phủ có ý kiến trả lời UBND tỉnh Hà Tĩnh tại văn bản số 869/TTg-QHQT, trong đó có nội dung: “1. Về nguyên tắc đồng ý việc Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan thực hiện dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”; “2. UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành trung ương hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục liên quan, chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận  đầu tư cho dự án theo quy định hiện hành…”.

Ngày 21/5/2008, Công ty Formosa có đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư; ngày 12/6/2008 Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu số 282023000001 cho Công ty với thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm.

Theo kết luận thanh tra, tại Điều 52 Luật Đầu tư năm 2005 thì thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu hoạt động của dự án và không quá 50 năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không được quá 70 năm.

“Đối chiếu với hồ sơ tại thời điểm thanh tra, Thanh tra Chính phủ chưa thấy ý kiến của Chính phủ cho phép thời hạn hoạt động của dự án trên 50 năm. Đây là nội dung quan trọng, tác động tích cực đến hoạt động của dự án FDI, nhưng cũng là nội dung khá nhạy cảm đối với nhà đầu tư, địa điểm đầu tư (cảng biển khu vực liên quan đến Quốc phòng và An ninh) cần phải được xác định rõ hơn để tạo sự đồng thuận, phối hợp hiệu quả trong quá trình triển khai dự án và quản lý hoạt động động dự án sau đầu tư”- kết luận thanh tra chỉ rõ.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cấp Giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn 70 năm cho nhà đầu tư Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa khi chưa được Chính phủ đồng ý là vi phạm Luật Đầu tư 2005. Trách nhiệm trong việc này thuộc về thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng.

Liên quan đến nội dung này, tại cuộc họp báo thường kỳ do Thanh tra Chính phủ tổ chức sáng 23/1 vừa qua, ông Trần Đức Lượng - Phó tổng Thanh tra Chính phủ - cho rằng, hiện nay, pháp luật vẫn có độ vênh về vấn đề này nên Thanh tra Chính phủ phải báo cáo Thủ tướng.

“Theo luật đầu tư thì Hà Tĩnh có thẩm quyền cấp phép 50 năm, nếu muốn cấp 70 năm thì phải báo cáo cấp trên quyết định. Nhưng trong Luật Đất đai lại quy định có chỗ có thể cấp phép 70 năm. Thế nên quá trình thanh tra phải đánh giá trên cơ cơ sở pháp luật, điều quan trọng là xem việc đó có ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của dự án đó không. Hiện nay Chính phủ có chủ trương bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi các dự án đó vì đời sống, công ăn việc làm cho người dân địa phương. Vì vậy, việc cấp đất 70 năm, nếu so với pháp luật đầu tư thì không đảm bảo nhưng pháp luật đất đai lại được vận dụng, yếu tố hợp lý là ở chỗ đó”- ông Lượng chốt lại vấn đề.

Trong văn bản 826/VPCP-V.I của Văn phòng Chính phủ gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 308 ngày 1/8/2014, “tiếp tục giữ nguyên quy định thời hạn là 70 năm trong Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho dự án” và kiến nghị của Bộ Tài chính cho phép giữ nguyên tiền thuê đất, thuê mặt nước mà Công ty Formosa đã nộp theo Giấy phép đầu tư và Hợp đồng thuê đất đã ký.

Chỉ định thầu khi chưa được Thủ tướng cho phép

Theo kết luận thanh tra, Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng là dự án có tính chất cấp bách, là một trong những điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật không thể thiếu nhằm thu hút đầu tư những dự án quan trọng như sản xuất gang thép của Formosa Hà Tĩnh, nhiệt điện Vũng Áng 1 và 2.

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng.
Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động đề xuất, được Bộ, ngành liên quan đánh giá là phù hợp và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện dự án theo phương thức xã hội hóa đầu tư các dự án hạ tầng trong Khu kinh tế Vũng Áng, nhằm huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân và có sự hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Việc đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng đã được nhà nước giành nguồn lực để hỗ trợ đầu tư, quá trình thực hiện đã đạt được một số kết quả.

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ phát hiện từ năm 2012 về trước tại dự án này đã có một số khuyết điểm, sai phạm.

Cụ thể, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vũng Áng quyết định phê duyệt dự án khi chưa xác định được nguồn vốn đầu tư là không đúng quy định, vi phạm Điều 72 của Luật Xây dựng năm 2003 và Điều 27 của Luật Thực hiện tiết kiệm chống lãng phí năm 2005.

UBND tỉnh Hà Tĩnh chọn chủ đầu tư là đơn vị không chuyên ngành, chưa có kinh nghiệm trong khi dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, có tính chất đa mục tiêu, gồm nhiều hạng mục phức tạp, thi công trên địa bản trải rộng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, thời tiết khắc nghiệt. “Tiến độ thực hiện từ năm 2012 trở về trước quá chậm”- kết luận thanh tra nêu rõ.

Hơn nữa, khi chưa xác định được phần vốn nhà nước trong tổng mức đầu tư đã phê duyệt và cơ chế quản lý phần vốn nhà nước hỗ trợ, thực tế đến 15/3/2013 đã giải ngân số tiền 240/600,4 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (chiếm gần 40%) nhưng chủ đầu tư thực hiện chỉ định thầu (trong đó có cả nhà thầu là cổ đông của chủ đầu tư) khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép là vi phạm các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Điều 20 Luật Đấu thầu và Điều 101 của Luật Xây dựng 2003.

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện trình tự, thủ tục chọn chủ đầu tư dự án không tuân thủ theo quy định (trước khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo), thể hiện sự “tiền trảm, hậu tấu” nóng vội, chủ quan và duy ý chí. Việc chấm dứt hoạt động đầu tư và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án cấp nước của Công ty CP Kinh doanh nước Hà Tĩnh, đến thời điểm thanh tra, chưa giải quyết dứt điểm về vốn đầu tư của chủ đầu tư đã đầu tư cho dự án với giá trị khối lượng ước đạt 33,45 tỷ đồng, tiềm ẩn phát sinh khiếu kiện.

Quá trình thẩm định, xác định phần vốn nhà nước hỗ trợ dự án theo phương thức xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong Khu kinh tế Vũng Áng và cơ chế quản lý phần vốn này kéo dài từ khi Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến tại văn bản số 71/TB-VPCP/2009 đến tháng 3/2013 mới được giải quyết làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện.

Thanh tra Chính phủ cho biết đến nay còn một số nội dung chưa được làm rõ để giải quyết dứt điểm như việc xác định giá nước làm căn cứ phân tích, đánh giá hiệu quả của dự án cũng như cơ chế quản lý vận hành của dự án; việc xác định thẩm quyền và trách nhiệm quản lý đầu tư xây dựng khi phần vốn nhà nước chiếm tỷ trọng cao hơn 30% tổng mức đầu tư của dự án thực hiện theo phương thức xã hội hóa.

“Trách nhiệm thuộc về Thường trực UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vũng Áng và thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm liên quan”- kết luận nêu rõ.

Thế Kha

 

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm