1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gia Lai:

Dân "khiếp vía" vì hệ thống xử lý nước thải y tế “đắp chiếu” gần 10 năm

(Dân trí) - Dù đã được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng và khánh thành năm 2009, nhưng đã gần 10 năm hệ thống xử lý nước thải y tế của Trung tâm y tế huyện Chư Sê (Gia Lai) vẫn nằm “đắp chiếu”. Công trình tiền tỷ nằm “ngủ đông”, trong khi đó Trung tâm Y tế huyện Chư Sê lại xử lý chất thải lỏng xuống hầm rút mà không qua xử lý, các chất thải rắn được đốt cháy khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Những năm trước đây, Trung tâm y tế huyện Chư Sê được tận dụng lại diện tích của hai dãy nhà cấp 4 thuộc Trung tâm KHHGĐ có diện tích khoảng rộng khoảng gần 2 ha. Cuộc sống đô thị phát triển nhanh, đến nay Trung tâm y tế đã nằm giữa vị trí khu vực đông dân cư. Cũng chính vì vậy, mà những người dân trên địa bàn quanh Trung tâm Y tế huyện Chư Sê khá bức xúc khi việc xử lý chất thải đã ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con.

“Cứ khoảng 2-3 lần/tuần, là Trung tâm Y tế lại đốt rác thải. Lúc đó, tôi thấy khói màu đen bay cao phía trong hàng rào của bệnh viện. Nếu ai lại gần khoảng 100m là ngửi thấy mùi “khét lẹt”, cảm giác khó thở, buồn nôn. Đối với những hộ sinh sống ở đây thì khổ vậy, nhưng đối với những người bán quán nhậu sát khu vực lò đốt rác thì rơi vào cảnh ế ẩm vì gió cuộn thổi mùi vào các quán ăn nhậu… Rồi nguồn nước sinh hoạt ở đây, các bà con đều dùng nước giếng mà bệnh viện lại xử lý nước thải cho chảy xuống hầm rút nên chúng tôi rất hoang mang không biết mạch nước ngầm chúng tôi xử dụng có an toàn không", bà D. (Sư Vạn Hạnh, T.T Chư Sê) chia sẻ.

Hệ thống xử lý nước thải y tế “đắp chiếu” gần 10 năm, dân hoang mang vì nguy cơ ô nhiễm
Hệ thống xử lý nước thải y tế “đắp chiếu” gần 10 năm, dân hoang mang vì nguy cơ ô nhiễm

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trương Minh Cẩn – Phó giám đốc phụ trách Trung tâm y tế Chư Sê cho biết: “Tôi mới nhận nhiệm vụ được hơn 3 tháng, chỉ biết rằng hệ thống xử lý nước thải y tế của Trung tâm đã thi công xong gần 10 năm nhưng chưa được sử dụng vì toàn bộ các dãy nhà của các khoa trong bệnh viện này đều không có hệ thống kết nối đường ống dẫn nước thải dẫn vào trung tâm để xử lý. Trong những năm qua, mỗi dãy nhà được xây dựng từ nhiều dự án khác nhau nên mỗi dãy nhà đều đào hầm rút riêng. Tất cả các đường dây điện, đường ống ngầm, các bể ngầm trong khu xử lý nước thải trung tâm đều đã bị chuột cắn nát, hoặc theo thời gian thì tự mục gãy….”.

“Hiện nay, nếu muốn sử dụng được thì phải đại tu lại, hoặc thay thế cái khác. Chúng tôi cũng đã kiến nghị các cấp và ngành y tế của tỉnh cần sớm có nguồn vốn để đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đưa vào hoạt động. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là dự án này buộc phải kết nối được với tất cả các hệ thống đường ống dẫn nước thải y tế thì khả năng hệ thống xử lý mới hoạt động được…”, ông Cẩn cho biết thêm.

