1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Tận mắt chứng kiến một cánh rừng bị “cưa sạch, đốt sạch”

(Dân trí) - Cánh rừng bị “cưa sạch, phá sạch" có diện tích khoảng 3-4ha nằm ở thôn An Điềm, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Phía sâu trong cánh rừng bị hạ sát này, nhiều đối tượng “miệt mài” kéo gỗ ra bằng xe máy…

Theo nguồn tin báo của người dân, trưa ngày 31/3, từ tuyến đường ĐT609 ở trung tâm xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, chúng tôi giả làm “dân phượt” đi về hướng Tây hướng lên xã Cà Dăng, huyện Đông Giang để tìm hiểu.

Những cây gỗ lớn đã bị cưa và đốt tại hiện trường
Những cây gỗ lớn đã bị cưa và đốt tại hiện trường

Qua khỏi trại giam An Điềm và Trạm kiểm lâm An Điềm (thuộc Hạt kiểm lâm Bắc Quảng Nam) khoảng hơn 3km là đến suối Khe Tre. Từ đây rẻ trái khoảng hơn 2km với đường đèo dốc dựng đứng là đến khu rừng bị hạ sát.

Quan sát của PV, cánh rừng bị “cưa sạch, đốt sạch” này nằm bên tay trái con đường đất vừa ủi với nhiều dấu bánh xe tải mới, chứng tỏ đã có nhiều xe tải vào đây chở gỗ ra ngoài. Đối diện cánh rừng này, bên kia con suối là những cánh rừng tự nhiên chưa bị “lâm tặc” đụng vào.

Tận mắt chứng kiến một cánh rừng bị “cưa sạch, đốt sạch” - 2
Nhiều gốc gỗ to, có gốc còn đang chảy nhựa
Nhiều gốc gỗ to, có gốc còn đang chảy nhựa

Hiện trường cánh rừng bị hạ sát có nhiều gốc gỗ to đã bị cưa ngang, nhiều gốc cây rừng vẫn còn đang “chảy máu”. Sau khi cưa sạch cây to và vận chuyển ra ngoài, “lâm tặc” đã tiến hành đốt sạch. Hiện trường còn còn sót lại chỉ là những cây gỗ nhỏ bị cháy nham nhở.

Một cán bộ kiểm lâm mà chúng tôi nhờ đi cùng khẳng định đây là khu rừng tự nhiên, những cây đã bị cưa và đốt này là loại cây sơn, không phải rừng trồng vì hiện trường sót lại không có bóng dáng của cây keo lá tràm, diện tích bị cưa sạch và đốt sạch này khoảng 3-4ha.

Bên kia cánh rừng bị phá là một cánh rừng tự nhiên
Bên kia cánh rừng bị phá là một cánh rừng tự nhiên

Ở con đường đất ở ngay con suối Khe Tre đầu tuyến đường ĐT609, ngay lúc đi xe máy đến đây, chúng tôi phát hiện có hai “lâm tặc” ngang nhiên chở hai khúc gỗ dài trên 2 xe máy. Hai khúc gỗ này dài khoảng 4m, mỗi bề khoảng 10x15cm. Chúng tôi đành phải né một bên để họ chở ngang qua. Ngay con suối đầu tiên, chúng tôi phát hiện thêm 2 khúc gỗ cỡ tương tự còn đang nằm để chuẩn bị vận chuyển ra ngoài.

Lâm tặc kéo khúc gỗ đã được cưa xẻ vuông vức ra ngoài
Lâm tặc kéo khúc gỗ đã được cưa xẻ vuông vức ra ngoài

Sau gần nửa tiếng thực tế tại cánh rừng bị tàn phá này, chúng tôi chuẩn bị quay trở ra thì bất ngờ nghe tiếng xe máy từ trong đi ra. Kéo theo sau hai xe máy là hai khúc gỗ tương tự như khúc gỗ chúng tôi phát hiện ở ngoài đường.

Đã quá trưa, dù biết phía sâu ở trong là một “công trường đang khai thác gỗ” nhưng vì để đảm bảo an toàn vì ánh mắt dò xét của những người chở gỗ ra ngoài, chúng tôi quyết định rút lui. Ra đến con suối gần đường ĐT609, hai khúc gỗ này đã được 3 người cột lên xe máy chở đi chứ không kéo như ở trong rừng.

Hai lâm tặc chở hai khúc gỗ đi trên đường ĐT609. Khúc gỗ được chất nằm ngang, chiếm hết con đường. (Ảnh cắt từ clip)
Hai lâm tặc chở hai khúc gỗ đi trên đường ĐT609. Khúc gỗ được chất nằm ngang, chiếm hết con đường. (Ảnh cắt từ clip)

Khi trở lại ngang qua Trạm kiểm lâm An Điềm, chúng tôi phát hiện những người này đang đứng nói chuyện với một cán bộ kiểm lâm (mặc đồng phục) ở trạm này ngay ở cổng. Họ nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy “dò xét”.

Để tìm hiểu cánh rừng này đã bị ai phá, chúng tôi gọi điện thoại cho ông Hà Xuân Minh - Chủ tịch xã Đại Hưng. Ông Hưng cho biết, có biết khu rừng vừa bị chặt đốt này và vừa rồi chính quyền xã cũng đã cùng với trạm kiểm lâm An Điềm lên chụp hình và đo đạc.

Cận cảnh cánh rừng bị “đốt sạch, phá sạch”

Khi PV đề nghị cung cấp tên chính xác địa chỉ cánh rừng cùng tên người phá thì ông Minh nhanh chóng cáo bận việc và từ chối trả lời. Ông bảo để kiểm tra lại rồi trả lời sau.

Sau đó, chúng tôi 4 lần gọi điện và nhắn tin cho ông Lê Tấn Can – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam (đơn vị quản lý khu rừng bị phá) nhưng ông Can không trả lời.

Đến chiều tối ngày 31/3, ông Can điện thoại lại và cho biết, ngày 30/3 cơ quan ông có họp chi bộ và kiểm lâm địa bàn có báo cáo vụ việc. Tuy nhiên tọa độ và diện tích thì ông chưa nắm rõ vì “anh em đang bấm”; hơn nữa trúng ngày 31/3 là thứ 7, xã Đại Hưng không làm việc nên đơn vị ông không phối hợp để đo đạc được.

Tuy nhiên, ông Can cho biết: “Anh em bấm tọa độ xác định chưa tới 1ha đâu”. Ông cũng thừa nhận đây là thảm rừng tự nhiên, trước đây là của trại giam An Điềm, sau này chia lại ranh giới thì thuộc huyện Đại Lộc và thuộc quyền quản lý của ông. Còn việc “lâm tặc” ngang nhiên chở gỗ từ trong ra, ông Can cho biết sẽ xử lý.

Công Bính