Sau rà soát, chi phí làm đường sắt ở Hà Nội giảm gần 6.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Dự kiến ban đầu, đoạn đường sắt đô thị số 2 Trần Hưng Đạo – Thượng Đình có tổng mức đầu tư gần 35 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên sau rà soát, các đơn vị liên quan điều chỉnh giảm xuống còn gần 29 nghìn tỷ đồng.

UBND TP Hà Nội đang triển khai dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng đạo với nguồn vốn ODA vay của Nhật Bản. Việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của TP Hà Nội.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình nằm trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, có tổng chiều dài 11,5 km, trong đó 8,5 km đi ngầm, 3 km đi trên cao. Điểm đầu tuyến đường sắt nằm trên phố Huế, điểm cuối ở Thượng Đình.

Hà Nội đang gấp rút thực hiện các tuyến đường sắt đô thị để giảm ùn tắc giao thông
Hà Nội đang gấp rút thực hiện các tuyến đường sắt đô thị để giảm ùn tắc giao thông

Trong dự kiến ban đầu, TP Hà Nội đưa ra tổng mức đầu tư gần 35 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn vay nước ngoài khoảng 28,6 nghìn tỷ đồng, vốn đối ứng trong nước hơn 6 nghìn tỷ đồng.

Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cuối tháng 3/2017) đề xuất dự án sử dụng vốn ODA dự án đường sắt đô thị đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình, UBND TP Hà Nội cho biết, tổng mức đầu tư trên sẽ được xác định chính xác sau khi dự án được phê duyệt.

Theo đề xuất mới nhất của UBND TP Hà Nội, tổng vốn dự án trên được điều chỉnh còn gần 29 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA hơn 23 nghìn tỷ đồng, vốn đối ứng trong nước là khoảng 5.600 tỉ đồng.

Như vậy, qua rà soát, tổng mức đầu tư dự án đường sắt số 2 đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình giảm từ gần 35 nghìn tỷ đồng xuống còn gần 29 nghìn tỷ đồng.

TP Hà Nội dự kiến thời gian thực hiện dự án đoạn đường sắt Trần Hưng Đạo – Thượng Đình từ năm 2020 – 2025.

Quang Phong