1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kiểm toán để đánh giá về tính trung thực, hợp lý của giá điện

(Dân trí) - UB Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn chọn chuyên đề xác định và công khai giá bán điện làm một trong những nội dung công tác trọng tâm năm 2016 để đánh giá tính trung thực, hợp lý của giá bán lẻ điện giai đoạn 2014 – 2016.

Chiều 21/9, trong khuôn khổ phiên họp thứ 41, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2016.

Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết, sẽ  ưu tiên lựa chọn kiểm toán các chủ đề liên quan đến các chính sách, chế độ, chương trình và dự án trong cả giai đoạn 2011-2015. Trong đó, tập trung kiểm toán các chương trình, dự án và hoạt động liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế.

Đồng thời, Kiểm toán nhà nước tập trung kiểm toán các hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là những nhiệm vụ và giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ.

 

Giá bán lẻ điện là môt trong các nội dung được đề xuất đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2016.
Giá bán lẻ điện là môt trong các nội dung được đề xuất đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2016.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, việc lựa chọn chuyên đề xác định và công khai giá bán điện giai đoạn 2014-2016 là để đánh giá tính trung thực, hợp lý của giá bán lẻ điện trong giai đoạn này.

Chủ trương minh bạch, công khai trong xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện việc điều chỉnh giá bán điện nhằm bảo đảm quyền lợi nhà nước, nhà sản xuất và người tiêu dùng; giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội cũng là mục tiêu của việc kiểm toán chuyên đề này.

Kế hoạch kiểm toán chuyên đề của năm sau còn có nội dung thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2015 của: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)…

Cho ý kiến về chương trình đề xuất của Kiểm toán nhà nước, UB Tài chính - Ngân sách đề nghị cân nhắc thêm việc kiểm toán vấn đề nợ công, nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương. để đưa ra đánh giá khách quan về mức độ an toàn về nợ quốc gia giúp Quốc hội, Chính phủ có kế hoạch vay nợ, trả nợ hợp lý và hiệu quả hơn.

Trong đó, UB Tài chính – Ngân sách nhấn mạnh, cần làm rõ tình trạng huy động, quản lý, sử dụng và tính hiệu quả của nguồn vốn vay và khả năng bảo đảm trả hết nợ khi đến hạn.

Vấn đề khác được Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý là trong năm 2015, tình hình giải ngân vốn ODA đang có xu hướng vượt dự toán khá cao, dẫn tới bội chi ngân sách không giữ được mức trần đã được Quốc hội quyết định. Vì vậy, Thường trực UB Tài chính – Ngân sách đề nghị, trong quá trình thực hiện kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cần phải tập trung phân tích đánh giá sâu sắc các yếu tố tác động đến thu, chi ngân sách để giúp Quốc hội, Chính phủ trong quá trình điều hành kinh tế - xã hội.

Một đề nghị khác của ông Hiển là cần tập trung đánh giá công tác quản lý và hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty. Qua đó làm rõ những kết quả đạt được cũng như hạn chế, yếu kém, khó khăn vướng mắc, xác định nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân tại các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty này.

Theo dự kiến của Kiểm toán Nhà nước, năm 2016 sẽ có 17 doanh nghiệp Nhà nước được kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2015 như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tcty Thương mại Sài Gòn (SATRA), TCTy Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem)…

P.Thảo

 

Kiểm toán để đánh giá về tính trung thực, hợp lý của giá điện - 2