1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Năm 2015 phát hiện hàng nghìn văn bản trái pháp luật, sai nội dung, thẩm quyền

(Dân trí) - Trước việc phát hiện hàng nghìn văn bản trái pháp luật, sai nội dung, sai thẩm quyền ban hành chỉ riêng trong năm 2015, Bộ Tư pháp vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức tham mưu soạn thảo, thẩm định, trình ban hành văn bản trái pháp luật.

Một hội nghị tập huấn về ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Ảnh minh họa: Tiền Phong)
Một hội nghị tập huấn về ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Ảnh minh họa: Tiền Phong)

Bộ Tư pháp mới đây đã có Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và giai đoạn 2011 - 2015; định hướng công tác giai đoạn 2016-2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 gửi Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, năm 2015 các bộ ngành, địa phương đã tự kiểm tra được 107.463 văn bản và phát hiện ra 561 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành, nội dung; trong đó 88 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật cả về thẩm quyền và nội dung; 149 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền; 324 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về nội dung. Tuy vậy đến nay vẫn còn 432 văn bản trái pháp luật đang được cơ quan ban hành… nghiên cứu, xử lý theo quy định (?!).

Qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, toàn ngành tư pháp đã phát hiện 126 văn bản quy phạm pháp luật sai về cả thẩm quyền ban hành và nội dung; 237 văn bản sai về thẩm quyền ban hành; 813 văn bản quy phạm pháp luật sai về nội dung. Ngoài ra, có 4.318 văn bản sai sót về hiệu lực văn bản, căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; 1.691 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Trên cơ sở các văn bản đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp nêu trên, cơ quan kiểm tra văn bản đã tiến hành phân loại và tùy vào mức độ vi phạm của văn bản mà tiến hành xử lý văn bản đó theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý văn bản theo quy định. Đối với những văn bản có dấu hiệu vi phạm về căn cứ pháp lý, thẩm quyền, nội dung, cơ quan kiểm tra văn bản đã tổ chức họp, thảo luận, trao đổi trực tiếp với cơ quan đã ban hành văn bản và các cơ quan có liên quan để thống nhất về nội dung có dấu hiệu vi phạm tính hợp pháp của văn bản và biện pháp xử lý.

Cụ thể, trong năm 2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương đã xử lý được 6.019 văn bản (trong đó có 4.830 văn bản đã được xử lý theo quy định của pháp luật, còn lại là số văn bản sai về kỹ thuật trình bày văn bản đã được cơ quan ban hành văn bản xem xét, rút kinh nghiệm); còn 1.166 văn bản cơ quan ban hành đang nghiên cứu để xử lý theo quy định.

Ngoài ra, báo cáo cho biết trong 5 năm qua (2011-2015), Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền đối với 2.679 văn bản của các Bộ, cơ quan ngang bộ, 9.427 văn bản của địa phương ban hành và đã phát hiện 299 văn bản sai về nội dung, thẩm quyền ban hành Đến nay các Bộ, ngành đã xử lý được 43/70 văn bản, đạt trên 61,4% tổng số văn bản sai về thẩm quyền và nội dung đã phát hiện.

Đối với những văn bản sai sót về thể thức, kỹ thuật, việc kiến nghị xử lý văn bản chủ yếu được thực hiện thông qua các cuộc họp, hội nghị tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ với hình thức đề nghị các Bộ, ngành chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

Riêng trong năm 2015, trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan cấp bộ và địa phương ban hành gửi đến Bộ Tư pháp để kiểm tra theo thẩm quyền và từ các nguồn thông tin do công dân, cơ quan tổ chức, báo chí phản ánh, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra 2.391 văn bản và phát hiện 48 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, hiệu lực, hình thức văn bản (trong đó có 19 văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ và 29 văn bản của địa phương); 459 văn bản sai sót về thể thức, kỹ thuật. Đến nay, có 14 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, hiệu lực, hình thức văn bản đã được xử lý, 34 văn bản còn lại đang được Bộ tích cực theo dõi, đôn đốc cơ quan ban hành tự xử lý theo quy định của pháp luật.

Xử lý công chức tham mưu ban hành văn bản trái luật

Bộ Tư pháp khẳng định, một số văn bản có nội dung trái pháp luật chưa được phát hiện kịp thời hoặc đã phát hiện nhưng chưa được xử lý đúng hình thức và thời hạn xử lý theo quy định. Hơn nữa, việc khắc phục hậu quả của văn bản trái pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm công chức khi thi hành công vụ và chưa có quy định cụ thể để thực hiện được các hình thức trách nhiệm nghiêm khắc hơn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng văn bản trái luật nhiều như trên, nhưng có thể thấy rõ nhận thức và tinh thần trách nhiệm chưa cao của một số cơ quan ban hành văn bản, đội ngũ cán bộ, công chức kiểm tra, xử lý văn bản còn thiếu, nhất là thiếu công chức có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu về pháp luật và các lĩnh vực kinh tế, xã hội liên quan. Việc xây dựng, sử dụng đội ngũ cộng tác viên chưa hiệu quả và chưa hình thành được đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn sâu về pháp luật và các lĩnh vực liên quan;

“Kiểm tra, xử lý văn bản là công việc phức tạp, tiềm ẩn nhiều vấn đề “nhạy cảm”, “đụng chạm” lợi ích nhiều ngành, nhiều cấp, đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu, nhận thức về kinh tế - xã hội, kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp; trong khi đó điều kiện bảo đảm, nhất là chính sách thu hút, đãi ngộ cán bộ, công chức làm công tác này còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong khi đó, thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc xử lý văn bản trái pháp luật nhìn chung còn ở mức độ “kiến nghị”, “đề nghị” xử lý văn bản trái pháp luật, do đó việc xử lý văn bản trái pháp luật chưa có hiệu quả cao”- văn bản của Bộ Tư pháp nêu rõ.

Chính vì thế, Bộ Tư pháp kiến nghị cần phải xác định công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các Bộ, ngành, địa phương. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong khâu soạn thảo, ban hành, thẩm định, kiểm tra văn bản; xử lý kịp thời và triệt để các văn bản có nội dung trái pháp luật đã được xác định, đặc biệt là các văn bản có liên quan trực tiếp, ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức.

“Thực hiện nghiêm việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức tham mưu soạn thảo, thẩm định, trình ban hành văn bản trái pháp luật; xử lý đối với cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật nhưng không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định pháp luật”- Bộ Tư pháp kiến nghị.

Thế Kha