1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không nên áp chế tài hình sự với sai sót của báo chí

(Dân trí) - “Lực lượng lượng báo chí cần có sự tin tưởng rằng với những bài viết của họ sẽ không khiến họ phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực. Điều này có thể khắc phục được bằng việc thay đổi luật pháp để những sai sót trong viết báo chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự, chứ không phải các chế tài hình sự”.

 

bao-chi-tac-nghiep-1cc8e

Đại diện nhóm nghiên cứu Viện Khoa học thanh tra - Thanh tra Chính phủ, cho răng sai sót trong viết báo chỉ nên chịu trách nhiệm dân sự chứ không phải các chế tài hình sự (Ảnh minh họa: Công Quang).

Đó là quan điểm được Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) đưa ra trong báo cáo nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng, công bố sáng 29/7.

Theo kết quả nghiên cứu, 46,8% công chức, viên chức và trên 45% người dân được hỏi nói rằng chỉ tố cáo hành vi tham nhũng khi liên quan đến quyền lợi của mình.

“Nghĩa là khi thấy có hiện tượng tham nhũng nhưng không liên quan đến mình thì họ không tố cáo. Nhìn chung việc người dân không sẵn sàng hay chỉ tố cáo khi quyền lợi của mình bị xâm hại đều xuất phát từ nhìn nhận một cách thiếu tích cực về cơ chế đảm bảo người tố cáo tham nhũng. Trong khi đó, những người tham gia khảo sát đánh giá cao vai trò của báo chí và có cái nhìn không mấy tích cực đối với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề hay thậm chí đại diện quyền lợi của chính mình tại địa phương như Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng”- kết quả nghiên cứu chỉ rõ.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng thực tế lực lượng báo chí đã phát hiện được nhiều vụ việc tham nhũng trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc. Do vậy để báo chí phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc phát hiện hành vi tham nhũng, việc cho phép mở rộng khả năng tiếp cận thông tin để các cơ quan truyền thông khai thác sẽ làm tăng tính chính xác, nhanh và hiệu quả hơn trong quá trình thu thập bằng chứng; đồng thời giúp báo chí sử dụng dễ dàng hơn các kỹ năng điều tra để phát hiện những trường hợp tham nhũng.

“Nhưng chỉ tiếp cận thông tin thì chưa đủ. Lực lượng báo chí cần có sự tin tưởng rằng với những bài viết của họ sẽ không khiến họ phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực. Điều này có thể khắc phục được bằng việc thay đổi luật pháp để những sai sót trong viết báo chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự, chứ không phải các chế tài hình sự sẽ giúp tăng cường quyền lực cho báo chí. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy báo chí luôn là công cụ đặc biệt hữu hiệu trong phát hiện các trường hợp có mối liên hệ mật thiết giữa các nhóm lợi ích và các nhà hoạch định chính sách”- đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học thanh tra khẳng định.

Thế Kha