1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Người đề xuất ý tưởng "làm cáp treo vào Tân Sơn Nhất" nói gì?

(Dân trí) - Ông Vũ Huy Thắng – người đề xuất ý tưởng làm cáp treo kết nối công viên Gia Định với sân bay Tân Sơn Nhất - cho rằng đây là giải pháp góp phần giải quyết kẹt xe khu vực sân bay với chi phí thấp và hiệu quả. Tùy theo nhu cầu, hệ thống cáp treo có thể vận chuyển từ 3.000 - 4.500 lượt khách mỗi giờ.

Trong những ngày qua, dư luận rất quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh ý tưởng làm cáp treo kết nối công viên Gia Định với sân bay Tân Sơn Nhất, nhằm góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe tại khu vực sân bay.


Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là một trong 2 điểm kẹt xe cực nóng của thành phố (ảnh Đình Thảo)

Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là một trong 2 điểm kẹt xe "cực nóng" của thành phố (ảnh Đình Thảo)

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Huy Thắng – người đề xuất ý tưởng "sốc" trên.

Ông Thắng cho biết công ty ông đã làm nhiều công trình cáp treo nên nảy sinh ý tưởng làm cáp treo kết nối sân bay với công viên. Ý tưởng này xuất hiện khi ông đọc báo thấy thông tin, TPHCM sẽ làm tuyến metro từ công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay Tân Sơn Nhất dài 2km tốn gần 250 triệu USD. Theo ông Thắng, nếu làm cáp treo thì chi phí chỉ khoảng 550 tỷ đồng, thời gian thi công khoảng 10 tháng.

Về việc đề xuất làm cáp treo nối công viên Gia Định với sân bay Tân Sơn Nhất, ông Thắng cho rằng, Cục Hàng không cũng có ý định cho hành khách làm thủ tục check-in ở công viên. Nếu sử dụng cáp treo thì sau khi làm thủ tục hành khách có thể lên cabin cáp treo vào sân bay. Nếu so với vận chuyển hành khách bằng xe buýt thì đi cáp treo sẽ giúp giảm lượng xe trên đường và giảm ùn tắc giao thông hiệu quả hơn.

Mỗi cabin có thể chứa từ 8-10 người, tốc độ khoảng 25km/h. Mỗi giờ có thể vận chuyển 3.000 khách, kinh phí khoảng 550 tỷ đồng. Nếu thiết kế theo công nghệ hiện đại hơn có thể đạt 4.500 lượt khách, tuy nhiên chi phí sẽ cao hơn.

Về góc độ kỹ thuật, ông Thắng cho rằng cáp treo có thể đi dọc đường Hồng Hà, giữa tuyến có thể có thêm trụ lớn, đường kính khoảng 2m và hành lang an toàn nền móng là 5 x 5m. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng cái khó ở đường Hồng Hà là không có dải phân cách ở giữa.

Theo ông Thắng, để giải quyết kẹt xe ở Tân Sơn Nhất thì làm cáp treo từ công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay sẽ hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, tuyến đường Trường Sơn có dải phân cách sẽ giúp thi công dự án thuận lợi hơn, mỹ quan đô thị cũng đẹp hơn so với cáp treo từ công viên Gia Định.

“Cáp treo phát huy hiệu quả nhất ở cự ly từ 2-5km. Còn với khoảng cách tầm vài chục km thì metro sẽ là lựa chọn phù hợp nhất. Làm cáp treo sử dụng điện thân thiện với môi trường, người dân đi cũng nhẹ nhàng và ngắm cảnh. Cáp treo với chi phí thấp mà hiệu quả. Tuổi thọ của hệ thống này cũng rất cao”, ông Thắng nói.

Về ý kiến lo ngại độ an toàn của cáp treo, đặc biệt là người lưu thông bên dưới lo sợ vì cabin cáp treo lơ lửng trên đầu, ông Thắng khẳng định cáp treo là phương tiện di chuyển đảm bảo an toàn cao. Các nhà sản xuất đảm bảo tính an toàn rất cao, tiêu chuẩn giống như ngành hàng không.

Ông Thắng cho rằng việc làm cáp treo trong đô thị phục vụ giao thông không có gì mới lạ, một số nước trên thế giới đã áp dụng như Colombia, Anh… Tiêu biểu như ở London (Anh), người ta làm cáp treo trong đô thị và cũng tạo điểm nhấn về du lịch của thành phố.

Khi được hỏi về ý định lập dự án, đề xuất đầu tư, ông Thắng cho rằng công trình phục vụ xã hội nên nhà nước mới có khả năng đầu tư. Công ty tư nhân mà làm rồi bán vé 5.000 - 10.000 đồng thì rất khó thu hồi vốn.

Ông Thắng cũng có ý tưởng kết nối Dinh Thống Nhất với sân bay Tân Sơn Nhất bằng cáp treo dọc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi. Tuyến đường này thẳng nên dễ làm. Di chuyển bằng cáp treo sẽ tạo thành điểm nhấn du lịch và thói quen đi bộ cho mọi người.

Quốc Anh