Kỷ niệm 71 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam:

Người lính già kể những ngày "sống không bằng chết" ở nhà tù Phú Quốc

(Dân trí) - Trong lúc giao tranh với địch, ông Dưỡng bị trọng thương rồi bất tỉnh. Khi tỉnh dậy ông mới biết mình bị địch bắt, sau đó bị tù đày ra đảo Phú Quốc. Những ngày bị giam cầm ở đây, ông cùng đồng đội như sống trong “địa ngục trần gian”, không biết có ngày trở về.

Với nhiều cựu binh từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, những trận chiến ác liệt trên chiến trường là một phần ký ức không thể phai mờ. Ký ức của thương binh Lê Công Dưỡng (SN 1948, xã Hoằng Long, TP Thanh Hóa) tàn khốc hơn nhiều. Ông không chỉ trực tiếp tham gia chiến đấu mà còn phải giành giật sự sống từng ngày ở nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang) khi bị địch bắt giam tại đây trong nhiều năm.

Người lính già kể những ngày "sống không bằng chết" ở nhà tù Phú Quốc - 1

Thương binh Lê Công Dưỡng cùng kỷ vật là chiếc hộp bút bằng nhôm khắc chữ "kỷ niệm" được đồng đội tặng

Chúng tôi đến thăm thương binh Dưỡng vào những ngày cả nước tưng bừng kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 26 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Tiết trời những ngày cuối năm nắng mưa thất thường, vết thương cũ của ông Dưỡng cũng vì thế mà tái phát, ông chẳng ăn uống được nhiều, có lúc lại nằm co vì những đau đớn.

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng người thương binh già không sao quên được những tháng ngày binh nghiệp. Những lần cận kề cái chết như thước phim quay chậm, luôn hiện hữu. Ông bảo: “Đời binh nghiệp là phần không thể thiếu của cuộc đời tôi. Mình phải nhớ, phải ghi lòng để kể lại cho con cháu, không được quên đi những năm tháng đó”.

 

Người lính già kể những ngày "sống không bằng chết" ở nhà tù Phú Quốc - 2

Ông Dưỡng nghẹn ngào nhớ lại quãng đời binh nghiệp của mình

Ông Dưỡng tình nguyện vào quân ngũ từ năm 1967, được phân về một đơn vị thuộc Sư đoàn 338, huấn luyện tại Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Ba tháng sau, đơn vị ông hành quân vào chiến trường Tây Ninh chiến đấu.

“6 tháng tiến quân vào Nam, dọc đường có nhiều đồng đội hy sinh, bị thương do trúng bom tọa độ của địch. Trong thâm tâm chúng tôi lúc ấy, thương đồng đội bao nhiêu thì căm thù giặc bấy nhiêu. Ai cũng mong muốn vào chiến trường thật nhanh để chiến đấu với kẻ thù” – ông Dưỡng nhớ lại.

Vào đến Tây Ninh, ông được chuyển qua huấn luyện DKZ (súng không giật) để phục vụ cho những trận đánh chiếm lô cốt, tiêu diệt hỏa lực, đại liên của địch.

Người lính già kể những ngày "sống không bằng chết" ở nhà tù Phú Quốc - 3

Ông Dưỡng cùng tấm bằng khen "Anh hùng LLVT nhân dân" do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng cho Tập thể chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại trại giam Phú Quốc (Kiên Giang)

Tháng 8/1968, đơn vị ông nhận lệnh đánh vào trường huấn luyện biệt kích Thiện Ngôn của Mỹ tại Tây Ninh. “3 giờ sáng ngày 29/9/1968 quân ta phát lệnh tấn công, đơn vị đặc công vào trước, do sơ suất đã vướng vào mìn sáng của địch bị bại lộ. Địch nhanh chóng cho quân vào phòng thủ, quân ta không còn cách nào khác là phải nổ súng tấn công” – ông Dưỡng kể.

“Pháo, đạn quân ta liên tục nã vào căn cứ nhưng không sao tấn công vào bên trong do địch xây dựng một hàng rào rất kiên cố. Với 29 lớp khác nhau dày đặc như rào mái nhà, rào B40, thép gai giăng khắp nơi… Khi đang giao tranh, tôi bị đạn địch bắn trúng cánh tay. Tiểu đội trưởng cho lui về phía sau băng bó vết thương nhưng tôi xin được ở lại chiến đấu cùng anh em. Mờ sáng quân ta được lệnh ngừng tấn công, rút lui để bảo toàn lực lượng. Lúc này, địch quay ra tấn công trở lại bắn vào quân ta” – ông Dưỡng kể tiếp.

