1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Quỹ đen” khó tin thời ông Trịnh Xuân Thanh

(Dân trí) - Theo tài liệu PV Dân trí có được, từ cuối năm 2012, các cơ quan chức năng và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã phát hiện Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT để cho một số đơn vị thành viên, trong đó có PVC-ME, buông lỏng quản lý, thua lỗ và tham nhũng, lập "quỹ đen" lên tới trên 80,7 tỷ đồng.


Từ câu chuyện sử dụng xe tư gắn biển số xanh trái quy định, hàng loạt bê bối liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh đã bị cơ quan chức năng phát giác.

Từ câu chuyện sử dụng xe tư gắn biển số xanh trái quy định, hàng loạt bê bối liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh đã bị cơ quan chức năng phát giác.

Thua lỗ trên 576 tỷ đồng

Tài liệu của PV Dân trí có được cho thấy, Công ty cổ phần Thi công cơ giới và Lắp máy dầu khí (PVC-ME) được ông Trịnh Xuân Thanh và các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) PVC chủ trương thành lập năm 2009 với số vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó PVC giữ vị trí cổ đông sáng lập với tỷ lệ góp vốn 40%. Ông Trịnh Văn Thảo được giao nhiệm vụ làm Giám đốc PVC-ME.

PVC-ME có ngành nghề chính là thi công xây dựng hạ tầng, nền móng, gia công cơ khí, lắp máy và đường ống. Giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2012, PVC-ME đã ký kết được được 34 hợp đồng kinh tế với giá trị 2.780 tỷ đồng, trong đó có những dự án rất lớn như: Tổ hợp khách sạn Dầu khí Việt Nam (201 tỷ đồng); Thi công cảng nhập than, đá vôi và băng tải than Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng (364 tỷ đồng); san lấp mặt bằng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình II (154 tỷ đồng); san lấp mặt bằng tại liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (358 tỷ đồng); gia công chế tạo, lắp dựng kết cấu thép, đường ống tại Nhà máy sơ sợi tổng hợp Polyester Đình Vũ (383 tỷ đồng)...

Hầu hết các hợp đồng quy mô rất lớn này đều liên quan đến ngành dầu khí và do PVC nhận về rồi chỉ định cho PVC-ME thi công. Do năng lực yếu kém nên PVC-ME chỉ nhận công trình, sau đó chỉ định các nhà thầu phụ thi công, còn mình đứng giữa "ăn" phần trăm nên đã xảy ra hàng loạt bê bối trong hoạt động kinh doanh; rất nhiều dự án phải tạm dừng thi công vì chậm tiến độ, thất thoát, thậm chí là thua lỗ lớn.

Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy, hồ sơ của PVC-ME phần lớn đều có nhiều sai sót do đội ngũ cán bộ kỹ thuật yếu, nhất là mảng đầu tư không đánh giá chính xác được hiệu quả của dự án; yếu kém trong khâu xây dựng dự toán cho công trình dẫn đến việc công ty luôn trong tình trạng phát sinh chi phí.

Đến giữa năm 2012, tình hình tài chính PVC-ME mất cân đối vốn nghiêm trọng, có nguy cơ phá sản vì hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, nhiều công trình thi công thua lỗ dẫn đến mất cân đối vốn. Tổng số lỗ theo báo cáo tài chính đến tháng 6/2012 là trên 438 tỷ đồng. Ngoài ra một số khoản lỗ còn tiềm ẩn chưa xác định vào báo cáo tài chính gần 138 tỷ đồng. Chính vì thế, nếu tính cả các khoản lỗ tiềm ẩn thì tổng số lỗ của PVC-ME trên 576 tỷ đồng.

550 triệu đồng chi “sinh nhật bố sếp Thanh ở Tổng công ty”.

Đáng chú ý, khi kiểm tra hoạt động kinh doanh giai đoạn 2009-2012, cơ quan chức năng đã phát hiện PVC-ME có những khoản chi tiêu vung vãi đến khó tin dù lương bình quân của người lao động chỉ từ 4-8 triệu đồng và nhiều lần xảy ra tình trạng chậm, nợ lương. Điều này làm nảy sinh đơn thư tố cáo suốt một thời gian dài, buộc PVN phải vào cuộc xác minh.

Kết quả xác minh sau đó cho thấy PVC-ME đã lập một “quỹ đen” trái phép và đã chi hết trên 80,7 tỷ đồng. Kế toán trưởng, nhân viên PVC-ME đã rút từ “quỹ đen” hàng chục lần, có lần vài trăm triệu đồng, có lần cả tỷ đồng để đưa cho Giám đốc PVC-ME Trịnh Văn Thảo đi đối ngoại, tiếp khách hoặc đưa hàng trăm triệu đồng khác cho các lãnh đạo khác của PVC-ME tiếp khách hoặc đi nước ngoài.

Ví dụ ngày 7/7/2011, ông Nguyễn Tuấn Sơn - Trợ lý Giám đốc - nhận hơn 205 triệu để “phục vụ sếp dùng ngày 11/7/2011”; ngày 11/7/2011 rút 206 triệu đồng “phục vụ sếp”; ngày 26/7/2011 rút tiếp 206 triệu đồng “đưa sếp Thảo đi ct Thái Bình”; ngày 8/9/2011 rút 100 triệu đồng để “sếp Thảo tiếp khách”.

