Lũ lịch sử ở Yên Bái: Vẫn còn 9 người mất tích

(Dân trí) - Cho đến sáng nay (7/8), lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy 9 người mất tích trong trận lũ ống kinh hoàng ở Mù Cang Chải (Yên Bái). Lãnh đạo địa phương cho biết, công tác tìm kiếm những người mất tích vẫn đang được tích cực triển khai.


Lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm 9 người mất tích do mưa lũ tại huyện Mù Cang Chải - Yên Bái. (Ảnh: Trần Thanh).

Lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm 9 người mất tích do mưa lũ tại huyện Mù Cang Chải - Yên Bái. (Ảnh: Trần Thanh).

Liên quan đến công tác tìm kiếm cứu nạn số người mất tích trong trận mưa lũ lịch sử vừa qua tại Mù Cang Chải (Yên Bái), sáng nay (7/8), phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Trần Thế Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Yên Bái.

Ông Hùng cho biết, cho đến sáng nay (7/8), lực lượng cứu hộ, cứu nạn mới chỉ tìm thấy 5 thi thể, hiện vẫn còn 9 người đang mất tích.

Hàng nghìn người cùng máy móc, thiết bị vẫn tiếp tục ngày đêm tìm kiếm những người mất tích nói trên.

"Chúng tôi nghi thi thể các nạn nhân nằm dưới các tảng đá lớn nên vẫn cho lực lượng phá đá để tìm kiếm. Ngoài ra, một bộ phận khác tìm kiếm ở các khu vực xa hơn, có thi thể còn trôi dạt tận địa phận của tỉnh Lai Châu" - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, song song với công tác tìm kiếm những người mất tích, chính quyền địa phương cũng đang tích cực giúp người dân mất nhà, mất người thân ổn định cuộc sống.

Thống kế cho đến sáng nay, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải có 50 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi và sập hoàn toàn. Ước tính thiệt hại trong trận mưa lũ vừa qua trên toàn tỉnh Yên Bái khoảng 400 tỷ đồng (riêng Mù Cang Chải khoảng 290 tỷ đồng).

"Hiện những hộ mất nhà trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đang ở các trung tâm của huyện, các trường học hoặc ở nhà người thân. Tỉnh Yên Bái hỗ trợ các hộ này về lương thực là 15kg/khẩu/tháng. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cũng được địa phương rất quan tâm" - ông Hùng nói thêm.

Ông Hùng chia sẻ thêm, khó khăn nhất là tìm nơi tái định cư cho các hộ bị mất nhà, vì địa hình dốc, đồng thời kiên quyết không cho người dân dựng nhà tại chỗ ở cũ. Tỉnh Yên Bái đang giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh này nghiên cứu phương án tái định cư cho người dân.

Theo báo cáo nhanh ngày 6/8 của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng mưa lũ xảy ra từ 1-6/8 trên địa bàn các tỉnh đã gây thiệt hại như sau:

Về người: 26 người chết, tăng 3 người so với báo cáo nhanh ngày 5/8 trong đó tìm được thi thể của 1 người mất tích, cụ thể: Yên Bái: 6 người, tăng 2 người, Sơn La: 12 người, Lai Châu: 2 người, Điện Biên: 5 người, Cao Bằng: 1 người; 15 người mất tích, giảm 1 người tại Yên Bái do đã tìm thấy thi thể (Yên Bái: 9 người, Sơn La: 5 người, Lai Châu: 1 người); 27 người bị thương (Yên Bái: 13 người, Sơn La: 12 người, Cao Bằng 2 người).

Về nhà ở: 231 nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn (Yên Bái: 54 nhà, tăng 3 nhà; Sơn La: 177 nhà); 425 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở (Yên Bái: 56 nhà, Sơn La: 227 nhà, Điện Biên: 27 nhà, Bắc Kạn: 65 nhà, Cao Bằng: 42 nhà, Lào Cai: 8 nhà); 398 hộ phải sơ tán, di dời (Lai Châu: 32 hộ, Điện Biên: 10 hộ, Yên Bái: 69 hộ - tăng 21 hộ, Sơn La: 287 hộ).

Về nông nghiệp: 338,5ha lúa bị cuốn trôi, vùi lấp do sạt lở, tăng 71,9ha so với báo cáo nhanh ngày 5/8.

Về giao thông:

+ Đường Quốc lộ: Sạt lở 25.141m3 đường quốc lộ (Điện Biên: 13.442m3 trên QL 12, QL 279B, QL 279C, QL 4H; Yên Bái: 7.314m3 trên QL32; Sơn La: 2.385m3, Cao Bằng 2.000 m3). Các điểm sạt lở trên Quốc lộ 32 tỉnh Yên Bái gây tắc đường hiện đã thông tuyến.

+ Đường tỉnh và huyện: Sạt lở 117.706 m3, trong đó: Lai Châu: 9.000m3 trên một số tuyến đường giao thông huyện Nậm Nhùn, Mường Tè; Điện Biên: 14.636m3 trên ĐT150, ĐT142, ĐT143; Yên Bái: 42.500m3 đường tỉnh lộ bị sạt lở gây ách tắc giao thông; Sơn La: 50.570m3 trên ĐT109 và một số tuyến đường cấp huyện.

Về thủy lợi: 145 công trình thủy lợi (Yên Bái: 141 công trình, Sơn La: 3 công trình, Điện Biên: 1 công trình); 2.072m kè bờ suối (Sơn La: 2.000m, Điện Biên: 72m) bị thiệt hại.

Tổng thiệt hại vật chất ước tính trên 940 tỷ đồng.

Bộ Nông nghiệp phát động quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ

Sáng nay (7/8) tại Hà Nội, Công đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lai Châu và Điện Biên chịu thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua. Hơn 1 tỷ đồng là số tiền được ủng hộ tại lễ phát động.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ủng hộ đồng bào vùng thiệt hại do mưa lũ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ủng hộ đồng bào vùng thiệt hại do mưa lũ.

Công đoàn ngành nông nghiệp ủng hộ đồng bào vùng thiệt hại do mưa lũ.
Công đoàn ngành nông nghiệp ủng hộ đồng bào vùng thiệt hại do mưa lũ.

Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết: Chia sẻ những mất mát với đồng bào chịu thiệt hại do mưa lũ ở các huyện Mường La, tỉnh Sơn La và Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, Bộ NN&PTNT kêu gọi cán bộ, công chức, người lao động quyên góp ủng hộ các địa phương và nhân dân vùng bị thiệt hại trong đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất vừa qua.

Hỗ trợ nhân dân vùng chịu thiên tai vừa là trách nhiệm vừa thể hiện tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của cán bộ, công nhân viên chức toàn ngành nông nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan thường trực về phòng chống thiên tai, các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ tiếp tục phối hợp với các địa phương nhanh khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm: Các cơ quan chức năng của Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương. Trước hết khắc phục những tổn thất về sản xuất, cơ sở hạ tầng. Các khối Thú y - Chăn nuôi, Trồng trọt; Cục Thiên tai, Tổng cục Thủy lợi cần có chương trình hành động cụ thể để giúp các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất không chỉ trong đợt này mà còn phải có các phương án ứng phó thiên tai thời gian tới để giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nguyễn Dương