1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mũi khoan đầu tiên của robot “quái vật” 300 tấn dưới lòng Sài Gòn

(Dân trí) - Sáng 26/5, máy khiên đào TBM đã khoan mũi đầu tiên vào lòng đô thị Sài Gòn để mở ra hai ống ngầm dài 781m, kết nối nhà ga Ba Son và ga Nhà hát TP của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Đây là lần đầu tiên công nghệ khiên đào dạng cân bằng áp lực đất được ứng dụng trong đô thị Việt Nam.


Nghi thức phát lệnh khoan hầm.

Nghi thức phát lệnh khoan hầm.


TBM khoan nhát đầu tiên xuống lòng đất Sài Gòn.

TBM khoan nhát đầu tiên xuống lòng đất Sài Gòn.

Sáng nay, TPHCM đã tổ chức lễ tiến hành khoan TBM đoạn ngầm dài 781m nối ga Ba Son với ga Nhà hát TP, thuộc gói thầu 1b của dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên. Đây là gói thầu vừa thiết kế vừa thi công, do liên danh Shimizu – Maeda phụ trách. Gói thầu trị giá hơn 5.000 tỷ đồng và hoàn thành sau 54 tháng thi công.

Máy khiên đào TBM nặng 300 tấn, dài 70m và đường kính 6,79m. Máy được tháo rời thành 20 khối để vận chuyển về Việt Nam. Đây là lần đầu tiên công nghệ khiên đào dạng cân bằng áp lực đất được áp dụng trong đô thị Việt Nam.

Máy TBM hoạt động sâu trong lòng đất và có khoảng cách an toàn với hành lang bảo vệ công trình phía trên. Do hoạt động trong lòng đất nên máy không bị ảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài.

Ga Nhà hát dài 190m, nằm sâu dưới lòng đất 27m, còn ga Ba Son dài 240m và sâu 17m. Máy TBM sẽ khoan từ phía ga Ba Son về ga Nhà hát TP sau đó di chuyển toàn bộ thiết bị trở lại ga Ba Son để thi công ống ngầm thứ hai.


Quái vật khoan hầm nặng 300 tấn.

"Quái vật" khoan hầm nặng 300 tấn.


Phối cảnh đường hầm metro

Phối cảnh đường hầm metro

Ga Ba Son kết nối với ga Nhà hát TP bằng 2 ống ngầm. Trong đó, đoạn phía Nhà hát TP, 2 ống ngầm sẽ chạy dưới đường Nguyễn Siêu và được thiết kế kiểu ống trên, ống dưới. Khi về gần ga Ba Son 2 ống ngầm sẽ chạy lên cao dần song song với nhau. Dự kiến, máy khiên đào TBM sẽ hoàn thành thi công đoạn ngầm và hoàn trả mặt bằng trong vòng 1 năm.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết TPHCM là địa phương thu hút đầu tư nhiều nhất của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, với nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn, điển hình là tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên.

Ông Phong đánh giá tuyến metro số 1 là dự án có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, góp phần phát triển hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố và kết nối với các tỉnh trong khu vực. Từ đó, góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, phát triển thành phố về hường Đông, Đông Bắc.


Phòng điều hành TBM.

Phòng điều hành TBM.

Theo ông Phong, các gói thầu triển đảm bảo tiến độ và chất lượng yêu cầu. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông trong suốt thời gian thi công luôn được chú trọng. Ông đề nghị Ban quản lý Đường sắt đô thị TP phối hợp với các đơn vị tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng, chất lượng, mỹ quan. Phấn đấu đưa tuyến metro đầu tiên của thành phố vào hoạt động vào năm 2020.

Quốc Anh