Kho chứa chất thải rắn lây nhiễm cũng không được che đậy
Kho chứa chất thải rắn lây nhiễm cũng không được che đậy

Qua quan sát, khu vực xử lý chất thải của Trung tâm Y tế từ lâu đã trở thành bãi hoang phế, mục nát, khó có thể phục hồi hoạt động. Còn hệ thống lò đốt rác thải rắn (nằm sát cạnh) là một cái lò với ống khói cao chỉ khoảng chừng 4m. Theo ông Thái – Phó phòng TC-HC cho biết: “Theo quy định thì ống khói lò đốt này phải cao tối thiểu là 20,5m (tức là phải cao gấp 5 lần so với hiện nay). Chính vì vậy, mỗi khi đốt rác là khói đen quanh quẫn trong khuôn viên, mùi khét phát tán dưới tầng thấp làm ảnh hưởng đến sức khỏe những người dân xung quanh, thậm chí ảnh hưởng đến bệnh nhân đang điều trị tại các khoa của Trung tâm y tế …”.

“Không những thế, khu vực xử lý chất thải của Trung tâm không được đóng khóa cửa cẩn thận nên bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phóng uế bừa bãi; còn hố chứa sỉ chất thải y tế (sau khi đốt) không hề được đậy nắp nên chuột và các sinh vật vào sống gây ra mùi hôi thối…”, ông Thái cho biết thêm.

Ống khói lò đốt rác cao khoảng  4m  gây ôi nhiễm toàn vùng
Ống khói lò đốt rác cao khoảng 4m gây ôi nhiễm toàn vùng

Cũng theo ông Thái thì mỗi dãy nhà được xây bằng 1 dự án đầu tư khác nhau nên muốn xử lý được nước thải y tế thì yêu cầu nhà đầu tư phải đấu nối gom được nguồn nước thải y tế để đưa vào hoạt động hệ thống xử lý. Lúc đó thì tình trạng ô nhiễm môi trường mới được xử lý... Cũng một mối lo khác, khi lâu nay người dân quanh đây đa số là sử dụng nguồn nước ngầm để sinh hoạt (giếng khơi, hoặc giếng khoan) nhưng bệnh viện lại xả các chất thải lỏng ra các hầm rút trong khuôn viên bệnh viện nên nguy cơ ô nhiễm mạch nước ngầm là điều đang rất lo lắng…

Bác sĩ Trương Minh Cẩn – Phó giám đốc phụ trách Trung tâm còn cho biết: “Nếu sửa chữa, cải tạo hệ thống xử lý nước thải y tế thì tốn kém thêm nhiều tỷ đồng (bởi hệ thống cũ không dùng nên tự hỏng). Hiện nay số lượng bệnh nhân rất đông, nên việc xử lý chất thải và lỏng là rất nhiều. Nhưng hệ thống xử lý lại không đảm bảo nên khi các cơ quan chức năng xuống kiểm tra thì năm nào Trung tâm cũng bị xử phạt vì không đảm bảo môi trường….”.

“Những năm qua, Trung tâm cũng có nhiều văn bản kiến nghị việc ưu tiên nguồn vốn để đầu tư cho công tác xử lý chất thải y tế (cả dạng nước và rắn) nhưng vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Vừa rồi, chúng tôi cũng đã có biên bản thống nhất về phương án thiết kế, cải tạo xây dựng dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân tại Trung tâm y tế huyện (từ nguồn vốn ADB giai đoạn 2 và dự án PPMU – hệ thống xử lý chất thải lỏng cho Trung tâm). Tuy nhiên, thủ tục ban đầu là thế, nhưng không biết đến lúc nào thì dự án này mới chính thức triển khai thực hiện, còn bây giờ vẫn đang chờ nguồn vốn về…

Theo thiết kế, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê khám chữa bệnh cho 100 giường bệnh, nhưng lượng bệnh nhân lớn, công suất nhiều năm luôn đạt ở mức trung bình là 122,6 giường bệnh (vượt hơn 22,6%). Bình quân mỗi ngày, Trung tâm tiến hành khám chữa bệnh, điều trị cho khoảng 400 người. Đây cũng xem Trung tâm Y tế tuyến huyện lớn nhất tỉnh Gia Lai

Phạm Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm