Quảng Trị:
Gác chuyện du Xuân, nông dân đồng loạt ra đồng chăm sóc lúa
(Dân trí) - Sau mấy ngày vui Xuân, đón Tết, người dân tại các địa phương tỉnh Quảng Trị lại tất bật ra đồng để chăm sóc lúa và hoa màu. Do thời tiết thời gian qua không được thuận lợi nên bà con nông dân phải túc trực ngày đêm để dẫn nước vào ruộng, bón thúc cho lúa phát triển.
Ghi nhận của PV Dân trí, trong ngày 13/2 (tức ngày 6 Tết Âm lịch), người dân các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đã đồng loạt ra đồng để chăm sóc cho lúa. Những hộ chưa gieo sạ kịp trong năm thì tất bật làm đất để gieo lúa Đông - Xuân, còn những gia đình đã gieo sạ xong thì làm cỏ, tỉa dặm và bón thúc lúa, với hy vọng một vụ mùa thắng lợi.
Theo đánh giá của bà con nông dân, thời gian qua do thời tiết lạnh kèm theo sương muối nên lúa và hoa màu phát triển chậm. Một số diện tích lúa bị chết phải gieo lại để kịp lịch thời vụ. Ước tính, hơn 1.000 ha lúa tại tỉnh Quảng Trị bị hư hỏng do rét được ngành nông nghiệp chỉ đạo gieo cấy lại và tăng cường công tác chăm sóc cũng đang phát triển tốt.
Thời tiết những ngày Tết nắng ấm, tạo điều kiện thuận lợi cho cho cây trồng phục hồi và phát triển sau đợt rét đậm, rét hại vừa qua.
Canh tác 5 sào ruộng nên ngay những ngày đầu năm, chị Đoàn Thị Huệ, ở xã Gio Châu, huyện Gio Linh đã gác lại chuyện vui chơi để xuống đồng. Chị Huệ cho biết: "Lo xong 3 ngày Tết vui vẻ với gia đình, người thân rồi, ngày hôm nay tui cùng một số chị em ra đồng tỉa dặm lúa cho kịp thời vụ. Mấy ngày trước tết lạnh quá nên lúa chết hết. Đây cũng là giai đoạn lúa cần chất dinh dưỡng nên mình phải bón thúc".
Còn bà Nguyễn Thị Thương và một số nông dân khác phải túc trực ngày đêm để dẫn nước vào ruộng, làm cỏ và bón thúc cho lúa. Bà Thương cho hay, gia đình bà làm 4 sào nhưng do không dẫn nước về kịp nên lúa không phát triển. Chính vì vậy bà phải đợi cho nước về mới bón thúc. Bà Thương nói: “Cả nhà chỉ dựa vào mấy sào ruộng, nay Tết nhất xong rồi thì phải đi làm sớm để kịp cho lúa phát triển. Để ít bữa nữa lúa người khác đã lên xanh tốt còn lúa nhà mình lên chậm thì sẽ có nguy cơ mất mùa”.
Ngay từ ngày mồng 5 Tết, anh Hoàng Đức Chinh, ở huyện Vĩnh Linh đã xuống đồng dẫn nước và bón thúc cho lúa. Vụ Đông – Xuân năm nay, gia đình anh Chinh canh tác gần 3.000 m2 đất ruộng nên anh phải khẩn trương ra đồng. “Do thiếu nước nên mình phải đợi để bơm từ bên ngoài vào. Tranh thủ nước vào chỗ nào thì mình làm cỏ, bón thúc ở chỗ đó thôi, chứ đợi thêm vài ngày nữa thì sẽ chậm”.
Vụ Đông - Xuân 2015 – 2016, toàn tỉnh Quảng Trị gieo trồng hơn 70.000ha diện tích cây trồng các loại. Trong đó, tổng diện tích lúa hơn 25.000 ha. Một số địa phượng có năng suất và diện tích gieo trồng đạt hiệu quả cao trong nhiều năm qua như: huyện Triệu Phong, tổng diện tích vụ đông xuân 2015 - 2016 là 9.500 ha, trong đó lúa 5.700 ha, 3.700 ha hoa màu; huyện Hải Lăng có gần 10.000 ha, trong đó 6.800 ha lúa, huyện Vĩnh Linh, Gio Linh cũng có diện tích lúa khá lớn...
Vụ sản xuất Đông Xuân lần này dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thiệt hại nặng cho bà con do thời tiết. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các các địa phương và bà con nông dân thực hiện tốt phương án tổ chức sản xuất, ứng phó với khô hạn.
Trước nguy cơ hạn hán có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo công tác sản xuất nông nghiệp tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, khuyến cáo bà con chủ động sản xuất ngay từ đầu vụ, chọn giống cây trồng, chú ý công tác diệt chuột. Chính quyền các địa phương thường xuyên cử cán bộ đi kiểm tra chỉ đạo sản xuất, nhất là khi có các đợt rét đậm rét hại và có công văn chỉ đạo kịp thời để hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất và phòng chống thiên tai, dịch bệnh kịp thời, đạt hiệu quả.
Trong chuyến kiểm tra nông nghiệp đầu năm, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo địa phương giúp nông dân tổ chức sản xuất hợp lý, thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện, phòng trừ sâu bệnh hại lúa, hoa màu.
Cũng theo ông Đồng, một trong những vấn đề mà địa phương này quan tâm là bà con nông dân cần tích cực chủ động chống hạn vào cuối vụ Đông Xuân, có chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát lịch trình gieo cấy đúng thời vụ, có kế hoạch tiết kiệm, sử dụng nước tưới hợp lý trong vụ Đông Xuân năm nay cũng như đảm bảo nước tưới trong vụ Hè Thu 2016. Đồng thời chú trọng khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nhất là chuột phá hoại cây lúa để vụ đông xuân 2015 - 2016 đạt năng suất cao.
Đăng Đức – Tiến Nhất