“Người hay cãi” Hữu Thọ đã “về giời” cãi với… trời xanh!

(Dân trí) - Từ khi còn ở Thái Bình, một trong những mơ ước của tôi khi lên Hà Nội làm báo là được gặp trực tiếp Nhà báo Hữu Thọ, một người mà tôi kính trọng đặc biệt là nhân cách và tài năng qua những trang viết. Và lần đầu tiên tôi gặp ông ở một quán bún ngan trên đường Quán Thánh.

Hôm ấy, tôi với Nhà văn Lê Lựu đi thăm một người bạn về. Khi rượu đã rót, bún ngan đã được đem ra nóng hôi hổi, tôi chợt thấy Lê Lựu đứng lên đi tới một đám đông người ngồi mờ mờ vừa xì xụp, vừa chuyện trò nghe chừng rôm rả lắm. Tôi không biết Lê Lựu đi đâu mất đến mười lăm phút mới quay lại. Trái với bản tính ồn ã, bỗ bã ngày thường, anh trầm hẳn xuống. Tôi ngạc nhiên hỏi: "Bác vừa đến chỗ ai đấy?", "À, anh Thọ, anh Hữu Thọ". Lại lặng một lát, Lê Lựu mới nói tiếp: "Anh ấy là một người tử tế".

Lê Lựu vốn là người khá "hào phóng" lời khen ngút ngát trời xanh, khiến những người khó tính nhất cũng cảm thấy lòng dạ mát rười rượi. Thế nhưng, chữ "tử tế" thì hình như tôi chỉ thấy anh nhắc đến hai lần. Một là với nhà văn Từ Bích Hoàng, người được anh em trong Tạp chí Văn nghệ Quân đội gọi là "ông Bụt" và lần này với Nhà báo Hữu Thọ. Tôi muốn nhìn tận mặt xem ông chuyên viết "chuyện nhỏ" ra sao nhưng lúc đó, đoàn người đã ra đi. Chỉ thấy nhấp nhô mái đầu bạc trắng giữa một đám lố nhố đầu xanh.

“Người hay cãi” Hữu Thọ đã “về giời” cãi với… trời xanh! - 1

 

Lần thứ hai tôi gặp ông là ở Ban Tư tưởng- Văn hóa T.W. Lần ấy ông Phạm Thế Duyệt, khi đó là Uỷ viên Thường trực Thường vụ Bộ Chính trị đến nói về công tác chỉnh đốn Đảng. Thật tình đến bây giờ, tôi không nhớ trong cuộc họp đó ông Trưởng ban Thọ đã nói những gì, chỉ biết ông nói rất rành rọt, khúc triết và đầy xúc động khiến tôi quên hết nội dung, chỉ láng máng hình như ông phê phán một tờ báo nào đó về một vấn đề gì đó.

Sự xúc động đến mức đoạn gần cuối, hình như ngại về cách ứng xử không nên có ở vị thế của mình, ông quay sang ông Duyệt: "Xin lỗi, tôi không kìm được cảm xúc". Từ hôm đó, tôi hiểu thêm rằng đằng sau một nhà báo Hữu Thọ sắc sảo, tỉnh táo, quyết liệt còn ẩn chứa một tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động.

Tôi được trực tiếp gặp Nhà báo Hữu Thọ vào quãng năm 1999 hay 2000 gì đó. Lần ấy, chị Nguyễn Thị Vân Anh, TBT báo Nhà báo & Công luận đưa cho tôi tập sách có cái tên khá ngộ: “Ngưỡi hay cãi” kèm với một nhiệm vụ: “Em đọc để đưa vào mục giới thiệu sách”.

Thành thực khi đó, tôi hơi run bởi ông là nhà báo lớn, lại đang là Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương còn tôi, một gã nhà quê mới lên tập tễnh bước vào nghề….

Thế nhưng cũng bởi cái tính liều vốn có của anh “nông văn dền Bùi Văn Tám”, tôi đọc một mạch hết cuốn sách và đặt bút “phán”. Bài báo có cái tên “Hữu Thọ - Người cãi hay, cãi đúng” được in trong mục điểm sách của báo Nhà báo & Công luận.

Bẵng đi một thời gian, một hôm tôi nhận được cú điện thoại từ ông với giọng vồn vã: “Bùi Hoàng Tám hả? Trưa mai qua Nguyễn Cảnh Chân ăn cơm với tớ để tớ tặng cậu tập sách”.

Té ra, cái bài báo con con (nói như Nhà thơ Trần Đăng Khoa là “một vốc chữ” ấy) đã được ông chọn trong hàng trăm bài báo viết về ông để đưa vào cuốn sách mới nhất mà ông vừa xuất bản.

Từ đấy, mỗi lần ra cuốn mới, ông đều gửi cho tôi và tôi thỉnh thoảng đến thăm ông khi thì phỏng vấn, khi thì hỏi chuyện nọ, việc kia nhưng chủ yếu là nghe ông nói về nghề báo, cái nghề mà ông đã dâng hiến cả cuộc đời cho nó.

