Những “giá trị tử tế” làm nên tên tuổi một tờ báo
(Dân trí) - Đối mặt với sức cạnh tranh trong vòng xoáy hút của báo lá cải, của mạng xã hội, những nội dung “tử tế” mà báo chí chính thống hướng đến không dễ dàng tạo dựng được. Bài học thành công từ những hoạt động “tử tế” được Tổng Biên tập Dân trí chia sẻ tại Hội Nghị báo chí toàn quốc hôm nay…
Sáng 30/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2016.
Không để nhóm lợi ích chi phối báo chí
Khái quát về công tác báo chí năm 2015, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, hiện, cả nước có 857 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in (86 báo trung ương, 113 báo địa phương), 658 tạp chí và 1 hãng thông tấn quốc gia.
Về báo điện tử, hiện cả nước có 105 báo, tạp chí điện tử, tăng 7 báo so với năm 2014. Trong đó có 83 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 22 báo, tạp chí điện tử độc lập. Tổng số trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí được cấp phép là 248. 5 năm qua, số lượng cơ quan báo chí điện tử tăng 44 cơ quan.
Bên cạnh những ưu điểm, trong năm 2015, tình trạng thông tin sai sự thật vẫn diễn ra, trong đó có nguyên nhân là một số báo tiếp nhận thông tin không chính xác từ đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc từ truyền thông xã hội. Thông tin thiếu định hướng, nặng về mặt trái, xâm phạm đời tư, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín tổ chức, danh dự cá nhân. Nhiều thông tin sai được lây lan bởi các báo, trang tin điện tử tổng hợp đăng lại, gây tác động xấu trong xã hội.
Khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ chậm khắc phục. Nhiều chương trình liên kết của đài truyền hình còn dễ dãi trong khâu biên tập, có nội dung, hình ảnh, lời thoại phản cảm, gây bức xúc trong xã hội.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, trong năm 2016, Nhà nước cần có cơ chế tài chính, đào tạo đội ngũ để tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trí, tuyên truyền, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy đồng nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần tuý, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.
Nhân văn – nhân ái và tôn vinh nhân tài
Trao đổi về vấn đề hiệu quả của các hoạt động xã hội trên báo chí, nhà báo Phạm Huy Hoàn – Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí dẫn chứng từ chính những kinh nghiệm, bài học thành công trên tờ báo của mình.
Hoạt động xã hội trước hết được nhắc tới gắn với cái tên Dân trí là hoạt động nhân đạo từ thiện. Ông Phạm Huy Hoàn dẫn lời căn dặn của Bác Hồ: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy ,người ta có thể viết những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu thương”. Ông Hoàn chia sẻ, chủ trương thể hiện tuyến bài viết với tinh thần nhân văn – nhân ái từ trái tim người viết để khơi gợi, lan tỏa trong xã hội những tấm lòng thương người như thể thương thân của BBT báo Dân trí là bám theo lời dặn của Bác.
Theo đó, BBT báo định hướng duy trì trên báo in KH&DT mỗi tuần một chuyên trang, trên báo điện tử mỗi ngày có 1-2 bài viết đăng trang chủ về “những bức thư yêu thương”, thể hiện tình yêu thương con người tương xứng với nhận thức về đạo đức và trách nhiệm xã hội của một nhà báo.
Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn chia sẻ về những hoạt động xã hội báo đã triển khai 11 năm qua.
Chuyên mục “Tấm lòng nhân ái” của báo Dân trí ra đời từ 11 năm qua đã và đang góp phần đánh thức, khơi dậy lòng trắc ẩn và tình yêu thương đồng bào từ sâu thẳm trong trái tim mỗi con người trong xã hội, giữa cuộc mưu sinh ồn ào với những cảnh sống đáng thương của những người mắc bệnh hiểm nghèo, những phòng học tan hoang giữa núi rừng, những học sinh chân trần hàng ngày phải lội sông đến trường tìm chữ…
Quỹ Nhân ái của báo nhận được rất nhiều ủng hộ từ hàng triệu tấm lòng bạn đọc đã tạo được niềm tin với nguyên tắc “một đồng của bạn đọc “đến” quỹ là một đồng “đi” đến đúng hoàn cảnh cần được giúp đỡ”, thông báo công khai hàng ngày trên báo, không trích trừ bất cứ phần nào cho hoạt động quản lý, vận hành. Hiện nay , trung bình, số tiền bạn đọc trong nước và từ nước ngoài gửi tới Quỹ Nhân Ái của báo mỗi tháng trên dưới 3 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn cho biết, báo đã xây dựng được 10 cây cầu Dân trí, 50 nhà tình nghĩa, nhiều phòng học ở vùng sâu, vùng xa, cùng tiếp sức cho ngư dân bám biển…
Cùng với hoạt động nhân đạo, từ thiện, hoạt động khuyến học, khuyến tài, tôn vinh nhân tài cũng được Dân trí song song triển khai suốt 11 năm qua. Giải thưởng Nhân tài đất Việt được Dân trí khởi xướng từ năm 2004 để tôn vinh những tài năng trẻ trong lĩnh vực Công nghệ thông tin tới nay đã mở rộng sang các lĩnh vực Khoa học tự nhiên – khoa học ứng dụng, Y dược và Môi trường.
