1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sabeco Sông Lam không chịu bồi thường hậu quả ô nhiễm

(Dân trí) - Đã gần 1 năm trôi qua nhưng Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam (KCN Bắc Vinh, Nghệ An) vẫn không bồi thường cho các hộ dân sống xung quanh. Công ty này cho rằng việc xác định đối tượng gây ô nhiễm môi trường của các cơ quan chức năng không thỏa đáng.

Sabeco Sông Lam không chịu bồi thường hậu quả ô nhiễm - 1

Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam đã từng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng với 16/30 thông số vượt TCVN 24:2009.
 
Gây ô nhiễm môi trường, đổ lỗi cho hạ tầng Khu công nghiệp

Ngày 9/5/2011, UBND Tp.Vinh (Nghệ An) đã có Kết luận số 158/TB-UBND thông báo kết luận làm việc của ông Lê Quốc Hồng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh về buổi làm việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam gây ra. Ngày 13/5/2011, Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam đã có công văn phúc đáp, không đồng tình 2 nội dung trong kết luận này.

Cụ thể, công ty này cho rằng thực trạng hiện nay là hệ thống mương thoát nước mà các hộ dân đắp ngăn là hệ thống thoát nước chung của khu công nghiệp, các nhà máy khác của khu công nghiệp cũng xả chung ra đó nên việc ô nhiễm phải xem xét lại một cách đầy đủ, toàn diện và có bằng chứng cụ thể. Đồng thời công ty cũng không chấp nhận bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi chất thải của nhà máy sản xuất gây ra. 

Sabeco Sông Lam không chịu bồi thường hậu quả ô nhiễm - 2

Khiến một diện tích lớn đất nông nghiệp của người dân xã Hưng Đông (Tp Vinh) không thể canh tác hoặc giảm năng suất

Cái lý mà Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam đưa ra là do cơ sở hạ tầng của khu công nghiệp chưa đầy đủ, chưa đảm bảo cho hoạt động sản xuất như hệ thống điện, đường, cấp nước và hệ thống nước thải. “Chúng tôi nhận thấy rằng việc nhân dân yêu cầu đền bù là chưa thỏa đáng. Chúng tôi không nhất trí đền bù vì sự việc xẩy ra ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi, do hệ thống nước thải của khu công nghiệp không có, thời gian xả ra sự cố không nhiều” (Trích Công văn số 80 của Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam).

Trước những lý lẽ mà Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam đưa ra, UBND thành phố Vinh đã có Công văn số 1676/UBND-TNMT phản hồi đồng thời đưa ra những chứng cứ chứng minh việc Công ty CP Sabeco Sông Lam gây ô nhiễm đã bị các cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt. Việc gây ô nhiễm môi trường của Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam đã được chứng minh qua các kết quả kiểm tra ngày 22/5/2010 của Đoàn kiểm tra Sở TN&MT; ngày 25/6/2010 của Thanh tra Bộ TN&MT.

Sabeco Sông Lam không chịu bồi thường hậu quả ô nhiễm - 3

Vậy nhưng ngày 13/5/2011, Công ty này ban hành Công văn số 80 khẳng định sẽ không bồi thường cho người dân xã Hưng Đông

“Việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất của nhân dân xã Hưng Đông của Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam đã rõ ràng. Qua các kết luận kiểm tra của các cơ quan chức năng, đặc biệt là của Thanh tra Bộ TN&MT cho thấy công ty này đã xả nước thải có chứa chất nguy hại vượt tiêu chuẩn nhiều lần ra môi trường. Chính vì vậy khả năng gây ô nhiễm do xả thải và ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân là có cơ sở.

Việc công ty này không nhất trí bồi thường cho thấy họ không hợp tác với chính quyền địa phương, gây khó khăn cho UBND thành phố trong quá trình giải quyết và phủ nhận toàn bộ kết quả thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng. Chính điều này đã gây bức xúc cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng. Vì vậy UBND thành phố đã có công văn đề nghị UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo hướng giải quyết”, ông Lê Quốc Hồng - Phó Chủ tịch UBND Tp. Vinh cho hay.

