Kon Tum:

Đèo Lò Xo “tử thần” và chuyện của đội cứu hộ đặc biệt

(Dân trí) - Nhiều năm nay trên đèo Lò Xo (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, có số thương vong lớn. Chính vì vậy, vào năm 2014, một đội thanh niên tình nguyện cứu hộ, cứu nạn xã Đăk Man (huyện Đăk Glei) đã được thành lập để ứng cứu kịp thời khi có tai nạn tại đây.

Vị trí đèo Lò Xo thuộc địa phận huyện Đăk Glei (Kon Tum) và một phần của tỉnh Quảng Nam. Địa hình đèo hiểm trở, cách TP Kon Tum gần 100km và cách huyện khoảng 10km. Chính vì vậy, khi có một vụ tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra thì lực lượng chức năng thường mất rất nhiều thời gian để ứng cứu.

Với đặc thù đèo quanh co, hiểm trở, bên vực, bên núi nên khi các xe đi qua đoạn đèo thường phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, dễ mất phanh lao xuống vực sâu. Đã có những tai nạn thương tâm xảy ra lên đến hàng chục người chết như vào năm 2005 đã có 30 người cựu chiến binh bỏ mạng nơi “cổng trời” Tây Nguyên này. Mới đây vào tháng 3/2018 lại một chiếc xe khách lao xuống vực sâu khiến 1 người tử vong và 19 người bị thương. “Nước mắt chưa khô” thì vào ngày 16/6/2018 lại một chiếc xe khách lao xuống vực sâu 20 mét khiến 3 người tử vong và 18 người bị thương.


Đội cứu hộ của xã Đăk Man đã phối hợp cùng lực lượng chức năng để cứu người bị nạn trên đèo Lò Xo

Đội cứu hộ của xã Đăk Man đã phối hợp cùng lực lượng chức năng để cứu người bị nạn trên đèo Lò Xo

Liên tục các vụ xe lao xuống vực như vậy nhưng lực lượng chức năng rất khó tiếp cận với hiện trường hoặc thời gian đến rất lâu phần nào ảnh hưởng đến công tác cứu hộ, cứu nạn. Chính vậy nên UBND xã Đăk Man đã quyết định thành lập đội thanh niên sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo. Đội có 10 thành viên tuổi đời đều khá trẻ, trong đó 9 thành viên là người dân tộc thiểu số Giẻ-Triêng.

Với những kĩ năng đã được tập huấn thì đội cứu hộ đã sơ cứu người tại hiện trường và đưa đi cấp cứu kịp thời, tránh được những thương vong tối thiểu
Với những kĩ năng đã được tập huấn thì đội cứu hộ đã sơ cứu người tại hiện trường và đưa đi cấp cứu kịp thời, tránh được những thương vong tối thiểu

Tâm sự với chúng tôi về những lần cứu giúp người trên đèo Lò Xo, bác sĩ Lê Huy Thanh (Trưởng Trạm y tế xã Đăk Man, Phó đội hỗ trợ giao thông) cho biết: "Tôi tham gia được 4 năm rồi, các vụ tai nạn đa số đều là đêm khuya và rạng sáng nên lực lượng rất khó tiếp cận mà phải huy động đội ngũ tại chỗ. Mỗi vụ tai nạn tôi đều nhận được điện thoại đầu tiên sau đó huy động các anh em đến hiện trường để cùng giúp đỡ ứng cứu nạn nhân. Vì chúng tôi biết, nếu chỉ cần chậm trễ 1 phút cũng sẽ có rất nhiều nạn nhân thiệt mạng vì không được cứu giúp kịp thời…”.

Đội cứu hộ tai nạn luôn có mặt nhanh chóng, kịp thời để ứng cứu người bị nạn
Đội cứu hộ tai nạn luôn có mặt nhanh chóng, kịp thời để ứng cứu người bị nạn

“Theo đó, kinh nghiệm ứng cứu của những thành viên trong đội ngày càng được tích lũy. Ví dụ như vụ tai nạn vào tháng 3/2018 vừa rồi tôi bắt được cuộc điện thoại vào lúc 3h tối và sau đó đã huy động gần 10 người là thành viên của đội để kịp thời tới hiện trường. Lúc đó là thấy “biển người” kêu cứu thất thanh. Các thành viên trong đội cùng phân công nhau, người phá cửa cứu người, người cõng lên. Vì đường khó đi nên chúng tôi phải cột dây vào người, rồi cõng nạn nhân lên. Với việc cứu hộ khẩn trương, kịp thời đã giảm thương vong đáng kể. Hay vụ tai nạn vừa xảy ra cũng vào khoảng 2h tối thì tôi nghe điện của CSGT để báo có vụ tai nạn và yêu cầu lực lượng bên đội hỗ trợ. Lập tức chúng tôi đã cùng với 6 anh em trong đội đi đến khu vực xã Đăk Pét để cứu người. Những người còn đi được thì chúng tôi dìu đi, còn những người nặng thì dùng cáng…”, anh Thanh bộc bạch thêm.

Lực lượng đội cứu nạn đã phối hợp xử lý sự cố giao thông trên đèo
Lực lượng đội cứu nạn đã phối hợp xử lý sự cố giao thông trên đèo

Anh Đinh Văn Hoàng (thành viên trong đội cứu nạn) cho biết: "Vào vụ ngày 16/6 vừa qua thì tôi nghe anh Thanh gọi điện báo có chiếc xe lật ở dưới khe suối vậy là ngay trong đêm chúng tôi cùng nhau tới hiện trường. Để cứu được người chúng tôi phải phát cỏ rồi đỡ từng người đi vòng một còn đường khác mới lên được…Anh em chúng tôi vào đội cứu nạn này đều trên tinh thần tự nguyện giúp người, bởi riêng bản thân tôi đã chứng kiến bao vụ tai nạn thảm khốc xảy ra và nhân lực thiếu…”.

Để cứu được những người trong xe thì đội cứu nạn đã phát cỏ, cõng người đi một đường vòng đi một khoảng xa
Để cứu được những người trong xe thì đội cứu nạn đã phát cỏ, cõng người đi một đường vòng đi một khoảng xa

Ông A Lê Mai, Chủ tịch UBND xã Đăk Man cho biết, con đường Hồ Chí Minh này rất nguy hiểm, xã lại nằm gần trên đỉnh đèo nên công tác cứu hộ khi có giao thông là thường xuyên, vậy nên xã đã lập nên đội này. Với tinh thần tự nguyện, những thanh niên của một số làng như Đông Nay, Đông Lốc, Măng Khênh đã cùng đăng kí tham gia để khi có sự cố thì họ sẽ luôn sát cánh bên nhau, giúp đỡ những người bị nạn một cách nhanh nhất…

“Để công tác cứu người một cách nhanh nhất thì chúng tôi luôn tập huấn cho đội cứu nạn những kĩ năng sơ cứu người và đưa người ra khỏi khu vực nguy hiểm..Sau hơn 4 năm tham gia ứng cứu hàng chục vụ tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo thì 10 thành viên Đội thanh niên tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và ngày càng chuyên nghiệp hơn trong việc cứu giúp người gặp nạn…”, ông Mai cho biết thêm.

Phạm Hoàng