1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Hàng trăm giếng nước bị ô nhiễm do thủy điện tích nước?

(Dân trí) - Từ ngày công trình thủy điện Bá Thước 2 ngăn đập tích nước, không hiểu vì lý do gì mà nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân ở một số xã trên địa bàn huyện Bá Thước bị ô nhiễm, có mùi hôi không sử dụng được. UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra, đề xuất các biện pháp khắc phục.

Hàng trăm giếng nước bị ô nhiễm

Qua tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua, hàng trăm giếng nước phục vụ sinh hoạt của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Lâm Xa và Lương Ngoại, huyện Bá Thước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nguồn nước sinh hoạt từ các giếng của hàng trăm hộ dân bị ô nhiễm, có mùi tanh
Nguồn nước sinh hoạt từ các giếng của hàng trăm hộ dân bị ô nhiễm, có mùi tanh

Người dân địa phương cho biết, trước đây, nguồn nước sinh hoạt từ các giếng bình thường, nhưng kể từ khi nhà máy thủy điện Bá Thước 2, do Công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa, thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai làm chủ đầu tư tiến hành ngăn dòng, tích nước thì nguồn nước giếng bắt đầu đổi màu, có mùi rất khó chịu.

Ông Khay Văn Long, khu phố 2, xã Lâm Xa cho biết, giếng của gia đình được đào sâu 12 m. Trước đây nước giếng trong vắt, nhưng kể từ khi thủy điện Bá Thước 2 ngăn đập, giếng nước gia đình bị đổi màu, có mùi hôi, không sử dụng được.

Theo báo cáo của UBND huyện Bá Thước, công trình thủy điện Bá Thước 2 đã ngăn đập và đi vào hoạt động sản xuất từ năm 2013, phạm vi vùng lòng hồ thuộc địa phận 8 xã: Thiết Ống, Lâm Xa, Ái Thượng, Ban Công, Tân Lập, Hạ Trung, Điền Lư và Lương Ngoại.

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đến nay cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên một số giếng nước sinh hoạt tại các khu dân cư vùng phụ cận lòng hồ có mùi hôi tanh, không sử dụng được. Cụ thể, tại xã Lâm Xa có 92 giếng, xã Lương Ngoại có 43 giếng.

Người dân các khu vực trên đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương, UBND huyện Bá Thước đã chỉ đạo phòng chức năng phối hợp với UBND các xã và Công ty thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa tổ chức xác định nguyên nhân, mức độ ô nhiễm.

Tuy nhiên do chưa đủ các điều kiện về chuyên môn nên hiện nay UBND huyện vẫn chưa xác định cụ thể được các nội dung trên.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Bá Thước đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các ban ngành chuyên môn cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, lấy mẫu xác định mức độ, nguyên nhân ô nhiễm tại các giếng nước sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực lòng hồ thủy điện Bá Thước 2; đồng thời có giải pháp khắc phục, tạo điều kiện cho người dân có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Hiện tượng nước sinh hoạt bị ô nhiễm xuất hiện từ khi nhà máy thủy điện Bá Thước 2 tích nước
Hiện tượng nước sinh hoạt bị ô nhiễm xuất hiện từ khi nhà máy thủy điện Bá Thước 2 tích nước

Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa - đã chỉ đạo, giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, Sở Y tế, UBND huyện Bá Thước, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra, đề xuất các biện pháp khắc phục, báo cáo UBND tỉnh.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, ngày 20/7, Sở NN&PTNT đã chủ trì cùng các ngành, địa phương liên quan đã đi thực địa, lấy mẫu nước và tổ chức hội nghị đề xuất các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nước sinh hoạt tại các hộ dân thuộc vùng ngập thủy điện Bá Thước 2.

Đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa giải quyết được

Ông Võ Minh Khoa - Phó chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, sáng ngày 20/7, đoàn liên ngành đã đi thực tế, lấy mẫu ở các giếng nước. Theo đánh giá bước đầu thì có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan là giếng của bà con hay đậy nắp kín, bao giờ cũng hấp hơi; thứ hai là vệ sinh môi trường, một số chuồng trại, ao hồ gần giếng cũng không tránh khỏi.

Nguyên nhân khách quan cũng có tích nước của thủy điện Bá Thước 2 và sự phân hủy của các thảm thực vật. Nhưng đó chỉ mới là những nhận định ban đầu của cơ quan chức năng.

Về phía nhà máy thủy điện Bá Thước 2 cũng đang tích cực hợp tác với ngành chức năng và chính quyền địa phương để giải quyết. Phương án là giao Sở Y tế thiết kế bộ lọc nước và giao nhà máy thủy điện hỗ trợ máy lọc.

Hàng trăm hộ dân đang khốn khổ vì nguồn nước bị ô nhiễm
Hàng trăm hộ dân đang khốn khổ vì nguồn nước bị ô nhiễm

Cũng theo ông Khoa, tình trạng này xuất hiện từ năm 2014, khi nhà máy thủy điện bắt đầu tích nước, phát điện. Hiện các ngành chức năng đã tiến hành lấy mẫu và sẽ phân tích 14 chỉ số trong các mẫu này.

Liên quan đến vấn đề tình trạng ô nhiễm đã xuất hiện từ lâu, nhưng đến nay các ngành chức năng mới vào cuộc, ông Khoa cho biết, huyện đã làm và nghiên cứu đủ phương pháp rồi. Đã có phương án hỗ trợ bà con mua máy nhưng bà con chưa đồng ý vì máy đưa vào sử dụng cục lọc rất nhanh hỏng, không được lâu dẫn đến rất tốn kém.

Phản ánh của bà con là đầu năm 2014 và bắt đầu có đề xuất, kiến nghị. Tới đây, trên cơ sở ý kiến kết luận của liên ngành sẽ báo cáo UBND tỉnh, chính thức phương án nào thì UBND tỉnh chỉ đạo mới thực hiện. Các ban ngành đề xuất phương án trước mắt là hỗ trợ cho các hộ xây bể lọc. Lâu dài đề nghị với tỉnh đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch để cung cấp nước cho các hộ.

Duy Tuyên