1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Đường dây đánh bạc cho thấy tình trạng “khép kín” trong cơ quan chống tội phạm mạng

(Dân trí) - Thảo luận về dự án luật An ninh mạng chiều 4/4, nhiều đại biểu Quốc hội dẫn chứng vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ liên quan đến nhiều tướng lĩnh công an để cảnh báo việc thiếu công cụ trong đấu tranh với tội phạm mạng, cần cơ chế giám sát chéo để chống tình trạng “khép kín” trong lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng hiện nay.

Chiến tranh mạng, nhất quyết Bộ Quốc phòng chủ trì

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) ghi nhận nỗ lực của cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã 14 lần chỉnh sửa dự thảo luật, song cho rằng vẫn còn một số câu hỏi đặt ra.

“Phạm vi điều chỉnh của Luật khá rộng, nhưng một mặt có sự chồng chéo với nhiều luật khác (như luật Cơ yếu, luật Công nghệ thông tin…) trong khi lại bỏ sót một số hành vi cần phải cấm”, ông Xuân đề xuất bổ sung hai hành vi là khởi xướng chiến tranh mạng và cố ý gây nhiễu có hại.

Tán thành quan điểm này, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cảnh báo, cần chú trọng phòng chống chiến tranh mạng.

Được mời phát biểu về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Tuấn - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng) cho biết, nhiều nội dung trong dự thảo luật đã được đưa vào Luật Quốc phòng sửa đổi, cũng sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5. Theo đó, tác chiến không gian mạng là lĩnh vực do Bộ Quốc phòng chủ trì.


Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung thảo luận này

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung thảo luận này

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thống nhất để làm rõ vấn đề tác chiến không gian mạng, làm rõ chức trách nhiệm vụ của từng lực lượng.

“Tác chiến không gian mạng nhất thiết phải do Bộ Quốc phòng chủ trì. Các đồng chí hình dung như là tác chiến phòng thủ, diễn tập các cấp từ xã đến tỉnh rồi, toàn bộ do lực lượng quân sự chủ trì để tạo thành guồng máy để tác chiến. Không làm rõ thì khi chiến tranh xảy ra là phức tạp, cuối cùng không ai chịu trách nhiệm” – Đại tướng Đỗ Bá Tỵ phân tích.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ Quốc phòng có đầy đủ chiến lược về tác chiến. Khi tác chiến không gian mạng xảy ra thì tất cả thành phần trong tổ hợp chung do Bộ Quốc phòng chủ trì. Không phải vấn đề liên quan quân sự thì do Bộ Quốc phòng chủ trì, còn đối tượng khác do Bộ Công an chủ trì.

“Hết sức lưu ý vấn đề này vì khi chiến tranh xảy ra là rất phức tạp, không để quy định nhập nhằng chức năng của hai Bộ” – ông Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.

Tình trạng “khép kín” trong lực lượng bảo vệ an ninh mạng

Tán thành việc phải có quy định đảm bảo tính khả thi của việc xử lý hành vi sử dụng không gian mạng để vi phạm pháp luật, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) góp ý: “Với công nghệ hiện nay thì việc buộc doanh nghiệp nước ngoài đặt máy chủ ở Việt Nam không những khả thi mà còn không giải quyết được vấn đề, nhưng lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam thì rất quan trọng”.

Nói về quy định không bắt buộc phải đặt máy chủ tại Việt Nam nhưng những đơn vị cung cấp dịch vụ mạng thì cũng phải có cơ quan đại diện đặt tại Việt Nam, dữ liệu người dùng Việt Nam phải được quản lý tại Việt Nam, ông Vượt phân tích, Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu nào như Facebook, Google… để đáp ứng, thay thế nên quy định buộc các nhà cung cấp dịch vụ đặt máy chủ tại Việt Nam khó khả thi.

Hơn nữa, “máy chủ” hiện nay cũng không còn đơn thuần là một cỗ máy, một chiếc máy tính đặt đó mà các dữ liệu đều được lưu trữ, sử dụng với thuật toán đám mây, tức là máy chủ cũng… ảo chứ không phải thật nữa. Theo đó, buộc đặt “máy chủ ảo” ở Việt Nam càng khó khả thi.

Ngoài ra, theo ông Vượt, với công nghệ hiện nay, chỉ một máy tính cá nhân, một smart phone cũng có để điều hành cả một mạng xã hội. Vì vậy, quy định buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải có trụ sở, cơ quan đại diện tại Việt Nam cũng không khả thi.


Đại biểu Đinh Duy Vượt cho rằng, vụ án đường dây đánh bạc vừa được phát giác cho thấy tình trạng khép kín trong lực lượng chống tội phạm mạng

Đại biểu Đinh Duy Vượt cho rằng, vụ án đường dây đánh bạc vừa được phát giác cho thấy tình trạng "khép kín" trong lực lượng chống tội phạm mạng

Như vậy, chỉ có yêu cầu lưu giữ thông tin về người dùng Việt Nam thế nào mới là vấn đề quan trọng, cần chú ý. Việc này cũng đòi hỏi nền tảng, yêu cầu kỹ thuật rất cao nên ban soạn thảo cần lấy ý kiến chuyên gia nếu không thủ tục đề ra sẽ rất rườm rà, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Cũng theo đại biểu, cần có cơ chế giám sát chéo giữa các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, xử lý vi phạm các quy định về an ninh mạng.

“Nếu chỉ một trong các lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng do Bộ Công an làm từ đầu đến cuối, từ khâu xây dựng hệ thông tới đánh giá, kiểm tra, giám sát thì khó đảm bảo khách quan” – ông Vượt dẫn chứng, vụ đường dây đánh bạc trên mạng bộc lộ khá rõ tình trạng “khép kín” này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (thường trực UB Quốc phòng – An ninh) cũng nhận định, tình hình an ninh mạng chưa được đảm bảo. Thực tế từ vụ án đường dây đánh bạc hé lộ vừa qua cho thấy Việt Nam chưa đủ công cụ để đấu tranh với tội phạm mạng.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Uỷ viên thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội) cũng cho rằng việc xây dựng Luật an ninh mạng là cần thiết và nên tập trung vào mục tiêu phòng chống tội phạm mạng.

Đồng ý với việc có quy định quản lý dịch vụ mạng được cung cấp bởi doanh nghiệp nước ngoài, song đại biểu Nhưỡng khuyến nghị cân nhắc yêu cầu “lưu trữ thông tin cá nhân” hoặc “cung cấp dữ liệu của người sử dụng tại Việt Nam vì bí mật đời tư là quyền được Hiến định”. Theo đại biểu, yêu cầu này cần khoanh gọn lại một số trường hợp rất cụ thể.

P. Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm