1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phương án bảo tồn “linh hồn” Thương xá Tax

(Dân trí) - Hôm qua 21/1, Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cho biết, thành phố đã thống nhất với phương án bảo tồn một số hạng mục của Thương xá Tax. Đây thực sự là tin vui đầu năm đối với người dân thành phố cũng như du khách yêu mến công trình này.

Phương án bảo tồn “linh hồn” Thương xá Tax
Cảnh quan và những nét kiến trúc độc đáo của Thương xá Tax sẽ được tích hợp trong công trình mới, phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm ngưỡng của người dân thành phố và khách du lịch.

Theo đó, UBND TP giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Xây dựng, Viện nghiên cứu Phát triển thành phố, Hội Kiến trúc sư TP, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH Một thành viên (SATRA) làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế để đưa vào nghiên cứu ngay trong quá trình lập phương án thiết kế công trình mới.

Về các hạng mục bảo tồn, phần bên trong công trình gồm không gian sảnh chính: không gian thông tầng, ít nhất 2 tầng; cầu thang đi từ tầng trệt lên lầu 1 tại khu vực sảnh chính, có tay vịn là lan can bằng đồng có các chi tiết trang trí hoa văn từ thời kỳ đầu; các phần trang trí lót gạch Mosaic tại không gian sảnh chính và các biểu tượng Gà trống, quả cầu được đúc bằng đồng gắn ở đầu cầu thang.

Phương án bảo tồn “linh hồn” Thương xá Tax
Cầu thang tại khu vực sảnh chính là là điểm nhấn của Thương xá Tax với kiến trúc độc đáo. Bảo tàng Mỹ thuật thành phố từng xin đoạn cầu thang này về lưu giữ.

Phần bên ngoài công trình gồm có bảng hiệu Thương xá Tax, mái đua che nắng dọc vỉa hè; các đường nét, nhịp điệu của kiến trúc khối bệ thời kỳ đầu trên mặt đứng khối bệ (nhất là góc đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ).

Ngoài các hạng mục nêu trên, đơn vị tư vấn chủ động để xuất các hạng mục khác nhằm tăng giá trị lịch sử, thẩm mỹ, kiến trúc cho công trình.

Về giải pháp bảo tồn, UBND TP đề nghị nghiên cứu, để xuất theo hướng giữ lại các hạng mục cần bảo tồn và tích hợp vào công trình mới tại vị trí phù hợp. Phục chế, bổ sung các chi tiết bị hỏng, thiếu ở phần bên trong công trình.

Mô phỏng lại kiến trúc mặt tiền khối bệ theo hình thức kiến trúc ban đầu năm 1924, để kết hợp với công trình có giá trị về kiến trúc, lịch sử cùng thời kỳ tại khu vực như Tòa nhà UBND TP, Nhà hát TP, Chợ Bến Thành nhằm bảo tồn, lưu trữ ký ức hình ảnh Sài Gòn xưa, có giá trị lịch sử văn hóa của bao thế hệ cư dân đô thị Sài Gòn.

Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp thiết kế, thi công phù hợp để tích hợp hạng mục cần bảo tồn vào công trình; lấy ý kiến đóng góp của Sở, Ban, ngành, các tổ chức, hội nghề nghiệp và báo cáo thông qua Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch TP trước khi trình UBND TP xem xét quyết định.

Quốc Anh