1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Quảng Nam:

Sự cố thủy điện Sông Bung 2 là “bài học xương máu”

(Dân trí) - Đó là nhìn nhận của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trong buổi họp về vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ với các nhà máy thủy điện trên lưu vực Vu Gia – Thu Bồn được tổ chức ngày 10/10.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam về tình hình triển khai thực hiện đầu tư các dự án thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, trong tổng số 42 dự án đã phê duyệt với tổng công suất 1.606,76 MW, hiện có 10 dự án thủy điện bậc thang (7 công trình đã phát điện, 3 công trình đang xây dựng) và 32 dự án thủy điện vừa và nhỏ (trong đó 10 công trình đã phát điện).

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam họp với các chủ hồ chứa về công tác vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam họp với các chủ hồ chứa về công tác vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ

Đối với công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện năm 2016, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đã chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ. Kết quả kiểm tra liên ngành tại 12 nhà máy thủy điện (Sông Tranh 2, A Vương, Đăk Mi 4 A-B, Sông Côn 2, Sông Bung 4, Sông Bung 5, Sông Bung 6, Sông Bung 4A, Đăk Mi 4C, An Điềm, Za Hung, Khe Diên) xác định tất cả đã lập ban chỉ huy PCTT, có phương án PCLB đảm bảo an toàn đập.

Phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập thủy điện cũng đã được Sở NN-PTNT tiến hành kiểm tra, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án cho 12 hồ chứa; trong đó có 5 hồ vận hành theo quy trình liên hồ gồm A Vương, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5 và 7 hồ khác gồm Sông Bung 6, Sông Côn 2, Đăk Sa, Za Hung, Sông Bung 2, Trà Linh 3, Khe Diên. Ngoài ra, công tác vận hành liên hồ, quy chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý công trình thủy điện, hệ thống camera giám sát xả tràn… cũng đảm bảo.

Tuy nhiên, theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN Quảng Nam, hiện thủy điện Đăk Mi 4 vẫn chưa trình duyệt phương án phòng chống lũ lụt hạ du với lý do gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; thủy điện Sông Bung 4A, Sông Bung 5 chưa gửi thông tin truyền tín hiệu hình ảnh.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, sự cố Sông Bung 2 là “bài học xương máu”
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, sự cố Sông Bung 2 là “bài học xương máu”

Ban chỉ huy PCTT&TKCN Quảng Nam đề nghị các đơn vị quản lý hồ thủy điện phối hợp với ngành khí tượng thủy văn để xây dựng bổ sung các trạm đo đạc khí thượng, thủy văn trong khu vực hồ và vùng hạ du, để có cơ sở điều tiết lũ; đầu tư xây dựng phần mềm cảnh báo lũ trực tuyến.

Cũng tại cuộc họp, một số vấn đề liên quan đến thủy điện được đặt ra, trong đó có sự cố tại thủy điện Sông Bung 2 vào tháng 9 vừa qua. Ông Trương Thiết Hùng - Giám đốc Ban QLDA thủy điện Sông Bung 2 - thừa nhận đây là “sự cố đáng tiếc” gây ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân ở xã La Dêê, huyện Nam Giang.

Ông Hùng cho hay, hiện đơn vị đang khẩn trương khắc phục hậu quả thiệt hại, kiểm đếm để bồi thường cho người dân và tháo dỡ công trình, khơi thông dòng chảy tự nhiên cho dòng sông Bung cũng như xây dựng các phương án phòng chống lũ cho vùng hạ du. Ông Hùng cũng cho biết, mùa mưa bão năm nay công trình tuyệt đối không tích nước.

Đối với sự cố này, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - ông Lê Trí Thanh – cho rằng, với sự cố Sông Bung 2, hiện tổ công tác điều tra của Bộ Công Thương đang vào cuộc điều tra nhưng dù kết quả như thế nào thì đây vẫn là “bài học xương máu”.

Ông Thanh cũng yêu cầu đơn vị khẩn trương khắc phục sự cố, tạo lại dòng chảy thông thoáng bình thường trên sông sau sự cố vừa qua. Đồng thời, xác định bồi thường cho người dân bị thiệt hại do sự cố để ổn định cuộc sống.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu từ sự cố Sông Bung 2, các chủ hồ phải lưu ý kiểm tra các cửa van, phải vận hành thử máy móc và trang thiết bị, hệ thống loa, còi cảnh báo…; đồng thời, tiến hành kiểm tra các mốc cảnh báo lũ, nghiên cứu tăng dày các cột mốc và bổ sung trạm đo mưa; phối hợp lập bản đồ ngập lụt vùng hạ du; tăng cương thiết bị và chất lượng dự báo thời thiết… Đến ngày 20/10 phải hoàn tất các phần việc liên quan.

Tại cuộc họp, đại diện thủy điện Sông Bung 4A nêu lý do quy mô nhà máy nhỏ, xin tỉnh bỏ qua việc lắp đặt hệ thống camera giám sát. Tuy nhiên đại diện Sở Công thương và Sở TN-MT đã không đồng ý vì cho rằng việc lắp đặt này phục vụ cho công tác giám sát xả nước cả trong mùa khô.

Đối với chủ hồ thủy điện Đăk Mi 4 đang đối diện mức phạt hành chính của tỉnh Quảng Nam do không trình được được phương án phòng chống lũ lụt hạ du theo quy định, ông Đinh Hữu Tấn, Giám đốc Công ty thủy điện Đăk Mi 4 cho biết, đơn vị hiện chưa hoàn tất phương án vỡ đập.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị khẩn trương trình phương án về phòng chống lũ lụt vùng hạ du, riêng phương án cụ thể về vỡ đập có thể “nợ” sang đến năm 2017.

Đại diện các thủy điện A Vương, Sông Tranh 2, Công ty CP thủy điện Sông Bung, Đăk Mi 4… cũng báo cáo hoàn tất công tác truyền thông, có sự phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm