Dàn nhạc nước 200 tỷ đồng: "Món quà" của ông Bí thư (!)

(Dân trí) - Dù đã từng bị dừng lại do kinh tế suy thoái, bị dư luận phản ứng và vấp phải sự e dè từ các ngành chức năng… nhưng công trình nhạc nước Hải Phòng bằng mọi giá vẫn cứ chào đời. Để rồi công trình ngốn tới 200 tỷ đồng tiền ngân sách phơi mưa, phơi nắng như thách thức dư luận.


Sau hơn 1 năm kể từ lần trình diễn đầu tiên, dàn nhạc nước dưới sự quản lý của chủ đầu tư đã trở nên xuống cấp, han gỉ.

Sau hơn 1 năm kể từ lần trình diễn đầu tiên, dàn nhạc nước dưới sự quản lý của chủ đầu tư đã trở nên xuống cấp, han gỉ.

Thực hiện bằng mọi giá...

Dự án công trình nhạc nước trên hồ Tam Bạc được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt có mức đầu tư lên tới hơn 200 tỷ đồng, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) được giao làm chủ đầu tư.

Công trình nhạc nước này ngay từ khi manh nha hình thành vào năm 2012 đã vấp phải sự e dè của các ngành chức năng liên quan bởi thiết kế quá khác biệt so với các dàn nhạc nước ở nơi khác và bởi mức kinh phí quá “khủng”.

Cụ thể, dàn nhạc nước Hải Phòng không được thiết kế theo dạng sân khấu, không có vị trí dành riêng cho người dân thưởng thức. Công trình nằm trong khu vực đông dân cư, liền kề 2 tuyến đường Quang Trung và Nguyễn Đức Cảnh có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông đông đúc.

Tuy nhiên bỏ qua tất cả, dự án vẫn được quyết ngay vào năm 2012, Công ty TNHH Sơn Lâm được chỉ định làm nhà thầu và Sở VH-TT-DL được giao làm chủ đầu tư.

Ban đầu, dự án được chỉ đạo phải xong ngay trong năm Du lịch quốc gia (2013) được tổ chức tại Hải Phòng. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, ông Dương Anh Điền khi đó là Chủ tịch UBND thành phố đã cho phép các sở, ngành, nhà thầu… được vận dụng tối đa các thủ tục đầu tư, thủ tục đấu thầu...

Lúc này dự toán của công trình là 238 tỷ đồng, các ngành đã thẩm định xong, chỉ chờ quyết định là thi công. Tuy nhiên thời điểm này kinh tế đang suy thoái nên dự án tạm gác lại.


200 tỷ đồng nhếch nhác giữa lòng hồ.

200 tỷ đồng nhếch nhác giữa lòng hồ.

Sau hơn 1 năm án binh bất động, đến cuối 2014, dự án nhạc nước được tái khởi động. Theo nguồn tin của PV Dân trí, một dự án lớn nhưng nhất cử nhất động của dự án đều căn cứ vào đề xuất của Công ty TNHH Sơn Lâm. Thậm chí đơn vị này còn được đặc cách bàn thảo với UBND thành phố để lựa chọn công nghệ và thiết bị.

Khi dự án chính thức được triển khai, đích thân ông Dương Anh Điền chỉ đạo phải hoàn thành trước 30/4/2015 vì đây là thời điểm chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Hải Phòng. Cùng với chỉ đạo này, tất cả các phương án từ các sở, ngành trình lên đều qua ông Điền xem xét.

Nhạc nước là nhạc một nơi, nước một nẻo!

Dàn nhạc nước ngay khi chào đời đã nhận rất nhiều bức xúc trong người dân. Thậm chí, tại nhiều kỳ họp HĐND TP Hải Phòng, câu chuyện nhạc nước cũng từng làm nóng nghị trường. Tuy nhiên, ông Dương Anh Điền (khi đó vừa được bầu là Bí thư Thành ủy Hải Phòng) vẫn nhiều lần tuyên bố “đây là món quà ông dành tặng nhân dân thành phố trước khi nghỉ hưu”.

"Món quà" của nguyên Bí thư Thành ủy Dương Anh Điền dù đã chạy thử nghiệm được hơn 1 năm (từ giữa năm 2015), đến nay vẫn chình ình như 1 bè cá giữa lòng hồ Tam Bạc. Và dù đã được tạm ứng 48% vốn (khoảng 98 tỷ đồng) nhưng sau nhiều lần chạy thử và hiệu chỉnh, dàn nhạc nước vẫn chưa thể bàn giao.

Nhiều người dân sau khi chứng kiến dàn nhạc nước Hải Phòng hoạt động thử nghiệm thì mới "vỡ òa": hóa ra nhạc nước là thứ nhạc một nơi, nước một nẻo!


Người dân Hải Phòng rất quan tâm đến số phận của dàn nhạc nước này.

Người dân Hải Phòng rất quan tâm đến số phận của dàn nhạc nước này.

Lý giải về việc dàn nhạc nước lúc chạy lúc không, một lãnh đạo TP Hải Phòng giải thích, vì chưa hoàn thiện, còn nhiều vướng mắc nên dự án chưa được quyết toán. Công trình vẫn do nhà thầu quản lý, chưa tính thời gian bảo hành (bảo hành trong 3 năm) nên nhà thầu cũng "chẳng dại gì" cho dàn nước hoạt động liên tục để phải mất tiền bảo dưỡng.

Được biết, thiết bị của dàn nhạc nước được nhà thầu nhập khẩu từ Mỹ về qua đường hàng không, đã được các cơ quan có thẩm quyền kiểm định. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Dân trí, hiện các đường ống dẫn đã có dấu hiệu hoen gỉ. Hệ thống phun nước và hiệu ứng ánh sáng, dây điện lòng thòng, giá đỡ đèn xập xệ, mất an toàn. Những chiếc cầu nối giữa nhà điều khiển với dàn nhạc nước được làm tạm bợ bằng tre xiêu vẹo, nhếch nhác.

Dư luận cũng rất bức xúc khi công trình có kinh phí đến 200 tỷ đồng nhưng không hiểu sao thành phố Hải Phòng không đưa ra đấu thầu công khai mà ngay từ đầu đã chỉ định 1 mình Công ty Sơn Lâm là nhà thầu? Trước đó rất nhiều dự án chỉnh trang đô thị Hải Phòng cũng được chỉ định thầu cho nhà thầu này. Điển hình là dự án trang trí hệ thống đèn LED tại các tuyến đường thuộc trung tâm Hải Phòng và đặc biệt con đường đẹp nhất – đường Lê Hồng Phong.

Tại dự án này, như Dân trí đã từng phản ánh, mặc dù được đầu tư lên đến 10 tỷ đồng nhưng chỉ một thời gian ngắn, hệ thống đèn trang trí đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và bức xúc trong nhân dân.

An Nhiên