1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề nghị xử lý hình sự hành vi bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước

(Dân trí) - Trước thực tế hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, bịa đặt lan truyền những nội dung sai sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày càng gia tăng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đề nghị bổ sung quy định tình tiết phạm tội đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân phát biểu tại hội trường (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân phát biểu tại hội trường (Ảnh: Quochoi.vn)

Thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng hiện nay hoạt động tuyên truyền, chống phá, xuyên tạc, bịa đặt lan truyền những nội dung biết rõ là sai sự thật nhằm bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày càng gia tăng, nhất là vào các thời điểm chính trị nhạy cảm như Đại hội Đảng, bầu cử đã tạo dư luận xấu, gây hoang mang, giảm sút niềm tin của nhân dân, không chỉ đối với cá nhân các lãnh đạo mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

“Để đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả đối với loại hành vi này, tôi đề nghị bổ sung quy định tình tiết phạm tội đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới cũng đã quy định hành vi này vào trong Bộ luật Hình sự”- bà Xuân nêu quan điểm.

Đề xuất bổ sung tội hoạt động phỉ

Về việc Bộ luật hình sự năm 2015 bỏ điều luật quy định về tội hoạt động phỉ tại Điều 83 Bộ luật hình sự năm 1999, theo đại biểu Xuân, sẽ dẫn đến bỏ lọt hành vi cướp phá tài sản nhằm chống chính quyền nhân dân.

“Tuy nhiên, qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này cho thấy việc đưa hành vi cướp phá tài sản nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân vào Điều 112, tội bạo loạn để xử lý hành vi này là không phù hợp. Bởi lẽ, đặc trưng của loại tội bạo loạn là các hành vi hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân nhưng không có mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, hành vi cướp phá tài sản nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân của tội hoạt động phỉ là có yếu tố chiếm đoạt tài sản, địa điểm xảy ra cũng ở những vùng hiểm yếu, khu vực rừng núi, biên giới, hải đảo”- bà Xuân phân tích.

Bên cạnh đó, tội hoạt động phỉ còn có yếu tố về mặt khách quan, đó là hành vi lén lút, bí mật chứ không công khai như tội bạo loạn. Đây là hành vi rất đặc trưng và phổ biến của tội hoạt động phỉ đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hình sự. Nếu xử lý theo tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân thì sẽ không bao quát hết được hành vi cướp phá tài sản của tội hoạt động phỉ.

“Thực tế như chúng ta đã biết, năm 2011 việc kích động tụ tập hàng ngàn người trong hoạt động xưng đón vua ở Mường Nhé, Điện Biên, các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự của tỉnh Điện Biên đã bắt giữ, điều tra, truy tố và kết án hàng chục đối tượng hoạt động phỉ với các hình phạt rất nghiêm khắc. Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị phải bổ sung điều luật quy định về tội hoạt động phỉ như Bộ luật hình sự năm 1999”- đại biểu Xuân kiến nghị.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) lại cho rằng, qua nghiên cứu Bộ luật Hình sự năm 1985, 1999 và năm 2015 cho thấy cấu thành tội phạm của các tội bạo loạn, tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, tội phá hủy cơ sở vật chất, kĩ thuật của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều đã được phân định rất hợp lý, rõ ràng cấu thành của ba tội danh này và được thể hiện qua các hành vi nguy hiểm đặc trưng của từng tội danh.

Hơn nữa, các hành vi cướp phá tài sản hoặc hành vi phá hủy tài sản của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vừa khó phân biệt, vừa không phải là hành vi phản ánh đặc trưng của tội bạo loạn và tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.

Nếu bổ sung các hành vi này vào các tội danh trên thì trên thực tế sẽ còn nhiều hành vi nguy hiểm tương tự cũng cần phải bổ sung như hành vi cố ý gây thương tích, hành vi hãm hiếp, hành vi làm nhục cán bộ, công chức hoặc người khác nhằm chống chính quyền nhân dân, hành vi cưỡng đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân.

“Có một số ý kiến cho rằng việc bổ sung các hành vi nên trên là để giữ lại tội hoạt động phỉ trong Bộ luật Hình sự 1999 trước đây nhằm đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, theo tôi là không cần thiết. Bởi lẽ các hành vi nguy hiểm trong cấu thành của tội hoạt động phỉ trước đây thực chất đã được thể hiện trong các điều luật tương ứng của Bộ luật Hình sự năm 2015”- ông Hiển khẳng định.

“Luật sư tố giác thân chủ khác nào cha đạo tố con chiên vừa xưng tội"

Đại biểu Nguyễn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị loại bỏ chủ thể luật sư ra khỏi Khoản 3 Điều 19 dự thảo luật quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 của bộ luật này.

Đại biểu Nguyễn Chiến phân tích bất hợp lý tại điều 19 dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Chiến phân tích bất hợp lý tại điều 19 dự thảo luật.

“Luật sư bào chữa theo chế định đặc thù do Hiến pháp và Luật Luật sư quy định khác với bào chữa viên là người khác không chịu sự điều chỉnh của Luật luật sư và quy tắc đạo đức luật sư Việt Nam. Không thể đánh đồng luật sư với chủ thể là bố, mẹ, anh, chị, em người phạm tội như dự thảo. Việc đưa chủ thể luật sư vào xử lý hình sự không có sự khảo sát đánh giá tác động tính nguy hại cho xã hội, cần điều chỉnh bằng chế tài hình sự hành vi này có mức độ nguy hại thế nào, có coi là tội phạm và phải bị trừng trị bằng biện pháp hình sự hay không và trong quá trình thực thi Bộ luật hình sự thì luật sư đã có những vi phạm phải xử lý như thế nào”- ông Chiến phân tích.

Ông Chiến khẳng định quy định này đẩy luật sư không những vi phạm điều cấm đối với luật sư của Bộ luật tố tụng hình sự, vi phạm Luật luật sư mà còn vi phạm quy tắc đạo đức nghề luật sư, như cấm luật sư tiết lộ bí mật của thân chủ không làm xấu đi tình trạng của khách hàng do mình bào chữa.

“Luật sư đi tố giác thân chủ khác nào cha đạo đi tố con chiên vừa xưng tội, chỉ một vụ luật sư tố giác thân chủ thôi, xã hội có còn tin để nhờ luật sư bào chữa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ nữa hay không? Trên thế giới có bao nhiêu nước coi hành vi không tố giác thân chủ là tội phạm hay họ chỉ bằng quy phạm đạo đức để điều chỉnh?”-ông Chiến gay gắt.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng tha thiết đề nghị Quốc hội, ban soạn thảo xem xét lại quy định này, bởi đang gây ra những băn khoăn, lo lắng trong cộng đồng luật sư ở Việt Nam.

Thế Kha