TPHCM:
Đội mưa dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ
(Dân trí) - Nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2015), khắp mọi miền Tổ quốc, hàng vạn đoàn viên thanh niên, người dân đã tới các nghĩa trang liệt sĩ dâng hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM là nơi yên nghỉ của hơn 15 ngàn anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước. Dưới tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh chị đã yên nghỉ trong niềm thương nhớ của đồng đội và đồng bào.
Chiều 26/7, trời mưa to dữ dội nhưng nhiều bạn trẻ vẫn đến Nghĩa trang Thành phố thật sớm thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ. Bất chấp cơn mưa nặng hạt, những bạn trẻ khoác áo mưa thành kính nâng hương bước từng bước chậm rãi đến chân tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng để dâng hương.
Từ 18h, buổi lễ bắt đầu. Đại diện các ban ngành, lãnh đạo của Thành phố đã đặt vòng hoa, dâng hương, thắp nến tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, hàng ngàn thanh niên kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm và tri ân trước anh linh các bậc tiền nhân đã đổ xương máu cho đất nước độc lập, thống nhất.
Khoảng 7h30, lễ thắp nến và dâng hương kết thúc. Tuy nhiên, trong khuôn viên nghĩa trang bao la vẫn còn hàng trăm bạn trẻ nán lại để thắp hương lên từng phần mộ liệt sĩ bất chấp trời đang đổ mưa to. Nhiều bạn trẻ đến muộn vẫn đội áo mưa nghiêm trang dâng hương cúi đầu thành kính bái vọng các anh hùng liệt sĩ.
Sinh viên Trần Văn Thanh, người cầm đuốc trong buổi lễ, chia sẻ: “Đây là lần thứ hai mình tham gia lễ dâng hương kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ. Được sinh ra trong thời bình, mình biết ơn sâu sắc anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để có hòa bình hôm nay”.
Cũng trong chiều ngày 26/7, trong cơn mưa phùn rả rích ở Anh Sơn (Nghệ An), hàng nghìn người dân là thân nhân các anh hùng liệt sĩ, các tổ chức chính trị xã hội, người dân địa phương, đoàn viên thành viên các cơ quan đơn vị đã hướng về Nghĩa trang liệt sỹ Việt Lào. Đây là nơi an nghỉ của gần 10.500 hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam và các chuyên gia hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và nhiệm vụ quốc tế cao cả. Trong hơn 1 vạn liệt sĩ được an táng tại đây chỉ có hơn 3.500 phần mộ có tên tuổi, quê quán. Gần 7.000 phần mộ còn lại mang chung một tấm bia buốt nhói tâm can: Liệt sĩ chưa biết tên.
Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào (Anh Sơn, Nghệ An) trong hàng nghìn ngọn nến tri ân.
Trước những phần mộ, những ngọn nến được thắp lên. Cả nghĩa trang lung linh trong ánh nến thành kính. Mưa vẫn rơi, dòng người vẫn lặng lẽ tri ân các anh hùng liệt sĩ. Những bông hoa cúc, hoa sen được đặt lên những phần mộ có tên hay chưa biết tên. Cả khu vực nghĩa trang rộng lớn thơm mùi hương và lặng đi trong tiếng trầm hùng của những hành khúc.
3 người phụ nữ ngồi xuống bên phần mộ liệt sĩ, khe khẽ gọi tên “Thanh ơi, em ơi”. Giọt nước mắt nhòe trên khuôn mặt đầy những nếp nhăn. Họ là những người chị gái, chị dâu của của liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh (quê xã Hưng Thái, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Những bông huệ trắng được đặt lên mộ chí, anh ngã xuống khi chưa có một mái ấm cho riêng mình. Trong khói hương trầm mặc, những tiếng gọi tha thiết như vọng vào lòng đất...
Phủ phục bên nấm mồ của liệt sĩ Nguyễn Văn Ninh, bà Đậu Thị Bình không còn nước mắt để khóc thương chồng. Từ huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), bà Bình cùng cô con gái duy nhất của liệt sĩ Ninh bắt xe khách từ sớm để đến đây. “Hồi ông ấy đi, con Bình (chị Nguyễn Thị Bình – SN 1965) mới được 7 tháng tuổi. Ông ấy đi, đi mãi… Giải phóng, tôi nhận được giấy báo tử của chồng. Anh Ninh ơi…”, bà như nghẹn lại bởi nỗi đau quá lớn, nỗi đau của người vợ mất chồng, nỗi đau của người phụ nữ vò võ hàng chục năm trời thờ chồng nuôi con trong bộn bề khốn khó.
Mưa vẫn rơi nhưng những ngọn nến trước các phần mộ vẫn lung linh tỏa sáng. Những ngọn nến được những đoàn viên thanh niên thắp lên, trang nghiêm và thành kính đặt trước các phần mộ. Ngọn nến của lòng tri ân, ngọn lửa của tình yêu nước được tiếp nối từ những người đã ngã xuống đến thế hệ trẻ hôm nay...
Một số hìhh ảnh PV Dân trí ghi lại trong đêm thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào tối 26/7:
Một cháu bé thắp hương trước phần mộ liệt sĩ.
Tối 26/7, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9.
Trong những năm chiến tranh, mảnh đất nằm giữa khúc ruột miền Trung - Quảng Trị là chiến trường khốc liệt với biết bao mất mát, đau thương. Quảng Trị đã trở thành “đất thiêng”, với mỗi tấc đất, mỗi dòng sông, gốc cây, ngọn cỏ đã in dấu bao người con ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Không ở nơi đâu trên đất nước này lại có nhiều nghĩa trang, nhiều mộ phần liệt sĩ như Quảng Trị, với 72 nghĩa trang cùng hơn 54 ngàn mộ liệt sĩ; trong đó có hai nghĩa trang quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9
Trong không khí trang nghiêm, đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương đã kính cẩn dâng hương, dâng hoa lên đài tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.
Tiếp đó, những ca khúc mang chủ đề “Đường 9 – Bản anh hùng ca bất tử” được cất lên nhằm ca ngợi một thời hào hùng chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến.
Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đoàn, ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã kêu gọi tuổi trẻ cả nước tiếp tục nêu cao tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” bằng tình cảm sâu sắc và những việc làm thiết thực, tích cực thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước…
Trong dịp này, ban tổ chức đã tiến hành tặng 9 suất quà, mỗi suất quà trị giá 5 triệu đồng cho các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; 10 suất quà, mỗi suất 2 triệu đồng cho Mẹ Việt Nam anh hùng; 2 suất quà, mỗi suất 5 triệu đồng cho Ban Quản lý nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9.
Nhằm ghi nhớ công ơn của các vị anh hùng, liệt sĩ, trong khoảnh khắc linh thiêng đầy xúc động, các đoàn viên, thanh niên đã tổ chức thắp nến tại phần mộ của 10.500 liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9.
Lễ thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ có sự tham gia của hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên, sinh viên tỉnh Quảng Trị và các tỉnh Bắc Trung bộ, Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương sẽ dâng hương, thắp nến tại 10.500 phần mộ liệt sĩ.
Cùng thời điểm trên, tại 72 nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói riêng và 2.861 nghĩa trang trên khắp mọi miền Tổ quốc đều đồng loạt được các đoàn viên, thanh niên thắp nến và dâng hương tri ân.
Thông qua hoạt động này cũng nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bất khuất, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ trong thời đại mới.
Tối ngày 26/7, tại Nghĩa trang Liệt sỹ Núi Nài (phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) Thành đoàn TP Hà Tĩnh phối hợp với Trường Đại học Hà Tĩnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đêm thắp nến tri ân. Tham dự buổi lễ thắp nến tri ân có gần 1.000 đoàn viên thanh niên đến từ Thành đoàn TP Hà Tĩnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh và Trường Đại học Hà Tĩnh cùng hàng trăm thân nhân của các anh hùng liệt sỹ và người dân địa phương
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, mọi người kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các anh hùng liệt sỹ và thắp nén nhang thơm để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc, lòng biết ơn, ghi nhớ công lao to lớn của các liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc.
Cũng trong chương trình, thành đoàn TP Hà Tĩnh đã trao tặng những phần quà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sỹ.
Trước đó vào sáng cùng ngày (26/7), tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra lễ trồng cây xanh.
Chương trình có sự tham dự của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình; Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai Bộ Trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, lãnh đạo Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, Tổng Cục Môi Trường, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn, lãnh đạo các ban ngành cùng đông đảo các đoàn viên thanh niên, nhân dân xã Đồng Lộc.
Tại đây, các đại biểu, hàng trăm đoàn viên thanh niên, học sinh cùng người dân xã Đồng Lộc đã tham gia trồng 5.612 cây sao đen, cây keo tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, với trị giá hơn 300 triệu đồng.
Xuân Duy - Hoàng Lam - Đăng Đức - Xuân Sinh