1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dự án cao tốc nhà thầu Trung Quốc thi công có nguy cơ… “vỡ trận”!

(Dân trí) - “Nhà thầu đảm bảo năng lực tài chính, tập trung nhân vật lực, máy móc và nguồn vật liệu về công trường. Sắp tới mùa mưa, việc thi công càng khó khăn, vì vậy nếu giai đoạn này không tập trung tháo gỡ các vấn đề nội tại và dốc lực thi công thì việc thông xe dự án vào quý I/2018 rất khó khả thi, thậm chí vỡ trận”

Chiều 11/8, kiểm tra hiện trường thi công Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ không hài lòng khi tiến độ thi công đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi chậm trễ, công trường ngổn ngang.

Đây là đoạn tuyến do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn, nhà thầu thi công là Giang Tô, Sơn Đông (Trung Quốc) và Lotte E&C (Hàn Quốc).

Dự kiến, dự án sẽ thông xe vào quý I/2018 nhưng đến nay nhiều đoạn tuyến mới chỉ dừng lại ở việc đắp nền đường
Dự kiến, dự án sẽ thông xe vào quý I/2018 nhưng đến nay nhiều đoạn tuyến mới chỉ dừng lại ở việc đắp nền đường

Đoạn tuyến dài gần 70km nhưng các mũi thi công khá hạn chế; máy móc, vật liệu tập kết công trường không có dấu hiệu của việc vào cao điểm thi công.

Các gói thầu A1, A2, A3 mới chỉ dừng lại ở việc đắp nền đường, không ít vị trí vẫn còn bỏ lởm chởm cỏ mọc. Một số đoạn khác được thảm cấp phối đá dăm và thảm thử lớp bê tông nhựa.

Ban Quản lý Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi cho biết, hiện nay ngoài gói thầu A4 đạt hơn 88% tiến độ, cơ bản hoàn thiện các lớp bê tông nhựa C19, C12.5, các gói thầu còn lại mới chỉ đạt trên dưới 55%.

Đáng lo ngại, nhiều gói thầu sắp hết gia hạn hợp đồng nhưng khối lượng rất thấp. Ban Quản lý Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho rằng, nguyên nhân do tiềm lực nhà thầu, bất lợi mặt bằng…

Về phía nhà thầu, đại diện các nhà thầu Lotte, Giang Tô, Sơn Đông cho biết, 3 vấn đề chủ yếu dẫn tới chậm tiến độ hiện nay là vướng mắc trong công tác giải ngân, thanh toán bảo lãnh ngân hàng, trượt giá và vấn đề mặt bằng tồn đọng.

Trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay: Mặc bằng thi công đã cơ bản hoàn thành, phần lớn trên chính tuyến mặt bằng đã được bàn giao, vì vậy không thể “đổ lỗi” chậm tiến độ cho mặt bằng.

“Đang giai đoạn cao điểm nhưng trên hoạt động thi công rất thưa thớt, tình trạng bỏ trống công trường trải dài. Vấn đề chủ yếu của nhà thầu hiện nay là vốn, nguyên nhân là do bỏ thầu thấp nên nay không có tiền để triển khai thi công” - Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu chủ đầu tư Dự án và Ban Quản lý dự án phải phối hợp các Bộ ngành chức năng giải quyết vướng mắc cơ chế về bảo lãnh ngân hàng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nội nghiệp, cải tổ lại bộ máy điều hành, quản lý dự án.

Về vấn đề trượt giá, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng phải có khảo sát, đánh giá khách quan của đơn vị tư vấn độc lập, trên cơ sở đó, địa phương có biện pháp tháo gỡ.

“Nhà thầu đảm bảo năng lực tài chính, tập trung nhân vật lực, máy móc và nguồn vật liệu về công trường. Sắp tới mùa mưa, việc thi công càng khó khăn, vì vậy nếu giai đoạn này không tập trung tháo gỡ các vấn đề nội tại và dốc lực thi công thì việc thông xe dự án vào quý I/2018 rất khó khả thi, thậm chí vỡ trận”, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, nếu sắp tới tình hình không cải thiện thì Bộ sẽ có biện pháp mạnh. “Bộ không cho phép chần chừ, chậm trễ thêm. Nếu nhà thầu không đẩy nhanh thi công, tình hình không thay đổi thì Bộ sẽ kiên quyết xử lý” - Thứ trưởng Thọ cho biết.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, trong tuần tới tỉnh sẽ rà soát, xử lý các vướng mắc mặt bằng và dân cản trở thi công. Tỉnh này cũng đang chờ kết quả từ đơn vị tư vấn độc lập để đánh giá, có cơ chế đặc thù về trượt giá cho vùng dự án.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung. Dự án khởi công ngày 19/5/2013, đi qua địa phận các tỉnh/thành phố: TP. Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 139,52km, trong đó tuyến cao tốc có chiều dài 131,5km, đoạn nối tuyến cao tốc với Quốc lộ 1A có chiều dài 8,02km, được chia làm 13 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 1.640,82 triệu USD (tương đương 34.516 tỷ VNĐ); trong đó vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 798,56 triệu USD và vốn vay WB là 590,39 triệu USD.

Châu Như Quỳnh