Đà Nẵng cấp phép cho 300 lao động Trung Quốc vào "vùng nhạy cảm"
(Dân trí) - UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản đồng ý cho công ty TNHH Sichuan HuaShi được sử dụng lao động là người nước ngoài trên cơ sở điều chuyển từ công ty mẹ (Tứ Xuyên, Trung Quốc) sang thực hiện giai đoạn 2 của khách sạn JW Marriott thuộc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores.
Thông tin trên được ông Nguyễn Anh Ánh, Trưởng phòng việc làm – an toàn lao động (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng) cho biết sáng nay 17/11.
Theo ông Ánh, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores đã được UBND TP Đà Nẵng chấp nhận cho xây dựng giai đoạn 2 của khách sạn JW Marriott (lô 8, đường Võ Nguyên Giáp, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Mục đích của dự án này là phục vụ cho Hội nghị APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng; theo cam kết đến khoảng tháng 9, tháng 10/2017 phải hoàn thành.
Giai đoạn 2 của khách sạn JW Marriott đã được chủ đầu tư triển khai xây dựng hơn một năm và hiện phần thô đã gần xong.
Sau khi tính toán, nhà đầu tư và nhà thầu thấy với số lượng lao động hiện nay (300 lao động trong đó lao động Việt Nam hơn 200 người, lao động Trung Quốc 60 - 70 người) sẽ không kịp tiến độ. Để công trình hoàn thành đúng tiến độ, cần phải có 650 lao động nữa (trong đó lao động Việt Nam: 350 người, lao động Trung Quốc: 300 người). Vì thế, nhà đầu đã xin được đưa 300 lao động nội bộ từ Trung Quốc sang.
Qua kiểm tra, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thấy yêu cầu chính đáng nên đã có tờ trình trình UBND TP Đà Nẵng đồng ý cho nhà thầu được chuyển 300 lao động kỹ thuật từ Trung Quốc sang làm việc.
Ngày 29/10, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản chấp thuận đề nghị trên; giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn nhà thầu thực hiện các thủ tục hồ sơ đề nghị cấp phép lao động cho số lao động trên trước khi vào Việt Nam theo đúng quy trình. UBND TP giao công an phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội theo dõi quản lý lao động nước ngoài làm việc tại nhà thầu Công ty TNHH Sichuan HuaShi.
Cũng theo ông Ánh, 300 lao động này sẽ được chuyển từ tháng 10/2015 – 10/2017, tùy theo nhu cầu công việc mà họ sẽ điều chuyển người chứ không phải đưa ào vào một lúc hết 300 người. Đến hết 10/2017, số lao động trên phải xuất cảnh về nước. Tính đến thời điểm này, phía nhà thầu chưa đưa lao động nào qua.
Nói về vấn đề đưa lao động vào khu vực “nhạy cảm”, ông Ánh cho biết, dự án này đã được thành phố chấp nhận rồi, lao động chỉ là chuyện nhỏ. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ quản lý về mặt lao động, chuyện "nhạy cảm" hay không là vấn đề của dự án. Dự án đặt ở đâu thì đã được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát rồi chứ không phải đưa lao động vào vùng “nhạy cảm”.
“Quan trọng là khi mình đưa lao động nước ngoài vào thì mình quản lý thế nào cho chặt, cho kỹ. Việc này là trách nhiệm của lực lượng công an”, ông Ánh nói.
Ông Ánh cũng cho biết thêm, quan điểm của Sở là thấy nhu cầu của nhà thầu hợp lý nên đồng ý. TP đã giao dự án cho họ thì phải tạo điều kiện để hoàn thành đúng tiến độ.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, hiện trên địa bàn TP Đà Nẵng có 314 lao động Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông làm việc tại 55 doanh nghiệp. Do nhu cầu công việc, nên 300 lao động người Trung Quốc sắp vào Đà Nẵng lần này là số lượng lớn nhất từ trước đến nay.
Khánh Hồng