Nhiều lần khác, các sếp PVC-ME đi nước ngoài, Kế toán trưởng PVC-ME là Đinh Bá Lượng cũng rút hàng trăm triệu đồng để “bắn” vào tài khoản cho sếp chi tiêu: Ngày 8/6/2011 rút trên 205 triệu đồng “nhận cho sếp Thảo tiếp khách”; ngày 5/8/2011 rút 206 triệu đồng để “sếp Thành đi công tác”. Ngoài ra còn nhiều khoản tiền được rút lên tới hàng chục triệu đồng làm “phong bì” cho lãnh đạo tiếp khách hoặc “làm việc” với cơ quan chức năng...

Việc chi tiền không có sự kiểm soát của bộ phận quản lý đã dẫn đến chi bộ máy năm 2011 quá lớn, trên 47,8 tỷ đồng, trong đó có tiếp khách gần 10 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong năm 2011, ông Hoàng Vĩnh Thắng - lái xe cho Giám đốc Trịnh Văn Thảo - đã thanh toán tiếp khách số tiền trên 1,12 tỷ đồng. Trước đó, năm 2010 ông Thắng cũng đã sử dụng gần 730 triệu đồng để chi tiếp khách cho sếp.

Thậm chí, tài liệu của PV Dân trí có được còn cho thấy nhiều khoản chi tiêu đến khó tin đã xảy ra ở PVC-ME. Đơn cử như ngày 2/7/2010 Kế toán trưởng công ty khi đó là Bùi Trọng Chinh đã rút 105 triệu đồng để “họp lớp sếp+sinh nhật”. Ngày 7/7/2011, bộ phận văn phòng đã rút 350 triệu đồng để mua bộ đồ đánh golf cho sếp.

Đặc biệt, chỉ trong ngày 15/8/2011, ông Nguyễn Tuấn Sơn - Trợ lý giám đốc Trịnh Văn Thảo đã 4 lần rút tiền từ quỹ với tổng cộng hơn 750 triệu đồng, trong đó sử dụng gần 550 triệu đồng để chi cho việc “sinh nhật bố sếp Thanh ở TCty” và 100 triệu đồng để “sếp Thảo tiếp khách”.


Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc (nhiệm kỳ 2011 - 2016) tặng hoa chúc mừng Phó Chủ tịch tỉnh Trịnh Xuân Thanh khi ông này được thuyên chuyển về địa phương năm 2015 (ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Hậu Giang).

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc (nhiệm kỳ 2011 - 2016) tặng hoa chúc mừng Phó Chủ tịch tỉnh Trịnh Xuân Thanh khi ông này được thuyên chuyển về địa phương năm 2015 (ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Hậu Giang).

Tổng giám đốc "cao chạy xa bay", ông Trịnh Xuân Thanh lên chức

Tài liệu chúng tôi có được cho thấy, chỉ trong thời gian khoảng 2 tuần sau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào kiểm tra, ngày 31/7/2012, ông Trịnh Văn Thảo (Giám đốc PVC-ME) đã bất ngờ xuất cảnh đi Mỹ mà không báo cáo cho tập đoàn cũng như PVC-ME.

Sau khi nhận được tài liệu từ PVN về những khoản thua lỗ, dấu hiệu tham nhũng rất lớn tại PVC-ME, ngày 12/9/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án đối với 15 bị can liên quan, trong đó có 13 người là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và cán bộ của PVC-ME về các tội danh cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tháng 12/2012, ông Đỗ Văn Hậu - Tổng giám đốc PVN đã có văn bản số 10317 yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tập thể, từng cá nhân có liên quan trong việc để lãnh đạo PVC-ME buông lỏng quản lý, tham nhũng, thua lỗ và không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của PVN về công tác cán bộ tại PVC-ME. Người đại diện phần vốn của PVN tại PVC phải chỉ đạo đơn vị thực hiện và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong sự việc tại PVC-ME.

Những khoản thua lỗ không nhỏ tại PVC-ME đã “đóng góp tích cực” vào việc dẫn tới khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC. Tuy nhiên khi việc xem xét, xử lý trách nhiệm của những cá nhân liên quan đang được tiến hành thì ông Trịnh Xuân Thanh với tư cách là Chủ tịch HĐQT PVC vẫn ung dung leo lên những vị trí cao hơn ở Bộ Công Thương, rồi về Hậu Giang làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, gây bức xúc dư luận.

Đầu năm nay, vụ án xảy ra tại PVC-ME được TAND Tối cao đưa ra xử phúc thẩm. Cơ quan tố tụng xác định PVC-ME đã lập quỹ trái phép với khoản tiền 85 tỷ đồng để sử dụng cho hoạt động đối ngoại, tiếp khách. Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho PVC-ME gần 47 tỷ đồng, gây thiệt hại ngân sách hơn 1,1 tỷ đồng và gây thiệt hại tới một doanh nghiệp khác 4 tỷ đồng...

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Bùi Trọng Chinh 15 năm tù giam, các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 1-3 năm tù giam và án treo. Riêng cựu giám đốc PVC-ME Trịnh Văn Thảo “bặt vô âm tín” từ tháng 7/2012, đang bị truy nã quốc tế.

Thế Kha