Ngân sách có thể chi toàn bộ 23 tỷ đồng bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi
(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Việt Hưng - Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết sắp tới có thể ngân sách nhà nước sẽ phải chi trả toàn bộ 23 tỷ đồng để bồi thường oan sai cho ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) nếu không chứng minh được lỗi cố ý của người thi hành công vụ.
Phóng viên: Sau khi phiên tòa phúc thẩm bị đình chỉ xét xử vì cả ông Lương Ngọc Phi - nguyên đơn và TAND tỉnh Thái Bình - bị đơn, cùng rút đơn kháng cáo, bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật mà theo đó TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường oan sai cho ông Phi gần 23 tỷ đồng. Quy trình bồi thường cho ông Phi sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Việt Hưng: Khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, trong vòng 5 ngày, TAND tỉnh Thái Bình phải lập hồ sơ báo cáo TAND Tối cao để xin cấp kinh phí bồi thường cho ông Phi.
TAND Tối cao sẽ xem xét việc yêu cầu bồi thường đó đã được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục của tố tụng dân sự hay chưa, các nội dung thiệt hại và mức thiệt hại có đúng luật không... Khi TAND Tối cao thấy mọi thứ đã đúng và đầy đủ cả rồi thì sẽ làm văn bản gửi Bộ Tài chính xin cấp tiền bồi thường.
Bộ Tài chính có thời gian 10 ngày để thẩm định hồ sơ này. Mặc dù vụ việc này phức tạp nên sẽ phải thẩm định kỹ lưỡng nhưng tôi nghĩ tổng thời gian giải quyết chỉ trong vòng 30 ngày theo luật định thôi.
Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả số tiền 23 tỷ đồng của các cá nhân liên quan ở TAND tỉnh Thái Bình sẽ được tiến hành như thế nào?
Theo khoản 2 điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, nếu người thực thi công vụ có lỗi cố ý, ban hành ra bản án trái pháp luật thì thẩm phán, chủ tọa phiên tòa thuộc TAND tỉnh Thái Bình sẽ phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền mà nhà nước đã phải ứng trước bồi thường oan sai cho ông Lương Ngọc Phi.
Nếu cơ quan chức năng không xác định được hành vi cố ý của những người thực thi công vụ, mà đó chỉ là vô ý thì họ không phải hoàn trả. Khi đó ngân sách nhà nước sẽ phải trả toàn bộ số tiền 23 tỷ đồng đó.
Trước mắt thì nhà nước phải bồi thường toàn bộ số tiền 23 tỷ đồng cho ông Phi đã. Sau khi trả tiền cho ông Phi thì mới xem xét việc ban hành bản án trước đây của TAND tỉnh Thái Bình là cố ý hay vô ý.
Như vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) cũng vậy. Nhà nước đã phải trích bồi thường hơn 7,2 tỷ đồng. Tới đây khi TAND xét xử vụ án hình sự đối với thẩm phán và các điều tra viên gây ra oan sai cho ông Chấn thì mới xem xét tới việc hoàn trả số tiền này.
Nhưng từ trước tới nay chưa có vụ án nào TAND kết luận người thi hành công vụ cố ý và phải bồi thường cả.
Nhưng trong vụ án oan sai của ông Lương Ngọc Phi đến nay chưa có cán bộ, người thực thi công vụ nào bị khởi tố thì việc xem xét, buộc phải hoàn trả số tiền 23 tỷ đồng sẽ được thực hiện ra sao?
Sau khi bồi thường xong cho ông Phi thì mới xem xét lại bản án trước đây do ai xét xử và sai từ quy trình nào. Sai từ điều tra, truy tố, kiểm sát hay xét xử sai và làm rõ trách nhiệm thuộc về điều tra viên, kiểm sát hay thẩm phán phiên tòa.
TAND Tối cao sẽ xem xét dựa trên hồ sơ bản án, xem hồ sơ chứng cứ, giấy tờ pháp lý để đưa vụ việc ra xét xử đã đáp ứng đầy đủ theo quy định của một vụ án hình sự hay chưa...
Tức là nếu thấy có dấu hiệu cố ý làm trái, ra bản án trái pháp luật thì TAND Tối cao có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra, làm rõ?
Khi đó phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét khởi tố vụ án cố ý làm trái. Trường hợp đó thì có thể phải hoàn trả 100% số tiền đã bồi thường.
Xin cảm ơn ông!
Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng ngày 17/11 vừa qua, đại biểu Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình - chất vấn Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình xung quanh việc giải quyết bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi (67 tuổi, trú tại Thái Bình; nguyên Giám đốc Công ty Khai thác chế biến nông sản xuất khẩu Hòa Bình). “Thời gian quá dài như vậy đã là quá đủ để gây ra biết bao nỗi đau cho người dân và không thể viện dẫn bất cứ lý do nào khác để kéo dài vụ việc này nữa” - ông Xuyền thẳng thắn.
Đến cuối buổi chất vấn, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình bộc bạch: “Tôi xin chân thành tiếp thu ý kiến của đại biểu. Có thể ý kiến trả lời của tôi chưa làm rõ hết ý kiến của đại biểu. Tôi xin được làm rõ thêm. Trên tinh thần chung của ngành tòa án không để xảy ra án oan sai. Đã oan sai phải bồi thường. Đối với vụ ông Phi tôi xin nhắc lại việc kết án oan xảy ra từ năm 2000. Thời điểm 2001 viện kiểm sát đình chỉ, khẳng định tòa đã làm oan ông Phi vì sau đó không có kháng nghị. Nhưng lúc đó pháp luật bồi thường oan sai chưa đầy đủ. Năm 2003 mới có nghị quyết về bồi thường oan sai. Năm 2004 ông Phi mới bắt đầu đòi bồi thường. Năm 2006 có tranh chấp xem cơ quan nào bồi thường, lên tới Quốc hội thì Quốc hội đã quyết định tòa án phải bồi thường”.
Người đứng đầu ngành tòa án cam kết sẽ chỉ đạo tòa án tỉnh Thái Bình phải làm nghiêm túc, khách quan trong phiên xử phúc thẩm tới đây.
Tuy nhiên đến ngày 27/11, TAND tỉnh Thái Bình đã có văn bản số 01/2015QD-PT Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án với ông Lương Ngọc Phi. Nguyên nhân dẫn đến việc tòa đình chỉ xét xử vì cả nguyên đơn lẫn bị đơn đã rút toàn bộ kháng cáo. Như vậy, bản án sơ thẩm của TAND thành phố Thái Bình xét xử vụ kiện vào tháng 8/2015 sẽ có hiệu lực. TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường oan sai cho ông Phi 23 tỷ đồng.
Thế Kha (thực hiện)