Dự án bãi rác Đa Phước: “Đô la hoá quan hệ kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam”

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều “vấn đề”, vi phạm tại dự án xử lý rác thải Đa Phước và đề nghị UBND TPHCM thương thảo lại hợp đồng đã ký kết, đảm bảo đơn giá xử lý rác phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn vừa ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố cáo của công dân liên quan đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (TPHCM).

Dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư, đặt tại Quốc lộ 50, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TPHCM và hai huyện Cần Giuộc, Cần Đước (tỉnh Long An).

Năm 2015, dự án đã được nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày và được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước, TPHCM.
Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước, TPHCM.

“Trách nhiệm thuộc về UBND TPHCM”

Thanh tra Chính phủ cho biết, quá trình thẩm định dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản cho rằng năng lực tài chính đối với dự án này của chủ đầu tư còn yếu, chi phí xử lý rác quá cao so với dự án tương tự đã cấp phép, nhưng UBND TPHCM vẫn kiên quyết lựa chọn và tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ khi chưa xử lý đầy đủ các vấn đề mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra.

“Trách nhiệm này thuộc về UBND TPHCM cần tiến hành kiểm điểm đối với các tổ chức và cá nhân để rút kinh nghiệm”- Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ khẳng định dự án áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh truyền thống và sản xuất compost, không phải là dự án có công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại so với các nước phát triển nhưng phù với điều kiện, đặc điểm của TPHCM vào thời điểm đó. Quá trình triển khai thực hiện công nghệ này cũng bộc lộ những mặt hạn chế như phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ phát hiện TPHCM có những thiếu sót trong việc đàm phán về đơn giá xử lý rác. Mặc dù trong quá trình đàm phán về đơn giá với chủ đầu tư, các cơ quan tham mưu còn có ý kiến khác nhau nhưng UBND TPHCM vẫn có công văn thống nhất đơn giá mà chưa làm rõ các căn cứ pháp lý.

Theo giải trình thì cấu thành đơn giá xử lý rác 16,4 USD/tấn đã được trình bày trong hồ sơ dự án. Tổng chi phí của dự án trên 426,5 triệu USD (bao gồm chi phí đầu tư xây dựng và mua sắm máy móc thiết bị, đóng bãi gần 118 triệu USD; chi phí xử lý vận hành trên 308 triệu USD). Tuy nhiên, cơ quan thanh tra khẳng định tổng chi phí của dự án này được xây dựng chưa phù hợp với quy định Việt Nam. Việc xác định giá xử lý là 16,4 USD/tấn không tuân theo các định mức kinh tế kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng ban hành và hướng dẫn áp dụng là chưa đủ căn cứ pháp lý.

“Việc định giá (niêm yết) và ký kết hợp đồng bằng USD và thanh toán theo tỷ giá bán ngoại tệ của Ngân hàng Vietcombank về bản chất là đô la hoá quan hệ kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam, vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối”- Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Từ đó đề nghị UBND TPHCM tổ chức kiểm điểm và rà soát, thương thảo lại hợp đồng đã ký kết, đảm bảo đơn giá xử lý rác phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Phát tán mùi hôi ra môi trường, ảnh hưởng đến người dân

Trong thời gian vận hành Khu xử lý chất thải Đa Phước từ năm 2007 đến nay, mặc dù Công ty VWS đã có những biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhưng trong từng thời điểm vẫn còn để xảy ra phát tán mùi hôi ra môi trường, ảnh hưởng đến một số hộ dân sinh sống ở xung quanh. Một số chỉ tiêu về môi trường vượt mức cho phép.

Về nội dung tố cáo “giúp cho dự án xử lý rác Đa Phước sớm được lấp đầy, tạo điều kiện cho Công ty VWS sớm được làm sân golf”, Thanh tra Chính phủ thông tin: Hiện nay chưa có văn bản chính thức nào từ các cơ quan chức năng về chủ trương quy hoạch sân golf tại địa điểm này. Công ty VWS cũng đang có ý tưởng sau khi đóng bãi sẽ xây dựng nơi đây thành trung tâm công viên cây xanh và cơ sở thể dục thể thao nhưng chưa có dự án cụ thể.

Ngoài ra, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2015 Công ty VWS triển khai giai đoạn 2 của dự án, nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 10.000 tấn/ngày chưa được Bộ Xây đựng phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở. Công ty chưa hoàn thiện công trình xử lý nước thải theo yêu cầu của ĐTM nhưng đã tiếp nhận và xử lý chất thải rắn với công suất 5.000 tấn/ngày nên đã xảy ra các vi phạm về bảo vệ môi trường. Tổng cục Môi trường đã ra quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 1,6 tỷ đồng.

Cơ quan thanh tra đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TPHCM nghiên cứu, rà soát khả năng tiếp nhận và xử lý rác thải của Công ty VWS, trường hợp không đáp ứng phải có biện pháp chuyển bãi rác thải đến các vị trí, cơ sở thu gom, xử lý có chức năng khác đang hoạt động trên địa bàn TPHCM.

Thế Kha