Quảng Ngãi:

Người Gò Tranh "thèm" điện

(Dân trí) - Từ trung tâm xã Long Sơn muốn vào thôn Gò Tranh (xã Long Sơn, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi) phải vượt qua quãng đường 9 km đèo núi đầy sỏi đá, lầy lội bùn đất. Nằm xa trung tâm xã cùng với việc thiếu điện khiến những mái nhà ở thôn Gò Tranh trở nên ảm đạm giữa núi rừng.

Nhà của anh Đinh Văn Khắc nằm ở khu giữa của thôn Gò Tranh. Giữa ban ngày nhưng ngôi nhà sàn vẫn tối om. Ở một góc nhà, con trai anh Khắc đang học bài dưới chiếc bóng đèn nhỏ duy nhất trong nhà. Ánh sáng chập chờn, nhấp nháy liên tục vì dòng điện không ổn định khiến cháu bé khổ sở trong việc học.

Học sinh thôn Gò Tranh phải học tập dưới ánh điện chập chờn vào mùa mưa và ánh đèn dầu tù mù vào mùa nắng
Học sinh thôn Gò Tranh phải học tập dưới ánh điện chập chờn vào mùa mưa và ánh đèn dầu tù mù vào mùa nắng

Anh Khắc giải thích, ở khu này không có điện lưới nên 4 gia đình phải góp 4 triệu đồng mua máy phát đặt dưới dòng suối nhỏ cạnh nhà để có điện sử dụng. Dù đang là mùa mưa, dòng suối cuồn cuộn nước nhưng công suất máy phát quá nhỏ nên dòng điện rất yếu.

Một máy phát chia cho 4 nhà sử dụng, vì vậy mỗi nhà chỉ dùng được một bóng đèn điện nhỏ.

"Máy phát nhỏ nên điện ít lắm. Lúc đầu cũng mua nhiều bóng đèn, thiết bị điện nhưng không dùng được. Điện chập chờn làm thiết bị điện hư hỏng hết", anh Khắc nói rồi chỉ vào một chiếc bóng đèn và tivi đã hỏng minh chứng.

Hàng trăm người dân thôn Gò Tranh phải phụ thuộc vào dòng điện chập chờn từ máy phát điện đặt dưới suối
Hàng trăm người dân thôn Gò Tranh phải phụ thuộc vào dòng điện chập chờn từ máy phát điện đặt dưới suối

Đưa chúng tôi đi xem chiếc máy phát điện đặt dưới dòng suối cách nhà 500 m, anh Khắc cho biết chỉ mùa này mới dùng được máy phát vì suối có nước. Đến mùa nắng, dòng suối nhỏ cạn dòng thì đành chịu.

"Mùa này có nước nên có điện nhưng cũng lo lắm. Có hôm mưa lớn mình không xuống kịp mang máy lên là bị trôi mất. Máy này mua tới 4 triệu nên trôi là rất lâu sau mới mua lại được vì không có tiền", anh Khắc than thở.

Cách nhà anh Khắc chừng 500 m, gia đình anh Đinh Văn Ren còn khổ hơn vì phải dùng ké điện từ máy phát của hàng xóm. Thế nhưng dòng điện quá yếu nên có điện cũng như không khiến gia đình anh phải bổ sung thêm đèn dầu để sinh hoạt vào ban đêm.

Theo anh Ren, đặc trưng nhà sàn của người dân tộc thiểu số là không có cửa sổ nên căn nhà luôn tối. Trong khi đó, dòng điện quá yếu nên chiếc bóng đèn điện duy nhất không đủ sáng. Vì vậy, mọi sinh hoạt của gia đình và việc học của các con phải dùng thêm đèn dầu.

"Đó là vào mùa mưa suối có nước chứ mùa nắng thì nhà tôi phải dùng hoàn toàn bằng đèn dầu. Không có điện khổ nhiều thứ lắm. Giờ chỉ mong sao ở đây có điện như dưới trung tâm xã thôi. Điện sáng lên là mọi người vui lắm" anh Ren nói.

