“Tham nhũng trở thành nguy cơ chính đe dọa sự tồn vong chế độ”
(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tham nhũng đang trở thành nguy cơ chính đe dọa sự ổn định chính trị, sự tồn vong của chế độ; xói mòn các giá trị dân chủ, giá trị đạo đức, công lý xã hội…
Thu hồi tài sản tham nhũng - chỉ được 10%?
Ngày 24/12, UBND TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, công tác phòng, chống tham nhũng tại thành phố trong 10 năm qua (từ 2006 – 2015) đã có chuyển biến tích cực và đạt một số kết quả. Nhưng ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình phòng, chống tham nhũng, truy tố, xét xử, thi hành án, giám định tư pháp còn chậm, chưa đạt yêu cầu.
“Trên thực tế tham nhũng ngày một tinh vi, được che chắn, tiềm ẩn dưới nhiều hình thức lợi ích nhóm hoặc chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài. Trong những vụ việc phát hiện tham nhũng có biểu hiện của lợi ích nhóm rất tinh vi, thậm chí cấu kết chặt chẽ tạo ra lợi ích nhóm từ việc xây dựng cơ chế chính sách để làm lợi cho một số người có chức vụ, quyền hạn”, ông Phong nói.
Theo báo cáo của UBND TP, từ năm 2006 – 2015, Công an TP đã thụ lý, điều tra 152 vụ án tham nhũng, chức vụ với tổng số 463 bị can. Tổng giá trị tài sản thiệt hại, phạm tội trên 600 tỷ đồng và 136.000 USD. Đến nay, quá trình khởi tố, điều tra, kết luận không có trường hợp nào oan sai phải bồi thường thiệt hại.
Viện KSND TPHCM đã thụ lý 151 vụ với 396 bị can; truy tố tội phạm tham nhũng 140 vụ với 323 bị can. TAND TP (2 cấp) đã thụ lý 199 vụ án (với 636 bị cáo) liên quan đến tham nhũng và giải quyết 198 vụ. Trong đó, trả hồ sơ 68 vụ, xét xử 129 vụ, đình chỉ 1 vụ. Trong các loại tội phạm về tham nhũng thì số bị cáo bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” chiếm tỷ lệ cao nhất (118/199 vụ, đạt tỷ lệ gần 60%).
TAND TP đã tuyên tịch thu số tiền từ các vụ án liên quan đến tham nhũng lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện các hành vi phạm tội, các bị cáo đã rất tinh vi trong việc chuyển giao tài sản cho người khác nên công tác tịch thu, thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng năm 2013 chỉ đạt 10%. Trong khi đó, năm 2014, chỉ thu hồi được khoảng 1.500 tỷ đồng trên tổng số 6.740 tỷ đồng thiệt hại từ các vụ án tham nhũng, đạt tỷ lệ 22%.
Theo UBND TP, công tác thu hồi tài sản tham nhũng được xem là vấn đề quan trọng, cũng là vấn đề bất cập lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Việc chứng minh, truy tìm, thu giữ, quản lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có, được cho là vấn đề khó khăn nhất hiện nay xuất phát từ việc sử dụng tiền mặt. Chính sách pháp luật trong những năm qua cũng chưa thực sự đảm bảo sự ổn định cần thiết, dẫn đến nhiều tài sản chưa chứng minh được nguồn gốc.
Bên cạnh đó, một số vụ việc không thể xử lý tội phạm tham nhũng mà chỉ có thể xử lý tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tội phạm khác. Điều này khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng không thể thực hiện được.
Kiểm soát chi đầu tư, tiêu dùng đối với cán bộ
Để xử lý tình trạng tham nhũng triệt để hơn, UBND TP kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng. Trong đó, UBND TP kiến nghị trong thời gian tới cần có quy định tham nhũng trong khu vực tư (khu vực ngoài nhà nước).
Trên thực tế, khu vực tư cũng có sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của tập thể, cá nhân và các hành vi đó ngày càng phổ biến. Tham nhũng khu vực tư làm méo mó môi trường kinh doanh, làm suy yếu sức cạnh tranh. Việc chưa quy định tham nhũng trong khu vực tư đã vô hình trung loại bỏ những hành vi tham nhũng tại các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của nhà nước.
Ngoài ra, UBND TP còn đề xuất cần có quy định kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn ở địa phương từ Phó Chủ tịch UBND cấp huyện trở lên, ở Trung ương từ Phó Vụ trưởng trở lên.
Các giải pháp cụ thể như bắt buộc việc chi trả qua tài khoản ngân hàng đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho người có chức vụ, quyền hạn; quy định nghĩa vụ kê khai các khoản chi đầu tư và tiêu dùng có giá trị lớn của người có chức vụ, quyền hạn với mục chi và giá trị cụ thể nhằm đối chiếu tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Tham nhũng trở thành nguy cơ đe dọa sự tồn vong chế độ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải thẳng thắn thừa nhận rằng công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay trên cả nước cũng như TPHCM chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội.
Theo Phó Thủ tướng, cũng như các địa phương, khả năng tự phát hiện tham nhũng của TPHCM còn yếu và cần được khắc phục. Một bộ phận cán bộ, công chức còn nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tiêu cực; một số đơn vị vẫn lỏng lẻo trong công tác quản lý hành chính và cán bộ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tham nhũng đang trở thành nguy cơ chính đe dọa sự ổn định chính trị, sự tồn vong của chế độ; xói mòn giá trị dân chủ, giá trị đạo đức, công lý xã hội và cản trở đến việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tham nhũng để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, gây thiệt hại cho người dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm, không chỉ riêng TPHCM mà trên phạm vi cả nước việc thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, những năm qua tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng được nâng lên đáng kể. Trong năm 2013 tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt khoảng 20%, năm 2014 thu hồi đạt gần 29% và năm 2015 tăng lên trên 50%.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của TPHCM về các cơ chế chính sách, quy định về phòng, chống tham nhũng một cách thỏa đáng, đúng mức để kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Quốc Anh