Có lần ông tâm sự với tôi, bằng cái giọng “mày - tao” thân mật: "Tao không chỉ sợ chê sai mà còn sợ cả khen sai". Rồi ông kể ông đã từng viết bài khen tỉnh Phú Thọ 3 lần, cả 3 lần đều được giải thưởng báo chí toàn quốc (nay là Giải thưởng Báo chí Quốc gia) nhưng sai đến hai lần.

Ông kể rằng lần đâu, ông ca ngợi công cuộc phá rừng khai hoang. Lần thứ hai, ông ca ngợi việc ra quân đưa chuối lên đồi. Ông kể rằng cả hai lần ấy ông đều khen sai. Chỉ có lần thứ ba, giao đất, giao rừng cho người nông dân thì ông mới đúng.

Ngày còn làm ở báo Nhân dân, khi viết về Quỳnh Lưu ông cũng đã khen sai và những điều này khiến ông rất day dứt: "Lúc đó, nhận thức của mình nó thế chứ mình không cố ý để lừa người khác. Dân ta vốn rộng lượng nên anh nói sai nhưng nếu không vụ lợi, không cố ý, ác ý cũng dễ được thể tất".

Nếu trong nói chuyện, Hữu Thọ thuộc dạng rất "bốc" thì khi viết, ngòi bút của ông rất điềm tĩnh. Bất cứ một sự việc nào, dù to dù nhỏ cũng đều được ông mổ xẻ rất kỹ, có lý, có tình.

Trong bài viết về tệ hối lộ, ông chỉ ra rằng luật pháp trừng trị cả người nhận và người đưa hối lộ. Tuy nhiên, có những người vì hoàn cảnh nào đó mà bắt buộc phải đưa một ít quà thì dư luận cũng nên xem xét mà xử cho đúng.

Hữu Thọ là thế, bao giờ cũng nhìn một sự việc qua nhiều lăng kính nên luôn thấu đáo, cảm thông và chia sẻ.

Văn của ông thủ thỉ như một lời tâm sự nên độc giả thường quên đi cái cảm giác đọc. Một câu chuyện nhìn thấy, nghe thấy dọc đường được ông khéo léo kể lại để người đọc tự tìm ra cho mình câu trả lời. Ông thường hay đặt ra những câu hỏi để rồi cùng giải đáp chứ không bao giờ thấy ông áp đặt hay răn dạy.

Không máy móc, xúc xiểm, không cạnh khoé, quy chụp, cường điệu nhưng ông cũng không dễ bỏ qua. Những lý lẽ thấu đáo cộng với cách viết nặng nghĩa tình đồng đội, đồng chí đã tạo cho ông cái vị thế chan hoà, chia sẻ.

Không đao to búa lớn. Không dạy dỗ, đe nẹt. Nó là những lời thủ thỉ nhưng kiên quyết, có trách nhiệm và dám nhận trách nhiệm với cuộc đời của một nhà báo - nhà văn hoá.

Ông có lối viết trong sáng, dễ hiểu. Các mệnh đề thường được sắp đặt đối xứng như cổ văn với mạch khoẻ, chắc, nhịp văn ngắn, sắc sảo. Vui đấy, cười đấy mà đau đớn, mà xót xa đến tận tâm can. Cái cách viết sâu sắc mà dí dỏm đã tạo nên một phong cách riêng. Phong cách tiểu phẩm Hữu Thọ.

Đó chính là nét văn phong thâm thuý, hóm hỉnh ông kế thừa của nho sỹ Bắc Hà mà tiêu biểu là nhà văn Ngô Tất Tố. Không chỉ học ở sách vở, Hữu Thọ còn học ở những người anh, người bạn, những đồng nghiệp của mình. Ông học sự sắc sảo của Hoàng Tùng, sự bốc lửa của Thép Mới...

Ông học từ cách ứng xử của tiền nhân đến cách nói trạng của người nông dân xứ Nghệ. Khi đến một trại nuôi bò để lấy tài liệu viết bài, có một chị nông dân cứ nhìn ông tủm tỉm cười. Gặng hỏi mãi, chị ấy mới nói: "Ông nom bò của chúng tôi có “tinh thần tập thể” không? Cứ 3 con đi với nhau là chúng dựa vào nhau", rồi lẳng lặng bỏ đi. Đêm về, ông mới nghĩ ra đó là chị ấy nói "trạng". Đàn bò ở đây gầy quá nên khi đi cứ dựa vào nhau cho khỏi ngã.

Một trong những mặt mạnh là trời đã phú cho ông cái khả năng linh cảm. Chính nhờ cái linh cảm trời cho cộng với cách nhìn nhận, phân tích, đánh giá tỉnh táo của người làm chính trị đã khiến ông có những bài viết mang tính dự báo rất cao.

Từ những năm đầu đổi mới, hơn một lần ông đã cảnh báo những ẩn hoạ của thói cửa quyền, tha hóa, coi thường dân và hiện tượng tha hoá, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Khi phóng sự "Cái đêm hôm ấy, đêm gì?" của nhà văn Phùng Gia Lộc đăng trên báo Văn nghệ, đã nhiều lần ông lưu ý những người có trách nhiệm đối với phản ánh của văn học và báo chí về đời sống của người nông dân.

