1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội 8 lần điều chỉnh địa giới: Đất không yên, lòng người không ổn

(Dân trí) - “Tư duy nhiệm kỳ, không có tính kế thừa nên cứ đời lãnh đạo này làm xong, hết nhiệm kỳ 5 năm, lãnh đạo khác lên lại chê Hà Nội hết lời, cho đập đi làm lại cái mới. Tôi nghĩ không có gì tốn kém hơn cho xã hội như vậy!” - nguyên Chủ tịch UBND Hà Nội Hoàng Văn Nghiên nói.

Ngày 17/8, tại Bảo tàng Hà Nội diễn ra hội thảo "Thủ đô Hà Nội truyền thống, nguồn lực, định hướng và phát triển". Hội thảo đã nhận được hơn 50 tham luận chia sẻ thẳng thắn về những kết quả tích cực đã đạt được cũng tồn tại của Hà Nội trong những năm qua.

Bài tham luận “Quản lý Hà Nội - một góc nhìn” của nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên cho đại biểu ngồi dự trong hội trường cảm nhận rõ những vấn đề khiến người đứng đầu chính quyền thủ đô một thời cảm thấy “đau ruột” và cần phải “nói cho vuông” mọi vấn đề.

img-7340-3dc4d
Ông Hoàng Văn Nghiên cho rằng, những lần Hà Nội chia tách chỉ có người làm con dấu là phát triển nhất

Theo ông Hoàng Văn Nghiên, trong hơn 50 năm qua (từ 1957-2008), Thủ đô Hà Nội có tới 8 lần biến động về địa giới hành chính, trong đó 4 lần thay đổi lớn kéo các tỉnh lân cận cũng biến động theo. Mỗi lần thay đổi như vậy phải quy hoạch lại cả thành phố. Mỗi lần thay đổi như vậy toàn bộ xã hội đảo lộn. Đặc biệt, sức người, sức của, tinh thần và vật chất đã bị cuốn hút vào những cuộc biến động mà không ai chịu trách nhiệm. Nguyên Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhận định, việc quản lý không tường minh như vậy đã khiến cho Hà Nội mang thuộc tính “bất an”.

“Cảm giác đau ruột nhất đó là quản lý không có tính kế thừa, tư duy nhiệm kỳ nên cứ đời lãnh đạo này làm xong, hết nhiệm kỳ 5 năm, lãnh đạo khác lên lại chê Hà Nội hết lời, cho đập đi làm lại cái mới. Tôi nghĩ không có gì tốn kém hơn cho xã hội như vậy!”, nguyên Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên nhận định về nguyên nhân khiến Hà Nội nghìn năm tuổi mà giờ vẫn thiếu ổn định.

Ông Nghiên cho biết, dù Hà Nội “bất ổn” như vậy nhưng chưa bao giờ việc nghiên cứu bài bản được đặt ra để tìm và chỉ rõ nguyên nhân từ nguồn quản lý, cách tổ chức quản lý vì sao lại như vậy. Dưới con mắt của nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, mọi việc vẫn bắt nguồn từ tư duy nhiệm kỳ, không có tính kế thừa cho nên “ai muốn phá gì thì phá”.

Cũng theo ông Nghiên, 8 lần Hà Nội thay đổi địa giới hành chính như vậy, chuyện không phải từ trên trời rơi xuống mà rõ ràng có tính chủ động. “Ông này lên huy động đầu tư, xây dựng theo ý mình, rất tốn công, tốn tiền của nhưng ông sau lên thấy không phù hợp lại xóa đi làm lại”, ông Hoàng Văn Nghiên phân tích thêm.

Theo lý giải của ông Nghiên thì cốt lõi mọi vấn đề đều xuất phát từ quan điểm “tân quan, tân chính sách” và tính đố kỵ. Những vấn đề đó là hậu quả do chiến tranh để lại. Chiến tranh không chỉ phá những thứ hiện hữu, có thể nhìn thấy mà nó còn gây tổn thất về văn hóa, đạo đức, tập quán, trong đó còn có cả nền móng quản lý.

“Qua 8 lần thay đổi từ năm 1957 đến 2008, tôi luôn nghĩ xem ai là người hưởng lợi nhất. Nghĩ mới thấy rằng những người làm con dấu phát triển kinh tế khá nhất. Bởi mỗi một lần thay đổi như vậy thì tất cả các con dấu lại phải làm lại”, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên không giấu giọng chua chát.

Điều mấu chốt ông Hoàng Văn Nghiên muốn chia sẻ qua tham luận của mình là thông điệp "nếu đất không yên thì lòng người cũng không ổn", việc quản lý khi đó vô cùng khó.

Ông Nghiên mong muốn những người làm khoa học đem lại sự hài lòng về chất lượng cuộc sống cho mọi công dân không chỉ công dân Hà Nội mà cho mọi công dân cả nước. “Dẫu biết đây là việc khó nhưng không ai trên đất nước này sẽ đến làm thay chúng ta, người dân Hà Nội phải làm”, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên chốt lại bài phát biểu của mình.

Quang Phong