Khi đang rút lui, gắng trèo qua một thân cây to ông Dưỡng bị trúng đạn. Ông ngã gục xuống đất, nằm bất tỉnh nhiều ngày sau đó. Khi tỉnh dậy ông mới biết mình bị giặc bắt và đưa về bệnh viện Long Bình (Biên Hòa) điều trị để hỏi cung.

“Lúc tôi tỉnh lại, địch cho người đến tra khảo, hỏi cung. Rồi chúng truy xét về tung tích, hành trình di chuyển, các căn cứ của quân ta. Tôi không trả lời nên bị chúng tát, bị bóp cổ đến ngẹt thở…” – ông Dưỡng nhớ lại.

Sau 3 tháng vừa điều trị vừa tra khảo, biết không moi được gì từ ông, chúng đày ông Dưỡng ra nhà tù ngoài đảo Phú Quốc. Ông bị giam từ đó cho đến ngày 21/3/1973 mới được trả tự do sau khi hiệp định trao trả tù binh giữa ta và địch được ký kết.

Quãng thời gian bị địch giam cầm ở Phú Quốc với ông như những ngày sống trong “địa ngục trần gian”.

“Tôi nghĩ mình chẳng còn sống để quay về. Những năm tháng ở trong tù dài như cả thế kỷ vậy. Địch liên tục tra tấn, đàn áp chúng tôi, nhiều người không chịu đựng được đã chết dưới những đòn tra tấn dã man của địch. Mong chờ đến ngày đất nước giải phóng để trở về quê hương là ước mơ quá xa vời” – ông Dưỡng chia sẻ.

Những năm tháng đó, ông phải chứng kiến và chịu đựng đủ trò tra tấn dã man của địch. “Chúng dùng búa đập vỡ răng, dội nước nóng lên người những đồng đội của tôi. Chúng lấy đinh đóng vào đầu ngón tay, đóng vào các khớp xương. Có những đồng chí đau quá kiệt sức rồi hi sinh. Dã man hơn nữa, chúng bắt nhiều chiến sĩ đi “tàu ngầm”, tức là nhốt người đó vào thùng phi sắt chứa đầy nước rồi dùng búa gõ mạnh bên ngoài cho tiếng động và áp lực nước kích động làm đau nhức thần kinh. Chúng còn ta tấn bằng cách treo tù binh lơ lửng trên bầu trời nhiều ngày. Nhiều lắm, máu đồng đội chảy loang khắp các nhà tù, các buồng giam” – ông Dưỡng nghẹn ngào.

Nhưng những đòn tra tấn dã man ấy không thể làm nhụt ý chí của người chiến sỹ cách mạng kiên trung. “Có lần tôi giấu cây đàn xuống hầm cá nhân để anh em sinh hoạt văn nghệ sau mỗi giờ lao động khổ sai, không ngờ bị chúng phát hiện. Chúng cho người đánh đập tôi đến thừa sống thiếu chết. Khi đó, anh em chúng tôi ai cũng một lòng: thà hy sinh chứ không chịu khuất phục” – ông Dưỡng nói.

Ông tự hào kể, sống giữa địa ngục trần gian ấy, nhiều tổ chức của ta vẫn bí mật hoạt động. Nhiều lớp học về văn hóa, lớp học nghề, học năng khiếu,... vẫn được các chiến sỹ có chuyên môn âm thầm mở dạy...

Ngày được tự do, ông Dưỡng cùng hàng trăm đồng đội khác được máy bay địch đưa về bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị) trao trả. “Chúng đã chơi thủ đoạn xấu, nhiều người được đưa lên máy bay nhưng khi qua biển chúng đẩy xuống nước mất tích. Anh em còn lại thì may mắn thoát chết mà trở về quê hương” – ông Dưỡng nhớ lại.

Sau khi về đến miền Bắc, ông Dưỡng được đưa đến Quảng Ninh an dưỡng. Đến tháng 5/1974, ông xin phục viên về quê sống.

Ông lập gia đình sau đó và sống cuộc đời bình dị như bao người dân khác. Mỗi khi có dịp nhắc đến thời binh nghiệp, đến những ngày bị địch hành hạ "sống không bằng chết" ở nhà tù Phú Quốc, ông vẫn luôn tự hào vì đã kiên trung đấu tranh, giữ vững khí tiết người lính cụ Hồ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Thái Bá