“Nói thủy điện Hố Hô xả lũ đúng quy trình là chối bỏ trách nhiệm!”
(Dân trí) - "Nếu đối chiếu các văn bản nhà nước đã quy định về quy trình xả lũ, tôi cho rằng việc lãnh đạo Nhà máy thủy điện Hố Hô phát biểu đã xả đúng quy trình là có tính chất chối bỏ trách nhiệm trước thiệt hại của nhân dân".
Đó là khẳng định của luật sư Phan Chiều, thuộc Văn phòng Luật sư An Phát (Đoàn luật sư Hà Tĩnh) trong cuộc trả lời phỏng vấn với PV Dân trí vào sáng ngày 17/10 liên quan đến việc Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ khiến dân không kịp trở tay..
- Thưa luật sư, quy trình vận hành khai thác công trình thuỷ điện, quản lý an toàn đập thủy điện được quy định như thế nào?
- Quy trình vận hành khai thác công trình thuỷ điện, quản lý an toàn đập thuỷ điện, đặc biệt trong mùa mưa lũ được pháp luật quy định rất chặt chẽ, được điều chỉnh trong rất nhiều văn bản như: Nghị định 72/2007/NĐ-CP ngày 07/5/2007 về quản lý an toàn đập; Nghị định 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi; Thông tư số 34/2010/TT-BCT ngày 07/10/2010 quy định về quản lý an toàn đập của Công trình thuỷ điện; Thông tư 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 quy định về quản lý quy hoạch đầu tư xây dựng Dự án thuỷ điện và vận hành khai thác công trình thuỷ điện; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/10/2013 về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa nước;…
Mặc dù các văn bản được điều chỉnh ở mỗi cấp độ khác nhau, nhưng tất cả các văn bản nói trên đều có một điểm chung rất quan trọng đó là quy trình vận hành phải đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, hạn chế mức xả tối thiểu khi xả lũ khẩn cấp. Đặc biệt khi vào mùa mưa lũ thì chủ đập chịu trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập.
Theo đó, bên cạnh việc khi xả lũ khẩn cấp phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền thì trong suốt thời gian làm nhiệm vụ điều tiết chống lũ, các nhà máy thuỷ điện, thủy lợi cũng bắt buộc phải thông báo (qua điện thoại hoặc fax) cho tổ chức dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương vùng hạ du về số liệu các lần quan trắc, đo đạc mực nước thượng lưu, mực nước hạ lưu đập; lưu lượng vào hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, lưu lượng tháo qua tuốc-bin; dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ trên cơ sở lưu lượng dự báo vào hồ… để tổ chức dự báo khí tượng thuỷ văn tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương vùng hạ du biết được và thông báo đến trực tiếp người dân đề phòng, chuẩn bị.
- Trước phát biểu của vị Phó Giám đốc Nhà máy Thuỷ điện Hố Hô với báo chí cho rằng nhà máy này đã xả lũ đúng quy trình, luật sư có ý kiến như thế nào?
- Từ các thông tin báo chí phản ánh mấy ngày qua về trả lời của các cơ quan chức năng địa phương, người dân bị ngập lụt càng khẳng định thêm được rằng, khả năng Nhà máy thuỷ điện Hố Hô xả lũ không đúng quy trình là rất lớn. Nó càng chứng tỏ rằng Nhà máy thuỷ điện Hố Hô đã không thông báo các nội dung trên đây cho tổ chức dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương để thông báo đến người dân, làm cho người dân bất ngờ khi lũ đổ về quá nhanh.
Vì thế, tôi cho rằng, phát biểu như vậy trên của những người có trách nhiệm của Nhà máy thủy điện Hố Hô là mang tính chất chối bỏ trách nhiệm.
- Theo luật sư cần phải làm gì để buộc chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Hố Hô phải có trách nhiệm với những thiệt hại của người dân trong trận lũ vừa qua?
- Tôi cho rằng hiện nay các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ Công Thương, đã vào cuộc điều tra là hoàn toàn hợp lý. Trong vụ việc này cần có sự quyết liệt, khách quan của cơ quan có thẩm quyền, sai đến đâu, xử lý đến đó. Trong trường hợp chứng minh được Nhà máy thuỷ điện Hố Hô xả không đúng quy trình thì buộc phải bồi thường thiệt hại cho người dân theo đúng quy định pháp luật.
Ở đây tôi cũng lưu ý, cơ quan chức trách cần phải quyết liệt, tránh nửa vời. Tôi còn nhớ lần đầu tiên là vào năm 2010, khi Nhà máy thuỷ điện Hố Hô chuẩn bị đưa vào vận hành do không có phương án dự phòng nên khi mất điện, không mở được cổng xả nên nước dâng cao, gây tràn đập và sau đó buộc Thuỷ điện Hố Hô đã phải dùng các công cụ hỗ trợ xả một lượng nước lớn không thể điều tiết gây nên trận ngập úng lịch sử năm 2010.
Hậu quả của việc xả lũ không điều tiết này không những gây ngập úng, thiệt hại về người và tài sản, cây cối, hoa màu mà còn làm mất đi công cụ sản xuất của người dân. Cụ thể, hàng ngàn ha đất canh tác hoa màu của bà con người dân xã Hương Hoá đã bị san lấp toàn đá sỏi trong một đêm không thể canh tác.
Sau sự cố này, đã nhiều lần Ban lãnh đạo Nhà máy thuỷ điện Hố Hô hứa sẽ hỗ trợ người dân xã Hương Hoá, nhưng cho đến nay việc hỗ trợ vẫn nằm trên giấy? Đã có lần hàng trăm người dân xã Hương Hoá định nhờ tôi tư vấn khởi kiện yêu cầu Nhà máy thuỷ điện Hố Hô bồi thường, tôi đã có động thái ban đầu tư vấn, tập hợp hồ sơ nhưng sau đó chính quyền địa phương sở tại vận động người dân chờ đợi và chờ đợi đến bây giờ vẫn vậy.
- Xin cảm ơn luật sư!
Văn Dũng (thực hiện)