“Giải thưởng Nhân tài đất Việt không sử dụng nguồn tiền nào từ ngân sách nhà nước mà là một Giải thưởng của Xã hội, thực hiện do các nguồn tiền huy động từ xã hội, trong đó, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - vị Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cũng tình nguyện đóng góp vào Quỹ Giải thưởng mỗi năm 100 triệu đồng từ thù lao dạy học của cá nhân GS” – ông Hoàn khẳng định ý nghĩa của giải thưởng khi rất nhiều sản phẩm, công trình nghiên cứu được trao giải đã có ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống, thành công trên thương trường, cả trong và ngoài nước.
Tổng Biên tập báo Dân trí chia sẻ chương trình cũng được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ủng hộ, hưởng ứng. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nhiều lần tới dự lễ trao giải. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từ năm đầu nhận nhiệm vụ cho đến lần trao giải vừa đây cũng vẫn đến dự, trao giải. Điều đó chứng tỏ tinh thần tôn vinh, trân trọng và đầu tư cho nhân tài của cả nhà nước và xã hội.
Gửi lời cảm ơn tới Đài truyền hình Việt Nam cũng như toàn thể các đồng nghiệp báo đài đã cùng đồng hành, hỗ trợ để Nhân tài đất Việt được lan tỏa không chỉ trong nước mà tới cả nước ngoài, Tổng Biên tập Dân trí xúc động kể ông còn nhận được thư từ một vị Giáo sư Việt kiều bày tỏ sự kinh ngạc khi xem được trên VTV một chương trình tôn vinh thanh niên, tôn vinh nhân tài, tôn vinh tương lai của đất nước từ quê nhà. Vị Giáo sư chia sẻ, ở phương Tây, người ta tài trợ để trao giải cho các hoa hậu, đào kép xi-nê… chứ không thấy tài trợ để tôn vinh các tài năng khoa học. Nhân tài đất Việt nhận được sự ủng hộ của xã hội, như vậy là tiềm năng, là hồng phúc của dân tộc Việt Nam còn rất lớn.
Một phần quan trọng gây dựng nên tên tuổi của Dân trí trong lòng bạn đọc hơn một thập kỷ qua, chính là từ những hoạt động xã hội ý nghĩa, được thực hiện bằng tâm huyết, tấm lòng của những người làm báo như thế.
Đương đầu với thử thách “toàn xã hội làm báo”
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh phát biểu tổng kết Hội nghị.
Tán thành quan điểm nêu ra về những chân giá trị báo chí cần hướng đến, Tổng Biên tập báo Tiền phong Lê Xuân Sơn chỉ rõ, xu hướng người đọc hiện nay thích những thông tin phản biện, tiêu cực, gây kích thích, tò mò. Một khảo sát độc giả của báo Tiền phong cũng cho thấy, thanh niên, giới trẻ tìm đến báo, hơn 60% là để đọc về những câu chuyện đời sống các ngôi sao, người nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí… Vì thế, mạng xã hội hiện nay với những đặc tính loan tin, đồn thổi… trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều người…
Vậy nên để duy trì những chuyên mục “tử tế”, để hướng người đọc, hướng dư luận xã hội đến những giá trị tốt đẹp, “tử tế” cần sự đầu tư, chăm chút dày công của mỗi tờ báo. Thành công với những nội dung này không phải đơn giản, nó cũng không mang lại hiệu quả tức thì cho cơ quan báo chí.
Khẳng định bản thân tâm đắc với nhiều ý kiến đưa ra tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nhấn mạnh yêu cầu “hướng báo chí về giá trị cốt lõi phục vụ bạn đọc”, xử lý tình trạng báo lá cải. Đây cũng là những việc công chúng rất hoan nghênh.
Ông Đinh Thế Huynh nhận định, đây là thời điểm “thử” sức cạnh tranh giữa các loại hình báo chí chính thức và thông tin trên các mạng xã hội. Báo chí phải đối diện với thực tế của việc hội tụ công nghệ thông tin, công nghệ truyền thông.
“Có thể nói, đến giờ, toàn xã hội đều có thể làm báo, ở đâu người ta cũng có thể đưa thông tin lên mạng, cả thông tin được kiểm chứng và không được kiểm chứng. Báo chí phải đương đầu với tình trạng đó, vượt qua thách thức để làm chủ thông tin, đưa những dòng thông tin chính thống được kiểm chứng rõ ràng với nhân dân, để phục vụ tốt nhất những nhu cầu của công chúng” – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Ghi nhận những nỗ lực, kết quả đạt được và tinh thần “tử tế” của những người làm báo đã thể hiện trong một năm lăn lộn, vất vả vừa qua, ông Đinh Thế Huynh cũng nhắc lại những nhiệm vụ trọng tâm của công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí trong năm mới 2016, yêu cầu các cơ quan báo chí phải chủ động đi đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền, nhằm góp phần tích cực vào nhiệm vụ chung của công tác tuyên giáo là tạo sự đồng thuận trong tư tưởng, thống nhất trong hành động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới đất nước.
P.Thảo