Việc thiếu điện hàng chục năm qua khiến mọi sinh hoạt của người dân thôn Gò Tranh trở nên khó khăn. Thiết bị điện duy nhất được sử dụng trong mỗi ngôi nhà chỉ là chiếc bóng đèn chữ U nhỏ xíu cung cấp thứ ánh sáng chập chờn.

Mỗi ngôi nhà chỉ sử dụng được một bóng đèn điện nhỏ khiến không gian tối om
Mỗi ngôi nhà chỉ sử dụng được một bóng đèn điện nhỏ khiến không gian tối om

Ông Đinh Văn Giúp - Chủ tịch UBND xã Long Sơn, cho biết: thôn Gò Tranh là địa bàn khó khăn nhất của xã Long Sơn. Toàn thôn có 140 hộ dân với 500 nhân khẩu. Trong đó, khu vực gần trung tâm xã nhất có gần 80 hộ dân tuy được sử dụng điện nhưng cũng chỉ là sử dụng ké của thôn bên cạnh.

Vì vậy, người dân phải tự bỏ tiền mua dây đưa điện về nhà để sử dụng. Tuy nhiên, đường dây tự kéo với khoảng cách khá xa nên dòng điện rất yếu và hao tải khiến việc sử dụng điện của người dân vô cùng bất tiện.

"Hiện còn 60 hộ dân với 160 nhân khẩu từ trước đến giờ hoàn toàn không được sử dụng điện lưới. Vì vậy người dân phải sử dụng máy phát điện đặt dưới suối, nhiều nhà xa suối phải sử dụng đèn dầu để thắp sáng. Tuy nhiên vào mùa nắng thì máy phát điện cũng không phát huy tác dụng nên người dân gặp rất nhiều khó khăn. Việc thiếu điện ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, đặc biệt là việc học tập của học sinh", ông Giúp nói.

Nhận thấy sự khó khăn của người dân vì thiếu điện, nhiều năm qua UBND xã Long Sơn đã có tờ trình xin đầu tư hệ thống điện cho người dân nhưng vẫn chưa có nguồn kinh phí thực hiện.

Người dân thôn Gò Tranh mong muốn có nguồn điện ổn định để phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất
Người dân thôn Gò Tranh mong muốn có nguồn điện ổn định để phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đặng Văn Trung - Giám đốc Công ty CP Điện huyện Minh Long, thừa nhận: thôn Gò Tranh của xã Long Sơn đã thiếu điện từ nhiều năm qua vì chưa thể thi công đường dây, trạm hạ thế cho khu vực này.

Theo ông Trung, một số hộ dân thôn Gò Tranh ở gần trạm hạ thế của thôn bên cạnh đã tự kéo điện về thôn nhưng dòng điện rất yếu.

"Điện này chỉ dùng thắp sáng chứ không thể sử dụng được các thiết bị khác để phục vụ sinh hoạt và sản xuất do đường dây dẫn của người dân nhỏ, lại kéo dẫn từ cách xa về nên dòng điện rất yếu. Một phần đông dân cư còn lại của thôn Gò Tranh phải chịu cảnh thiếu điện hoặc sử dụng đèn dầu", ông Trung cho biết.

Nguyên nhân của vấn đề này do địa phương thiếu kinh phí thi công hệ thống đường dây và các hạng mục khác để cung cấp điện cho thôn Gò Tranh.

"Dù biết người dân thiếu điện nên cuộc sống rất khó khăn nhưng cũng không làm được vì thiếu vốn. Muốn đưa điện về thôn Gò Tranh phải cần trên 10 tỷ đồng trong khi nguồn kinh phí của huyện còn quá khó khăn nên nhiều năm qua chưa làm được", ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, trong năm 2018, Công ty Điện lực Quảng Ngãi sẽ tiếp nhận quản lý toàn bộ hệ thống điện trên địa bàn huyện Minh Long. Đây mới là đơn vị có đủ nguồn lực đưa được ánh sáng điện lưới quốc gia về với thôn Gò Tranh để người dân bớt khổ.

Quốc Triều