“Núp bụi cây bắn tốc độ”: Bộ Công an khẳng định hoá trang là cần thiết
(Dân trí) - Trả lời kiến nghị của cử tri về việc không đồng tình với hình ảnh cảnh sát giao thông thường xuyên núp bụi cây để bắn tốc độ, lãnh đạo Bộ Công an giải thích “việc kết hợp giữa hình thức đo tốc độ công khai và bí mật là xuất phát từ đòi hỏi của tình hình thực tế”…
Đây là một trong những nội dung kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII đã được chuyển tới Bộ Công an để giải đáp, trả lời.
Cụ thể, cử tri tỉnh An Giang tỏ thái độ không đồng tình với việc các cảnh sát giao thông thường xuyên nấp trong các bụi cây để bắn tốc độ phương tiện tham gia giao thông.
“Việc thi hành công vụ thì phải công khai, minh bạch. Đề nghị ngành chức năng cần phải tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, hình ảnh người cảnh sát giao thông trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là trong xử lý phạt hành vi vi phạm trên lĩnh vực an toàn giao thông” – cử tri An Giang lên tiếng.
Văn bản trả lời của Bộ Công an nêu lập luận, chạy quá tốc độ là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông. Việc lực lượng cảnh sát giao thông đo tốc độ các phương tiện tham gia giao thông, kịp thời phát hiện, xử lý những người lái xe chạy quá tốc độ nhằm hạn chế tai nạn giao thông là rất cần thiết.
Tuy nhiên, thực tế nhiều lái xe tìm cách đối phó với việc đo tốc độ công khai, như: đang chạy với tốc độ cao, khi phát hiện các trạm, chốt của cảnh sát giao thông sẽ giảm tốc độ hoặc né tránh, người lái xe bị xử phạt thông báo cho người lái xe đang tham gia giao thông khác biết để né tránh, gây khó khăn trong việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông…
Vì vậy, phía Bộ Công an khẳng định “việc kết hợp giữa hình thức đo tốc độ công khai và bí mật là xuất phát từ đòi hỏi của tình hình thực tế”.
Bộ Công an cũng cho biết đơn vị đã ban hành thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông, trong đó quy định: “Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.
“Do vậy, việc lực lượng cảnh sát giao thông kết hợp biện pháp công khai với bí mật (hóa trang) để đo tốc độ là cần thiết, xuất phát từ thực tiễn công tác và đúng quy định của pháp luật, không phải như một số người cho rằng “cảnh sát giao thông trốn trong bụi cây để bắn tốc độ” – văn bản trả lời kiến nghị cử tri nhấn mạnh.
Một vấn đế khác cử tri Quảng Trị nêu ra với cảnh sát giao thông là về quyền trưng dụng tài sản của lực lượng này được quy định tại Thông tư 01/2016 ngày 4/1/2016 của Bộ Công an. Theo đó, lực lượng này được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.
Các cử tri Quảng Trị cho rằng, quy định như trên chưa rõ ràng, rất dễ bị lợi dụng và trái với các quy định của Luật trưng mua, trưng dụng tài sản. Cử tri đề nghị Bộ Công an xem xét, có hướng sửa đổi, hoàn thiện theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn.
Với ý kiến này, Bộ Công an viện dẫn Điều 23, 24 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản quy định Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền trưng dụng máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc và phương tiện kỹ thuật khác.
Quy định tại thông tư 01 như cử tri kiến nghị, theo đó, chỉ là nhắc lại quyền hạn trưng dụng của lực lượng công an nhân dân và quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục… trưng dụng phương tiện đã được quy định pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, cơ quan trả lời cũng giải thích, tiếp thu kiến nghị, thời gian tới, Bộ Công an sẽ ban hành thông tư hướng dẫn quy trình nghiệp vụ của cảnh sát giao thông theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ các trường hợp được trưng dụng, huy động phương tiện và việc trưng dụng phương tiện được thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và theo điều kiện, trình tự, thủ tục do Luật Công an nhân dân, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản quy định.
P.Thảo