Liệu có "để lâu hóa bùn"?

Về những kiến nghị của UBND thành phố Vinh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường - cơ quan được Sở Tài nguyên Môi trường giao nhiệm vụ kiểm tra và tham mưu hướng giải quyết. Ông Đinh Sỹ Khánh Vinh - Trưởng Phòng kiểm soát chất thải, Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An - cho biết: “Hiện tại Sở TN&MT đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh tiếp tục kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác xử lý nước thải của Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam. Còn về vấn đề bồi thường thiệt hại cho các hộ dân, Sở sẽ có kiến nghị lên UBND tỉnh giao UBND thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thu thập, thẩm định chứng cứ để yêu cầu Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam thực hiện bồi thường theo Nghị định 113/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời truy thu phí bảo vệ môi trường của công ty này từ khi hoạt động đến nay.

Sabeco Sông Lam không chịu bồi thường hậu quả ô nhiễm - 4

Với hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, tháng 6/2010 Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam đã bị Bộ TN&MT xử phạt hành chính 47 triệu 250 ngàn đồng

Ngày 8/7/2011, chúng tôi đã nhận được kết quả phân tích nồng độ chất thải có trong nước thải do Công ty CP Sabeco Sông Lam thực hiện với các thông số kỹ thuật đảm bảo. Tuy nhiên việc lấy mẫu kiểm tra không có sự giám sát của đại diện Sở TN&MT do vậy chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm tra lại. Nếu kết quả kiểm tra của Sở TN&MT thể hiện nước thải không đảm bảo, chúng tôi sẽ tham mưu cho Sở TN&MT đình chỉ giấy phép xả thải của công ty này. Ô nhiễm môi trường hiện đang là vấn đề nóng, bởi vậy quan điểm của Sở cũng như của UBND tỉnh là xử lý kiên quyết, dứt điểm, đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường đã đưa ra”.

Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam gây ô nhiễm môi trường và đã bị Thanh tra Bộ TN&MT xử phạt 47,250 triệu đồng vì có đến 16/30 tiêu chí vượt QCVT 24:2009 và đề nghị đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động. Vậy mà công ty này vẫn yêu cầu phải có bằng chứng cụ thể. Rõ ràng Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam đã cố tình phủ nhận kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng và phớt lờ chỉ đạo của UBND tỉnh về vấn đề bồi thường thiệt hại cho các hộ dân sống xung quanh nhà máy.

Sabeco Sông Lam không chịu bồi thường hậu quả ô nhiễm - 5

Bức xúc vì ô nhiễm kéo dài, sáng ngày 1/5/2011, người dân xã Hưng Đông đã kéo nhau ra đắp chặn mương thoát nước trước cổng Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam

Không thể đổ lỗi cho cơ sở hạ tầng khu công nghiệp chưa hoàn thiện để bao biện cho việc gây ô nhiễm môi trường, bởi vì để hoạt động chính công ty này phải xây dựng và vận hành hệ thống xử lý chất thải riêng, đồng thời phải có trách nhiệm với bản cam kết bảo vệ môi trường của công ty. Với chính sách thu hút đầu tư, UBND tỉnh Nghệ An đã tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Bởi vậy các doanh nghiệp phải đảm bảo quyền lợi cho người dân. Rõ ràng trong trường hợp này, Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam đã thiếu tôn trọng người dân và chính quyền, thiếu thái độ hợp tác trong việc giải quyết, khắc phục hậu quả do mình gây ra.

Dư luận đặt câu hỏi, việc Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam gây ô nhiễm môi trường đã quá rõ ràng, cụ thể với những kết luận kiểm tra của các cơ quan từ thành phố đến tỉnh, cao nhất là Kết luận của Bộ TN&MT vậy mà vấn đề này mãi vẫn không được giải quyết dứt điểm. Phải chăng các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã thiếu kiên quyết? Liệu có diễn ra tình trạng “để lâu hóa bùn” hay không? Dư luận nhân dân cần một câu trả lời cụ thể, dứt khoát từ các cơ quan chức năng.

Hoàng Lam - Nguyễn Duy