1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đắk Lắk:

Đất rừng toàn nằm trong tay cán bộ?

(Dân trí) - Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của tỉnh Đắk Lắk diễn ra ngày 5/1, ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch UBND huyện Ea Súp (Đắk Lắk) - cho biết vừa qua UBND huyện Ea Súp đã yêu cầu các cán bộ, đảng viên kê khai việc quản lý, sử dụng đất rừng.

Qua đó, khoảng 50% cán bộ kê khai đang sử dụng, quản lý khoảng 2.000 ha đất rừng. Diện tích này phần lớn đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và số cán bộ còn lại vẫn chưa có kê khai cụ thể.

Hiện trường một vụ phá rừng tại Đắk Lắk
Hiện trường một vụ phá rừng tại Đắk Lắk

Về lý do của việc kê khai, ông Đông cho rằng dư luận địa phương xôn xao về việc cán bộ, đảng viên sử dụng đất rừng nên đã yêu cầu kê khai. Đồng thời, việc kê khai là để xác định được mốc thời gian sử dụng đất rừng để rà soát, phân loại và có những xử lý theo quy định đối với cán bộ có sai phạm.

Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cũng đã báo cáo nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, xâm chiếm, tranh chấp đất rừng đang rất “nóng” trên địa bàn huyện thời gian qua.

Theo đó, số liệu thống kế chưa đầy đủ hiện nay huyện đã có trên 10.000 ha đất rừng bị lấn chiếm trái phép. Trong năm 2017, trên địa bàn đã xảy ra 4 vụ tranh chấp đất đai khiến 2 người chết, nhiều người bị thương.


Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ tranh chấp đất khiến 8 người thương vong tại Ea Súp xảy ra vào tháng 12/2017

Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ tranh chấp đất khiến 8 người thương vong tại Ea Súp xảy ra vào tháng 12/2017

Ông Đông cũng cho rằng, nguyên nhân để xảy ra mất rừng, tranh chấp đất đai là do các doanh nghiệp được nhà nước giao đất buông lỏng quản lý và không thực việc việc phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng; cán bộ doanh nghiệp được giao quản lý bảo vệ rừng lại lại xâm chiếm đất rừng; người dân xâm lấn đất rừng khi tranh chấp thì không báo chính quyền địa phương giải quyết mà tự xử lý và việc di cư tự do đến huyện rất lớn (hiện có khoảng 4.000 người).

Về trách nhiệm của chính quyền, ông Đông cũng khẳng định: “Vai trò quản lý nhà nước, trấn áp tội phạm chưa quyết liệt, công tác phòng ngừa chưa hiệu quả, sự phối hợp các ngành chức năng trong công tác quản lý bảo vệ rừng chưa nhịp nhàng, còn đùn đẩy trách nhiệm”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hải Ninh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - đã đề xuất sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm phân tích, đề ra giải pháp quản lý bảo vệ rừng và đất rừng cũng như xem xét trách nhiệm liên quan. Ông Ninh cũng cho rằng tình hình trật tự an toàn xã hội tại huyện Ea Súp đang rất phức tạp.

Mới đây, vào chiều ngày 16/12/2017, tại tiểu khu 263 ở xã Ea Bung, huyện Ea Súp đã xảy ra vụ hỗn chiến tranh chấp đất canh tác giữa 2 nhóm người khiến 1 người chết, 7 người bị thương. Cơ quan chức năng đã khởi tố bắt tạm giam 7 người có liên quan đến vụ án để điều tra, làm rõ.

Thúy Diễm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm