Miền Tây “ăn” cho hết Tết hết Xuân

(Dân trí) - Với người dân vùng sông nước, ăn Tết không chỉ có 3 mùng 1, 2, 3 mà còn kéo dài cho đến hết mùng 10, thậm chí đến Rằm tháng Giêng. Họ nói phải “ăn” hết Tết hết Xuân, tức 3 ngày Tết và 7 ngày Xuân.

Chiều ngày 7/2 (nhằm mùng 5 Tết), theo PV Dân trí ghi nhận tại một số vùng sâu của huyện Giá Rai (Bạc Liêu), không khí Tết vẫn còn khá nhộn nhịp. Trên các con lộ đan nông thôn chạy dọc theo các con sông của xã Phong Thạnh A, Phong Thạnh vẫn nườm nượp xe máy người dân chở nhau đi ăn Tết.
 
Miền Tây “ăn” cho hết Tết hết Xuân - 1

Tấp nập du xuân

 

Do vùng sông nước nên ngoài phương tiện đi chơi Tết là xe máy thì người dân còn dùng đến vỏ lãi (xuồng máy nhỏ) để chở nhau vui xuân. Mỗi chiếc vỏ lãi trung bình chở được từ 4-5 người đi, ghé từ nhà này sang nhà khác để chúc Tết thăm hỏi nhau năm mới.

 

Chia sẻ với PV Dân trí, một số người dân ở ấp 23 (xã Phong Thạnh) cho biết, trong 3 mùng 1, 2, 3 thường thì chỉ đi đến nhà người thân; từ mùng 4 trở đi mới bắt đầu đi chơi xa.

 

PV ghé vào nhà của chị Nguyễn Thị The (ấp 23, xã Phong Thạnh), một gia đình vừa được chính quyền địa phương tặng cho một căn nhà tình thương đón Tết. Đó là một ngôi nhà nhỏ, vẫn còn mùi vôi quét tôn mới, chị The cho biết: “Tết năm nay vui hơn những năm trước, dù 2 vợ chồng đi làm thuê, kinh tế khó khăn nhưng có được ngôi nhà mới đón Tết thì còn gì bằng”. Tiếp lời chị The, anh Đông (chồng chị The) chia sẻ thêm: “Năm nào cũng vậy, đến Tết chỉ mua ít hạt dưa, ít bánh kẹo, vài kg thịt heo là đón Tết hoành tráng rồi”.

 

Khi PV ghé nhà chị The chiều ngày mùng 5 Tết cũng là lúc chồng chị đang bày tiệc nhậu với mấy ông hàng xóm. Người cười, người nói vừa lai rai ly rượu khiến không khí trong nhà vui hẳn lên.
 
Miền Tây “ăn” cho hết Tết hết Xuân - 2
Đi chơi Tết trên những chiếc võ lãi là hình ảnh thường thấy ở vùng sông nước.

 

Rời nhà chị The, đi dọc theo con sông ấp 23, PV nhận thấy vẫn còn nhiều nhà đón khách đến chúc Tết. Nhà của một người dân khác có 5 chiếc xe máy vừa ghé trong tiếng chào hỏi vui mừng của chủ nhà. Nhiều nhà khác cũng đang bày xòng nhậu ngay trước hiên nhà.

 

Những chiếc đò ngang, đò dọc ở ấp 25 (xã Phong Thạnh A) vẫn tới lui đưa khách qua sông. Theo các chủ đò cho biết, hiểu được hành trình của người dân đi chơi Tết xa thường từ ngày mùng 4 Tết trở đi nên luôn túc trực 24/24 để chở khách qua sông. Riêng trong sáng ngày mùng 5 Tết, chỉ trong vòng 30 phút, PV nhận thấy có hơn 20 chiếc xe máy qua đò ngang của ông Hai Thia.

 

Cũng theo PV ghi nhận, 7 ngày Xuân ở miền Tây đa số là giới trẻ đi chơi Tết. Do thời gian này những thanh niên, thanh nữ chưa bước vào công ăn việc làm nên có thời gian để vui Tết. Một phần cũng do 3 ngày Tết chỉ đi thắp nhang cho ông bà, bà con trong họ tộc; phần khác ở nhà trông nhà cho cha mẹ đi thăm bạn bè, người thân trước…chính vì thế 7 ngày Xuân luôn có rất đông giới trẻ đi chơi.

 

PV theo một đoàn xe của người quen đi vào các ấp như 22, 19, 18 (xã Phong Thạnh) để đi chơi Xuân trong chiều ngày mùng 5. Ghé vào nhà nào thì thường thấy chủ nhà hay mang ngay rượu ra mời khách. Người miền Tây rất hiếu khách nên khi chủ nhà mời thì rất ít ai từ chối lời mời uống rượu đầu năm. Tuy nhiên, do ngày Tết, ngày Xuân thường đi và ghé nhiều nhà nên người đi chơi cũng rất giữ mình, thông thường mỗi nhà chỉ uống 2-3 ly rượu nhỏ gọi là lấy lộc đầu năm.

 

Một điểm đặc biệt nữa là giới trẻ miền Tây rất nhiệt tình. Lúc đầu đi chơi chỉ là 2- 3 người đi nhưng khi ghé vào nhà nào là “kéo” cho bằng được người bạn đó đi. Cứ thế đoàn người chơi xuân có thể lên đến cả chục người. Anh Nguyễn Văn Tông cho biết: “Đến nhà thì bắt cho được thằng bạn của mình đi, rồi thêm bạn của bạn, đi càng nhiều thì càng vui, không khí Tết càng rộn ràng hơn”.

 
Miền Tây “ăn” cho hết Tết hết Xuân - 3
Một nhà người dân ở xã Phong Thạnh thờ Bác Hồ trước cửa nhà để đón Tết.
 

Trong khi đó, để “ăn” trọn 10 ngày nên nhà nào cũng chuẩn bị đủ thực phẩm mời khách từ mùng 1 đến mùng 10. Ngoài ra, mùng 7 cũng thường là ngày người dân miền Tây hạ nêu nên ngày mùng 7 cũng rất sôi nổi.

 

Cũng vì không khí sôi nổi đó mà những tai nạn như đâm xe, chìm xuồng do chở quá đông người hay do người cầm máy bị xỉn cũng xảy ra, làm chùng xuống phần nào không khí Tết.  

 

Với người miền Tây, vui xuân là phải “ăn” hết mùng (hết mùng 10) cho tới mền (đến Răm tháng Giêng, thậm chí là hơn nữa).

 

Huỳnh Hải

Dòng sự kiện: Chào Xuân Tân Mão 2011