"Nếu như sau Cái đêm hôm ấy... chúng ta biết lắng nghe, biết tôn trọng nguyện vọng của người dân thì chắc chắn sau này, đã không để xảy ra hiện tượng như ở Thái Bình". Ông đã hơn một lần nói thế.

Cách đây đã nhiều năm, ngồi với ông tại căn phòng yên tĩnh như tu viện ở số 2 Nguyễn Cảnh Chân, tôi hỏi ông rằng cái chức Trợ lý Tổng Bí thư của bác thực chất là làm gì. Ông bảo:

- Nó chẳng phải chức mà cũng chẳng phải tước. Nhiệm vụ của nó là nắm tình hình, nghiên cứu xem có vấn đề gì thì trình Tổng Bí thư và trả lời những vấn đề Tổng Bí thư hỏi. Thế cũng đủ bận suốt ngày.

Rồi ông kể với tôi rằng thời trẻ, ông đã từng mơ ước trở thành nhà thơ. Nhưng rồi sau này, ông ngộ ra rằng thơ ca là thứ trời cho, không ai học mà thành được. Vì vậy, tốt nhất là trời cho ông làm một nhà báo thì ông làm một nhà báo. Tuy nhiên, ông đọc nhiều, hiểu rộng nhiều lĩnh vực nên những bài viết của ông rất sâu sắc nhưng giản dị và dễ hiểu. Ông viết cho mình cũng là để răn mình:

"Tôi chưa biết nên viết như thế nào cho thành công vì mỗi bài báo là một sự thử thách. Nhưng tôi biết chắc chắn bài báo sẽ thất bại nếu đưa ra câu trả lời mà vừa lòng tất cả mọi người".

Không và không chấp nhận sự vừa lòng tất cả. Đó là phẩm cách nhà báo của Hữu Thọ.

Để có được những trang viết như vậy, điều quan trọng là tác giả phải dám đặt cược vào ngòi bút. Nghĩa là phải sống cho ra sống, yêu cho ra yêu và ghét cũng phải ra ghét. Ông ghét cái sự nhờ nhờ, nhàn nhạt.

- Mình yêu 10, thậm chí 20 mới mong viết ra để bạn đọc yêu lấy 3-4. Nếu yêu chỉ hời hợt, thoáng qua thì còn gì mà viết. Đã thế, có người khi viết lại không dám chấp nhận sự dấn thân, không dám đặt cược vào ngòi bút. Cái anh nhà báo, tệ nhất là viết nước đôi.

Vào khoảng năm 2009 - 2010, chúng tôi làm loạt bài bàn về sự dối trá đang trở thành “mối nhục lớn – Lời của GS Hoàng Tụy”, ông nói:

“Người nói dối đương nhiên là xấu nhưng vấn đề là có một nhu cầu muốn nghe nói dối từ phía người nghe. Tôi nhớ cách đây đã lâu, tôi có đọc một vở kịch nước ngoài (hình như của Lécmôntốp thì phải) đại để là một vị quan hỏi một kẻ thuộc cấp làm sao nói dối, không nói thật những khiếm khuyết của xã hội, của các mệnh lệnh… Gã này thưa rằng bởi tôi đã ba lần nói thật thì cả ba lần đều bị quở mắng, trừng phạt cho nên chẳng dại gì mà tôi nói thật nữa. Để bệnh nói dối tràn lan chủ yếu là tại người nghe.

Nghĩa là muốn nghe lời nói thật thì trước hết phải thật sự cầu thị…? Tôi hỏi.

Thì đúng rồi. Khi anh đã có một địa vị nào đó rất khó được nghe những lời nói thật. Không ít kẻ nịnh bợ, tâng bốc anh nhưng cũng có người chỉ vì nể nang mà không nỡ nói ra sự thật.

Sự thật nó không tự đến mà anh phải tìm đến nó. Rồi anh phải đủ niềm tin ở người ta thì người ta mới nói sự thật với anh. Anh cũng phải có đủ bản lĩnh để sàng lọc, tìm ra những thông tin chính xác. Muốn nghe được lời nói thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát.

Mới hơn một tháng trước, báo Dân trí muốn đăng một bài tham luận của ông về Đảng cầm quyền, tôi điện thoại xin phép cắt bỏ một số đoạn vì bài viết khá dài, ông bảo: “Tám cứ tùy ý. Mày với thằng Hoàn (TBT Phạm Huy Hoàn) thì tao tin rồi”.

Hôm Đại hội nhà báo, xem ti vi thấy ông vẫn khỏe mạnh, định hôm nào ghé qua thăm ông tiện thể gửi ông chút nhuận bút be bé, thế mà ông đã ra đi.

Giờ đây, “Người hay cãi” đã về trời để “cãi” với trời xanh. Điều này hoàn toàn có thể lắm bởi với ông, nếu thấy làm sai thì “trời” ông cũng cãi…

Bùi Hoàng Tám