Tăng thuế giá trị gia tăng vì thuế thấp người giàu hưởng lợi nhiều hơn?
(Dân trí) - Cử tri lo lắng trước đề xuất tăng thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng. Bộ Tài chính trả lời, thuế này tại Việt Nam đang thấp hơn trung bình thế giới. Duy trì thuế giá trị gia tăng thấp mang lại lợi ích cho người giàu nhiều hơn người nghèo.
Cử tri TPHCM, Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành khác đã cùng đồng loạt gửi kiến nghị tới Quốc hội, bày tỏ lo lắng trước đề xuất tăng nhiều loại thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng. Theo cử tri, việc tăng thuế giá trị gia tăng vào thời điểm hiện nay là không phù hợp, vì người tiêu dùng bất kể thu nhập cao hay thấp đều phải đóng cùng một mức thuế giá trị gia tăng cho cùng một sản phẩm chịu thuế.
Văn bản trả lời kiến nghị cử tri nêu rõ, thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu thu vào hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam và hiện đã có gần 170 nước áp dụng.
Luật thuế giá trị gia tănghiện hành quy định 3 mức thuế suất: 5%, 10% và 20% (không kể mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu). Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, từ ngày 1/1/2004, luật quy định chỉ còn 2 mức thuế suất: thuế suất ưu đãi 5% và thuế suất phổ thông 10%.
Trong khi đó, thống kê mức thuế suất thuế giá trị gia tăng của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Thuế suất thuế giá trị gia tăng trung bình toàn cầu là 16%, ở Châu Á là 10,9%, Liên minh Châu Âu là 21,5,; Trung Âu và Nga là 18,6%, Châu Mỹ là 14%.
Bộ Tài chính khẳng định, thuế suất thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam hiện thấp hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.
Để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, điều tiết hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, Bộ Tài chính đã đề xuất lộ trình tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ mức 10% lên mức 11% vào năm 2019 và tăng lên mức 12% vào năm 2020.
Bộ cũng khẳng định, việc điều chỉnh tăng này sẽ tác động đến người tiêu dùng. Cụ thể, theo Ngân hàng thế giới thì đề xuất tăng lên 12% sẽ tăng chỉ số CPI một lần trong khoảng 0,06-0,39% do đó lạm phát do tăng CPI ở mức thấp này không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Tuy nhiên, nếu duy trì thuế suất thuế giá trị gia tăng thấp sẽ mang lại lợi ích cho người giàu nhiều hơn người nghèo vì 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó, 20% hộ gia đình giàu nhất trả gần 40% tổng số thu thuế giá trị gia tăng.
Điều này có nghĩa là nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế giá trị gia tăng thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Vì vậy, thuế suất thuế giá trị gia tăng thấp sẽ mang lại lợi ích cho người giàu nhiều hơn người nghèo.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tính toán, tăng 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (tăng ngay từ mức 10% hiện nay lên 12%) sẽ tác động tăng chỉ số giá lên 2,28% và giảm mức tăng trưởng GDP 0,5%.
Bộ Tài chính nhận định, để giảm tác động của việc tăng thuế đến người có thu nhập thấp thì Chính phủ cần tiếp tục chi hỗ trợ về an sinh, xã hội như: Chi cho giáo dục, y tế, chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng... để số tiền thu thuế giá trị gia tăng tăng thêm có thể đem lại lợi ích nhiều hơn so với số tiền thuế họ phải trả thêm.
Hiện nay, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội 49.000đ/tháng; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội; hỗ trợ người đơn thân, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, người cao tuổi không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, người tàn tật,... mức hỗ trợ từ 180.000-720.000đ/tháng; chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế đối với người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cận nghèo, học sinh sinh viên; miễn học phí cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học...
Nội dung đề xuất sửa Luật thuế giá trị gia tăng nêu trên đang trong quá trình gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia để gửi cơ quan thẩm định và báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội đưa vào chương trình sửa Luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
P.Thảo