1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chuyện ít biết về Tổng khởi nghĩa ở Nam Bộ

Chúng tôi đến thăm lão đồng chí Nguyễn Thọ Chân-nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội năm 1943, cựu tù Hỏa Lò, Côn Đảo, từng là Bí thư đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh, đại sứ Việt Nam ở Liên-Xô, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội... Năm nay cụ tròn 95 tuổi nhưng vẫn minh mẫn kể về những ngày Tổng khởi nghĩa ở Nam Bộ.

Có hai tổ chức Xứ ủy ở Nam Kỳ

 “Nhắc đến lịch sử Nam Bộ phải nói đến hai tổ chức này, cùng tồn tại do thực tế khách quan của cách mạng”, cụ bắt đầu câu chuyện.

…Sau sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa 1940, phong trào ở Nam Bộ bị đàn áp dã man. Các cơ sở tan nát, cán bộ Xứ ủy Nam Kỳ hầu hết bị bắt, ai còn sống sót phải dạt về các địa phương. Tháng 1-1941, Xứ ủy Nam Kỳ được tái lập. Nhưng từ giữa năm 1941, Xứ ủy lại bị chính quyền thực dân bắt bớ, vô hiệu hóa.

Đến năm 1942, Liên tỉnh ủy miền Đông thành lập. Tiếp sau đó là Ban Cán sự miền Đông Nam Kỳ (năm 1943) và Kỳ bộ Việt Minh Nam Kỳ (năm 1944). Nhóm này xuất bản bí mật tờ báo Giải phóng.

Từ ngày 13 đến 15-10-1943, một số đại biểu cộng sản các tỉnh, thành phố Nam Kỳ họp hội nghị ở Chợ Gạo, Mỹ Tho, quyết định tái lập Xứ ủy Nam Kỳ. Ông Trần Văn Giàu vì không đến tham dự được nên hội nghị bầu ông Dương Quang Đông làm bí thư. Ông Đông tuyên bố: Chỉ tạm nhận chức và sẽ trao lại cho ông Trần Văn Giàu. Hội nghị nhất trí.

Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, trong hoàn cảnh không liên lạc được với Trung ương, không hay biết Nguyễn Ái Quốc đã về nước và triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Trần Văn Giàu mạnh dạn không ngồi chờ mà tự vạch ra một đường lối cách mạng cho Nam Kỳ. Ông cùng các đồng chí tích cực xây dựng cơ sở, tập hợp lực lượng lớn, chớp thời cơ được nhận định đã gần kề. Ông chủ trương, phải mạnh hơn tất cả các chính đảng và giáo phái thân Nhật cộng lại thì mới mong đem chính quyền về tay nhân dân.

Chuyện ít biết về Tổng khởi nghĩa ở Nam Bộ - 1
Tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn. Ảnh tư liệu.

Trên cơ sở đó, Xứ ủy đã ra nghị quyết: Khôi phục hệ thống tổ chức Đảng các cấp, đặc biệt với các cơ sở tại Sài Gòn-Chợ Lớn. Thành lập Tổng công đoàn Nam Kỳ (tháng 4-1944). Trong nửa năm, phát triển 40 công đoàn cơ sở với 5.000 đoàn viên. Tập hợp trí thức, sinh viên, nhà công thương vào một số tổ chức như: Tân Dân chủ đoàn, Hội Truyền bá quốc ngữ, nhóm Báo Thanh Niên, xuất bản Báo Tiền Phong và các sách bỏ túi ("Việt Nam trên đường độc lập", "Rạng đông của dân tộc"...), mở các lớp huấn luyện chính trị.

Như vậy, song song với Xứ ủy Nam Kỳ được thành lập lại từ tháng 10-1943 do Trần Văn Giàu làm Bí thư, còn có một tổ chức khác của Đảng Cộng sản Đông Dương, thường gọi là Xứ ủy Giải phóng, vì cơ quan ngôn luận của tổ chức này là Báo Giải phóng; còn Xứ ủy do ông Giàu làm bí thư thường gọi là Xứ ủy Tiền phong.

Xứ ủy Tiền phong và Tổng khởi nghĩa

Ông Trần Văn Giàu nhận định: "Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân; riêng lực lượng của Đảng không làm nổi cách mạng; phải có sự tham gia, sự nổi dậy của hàng triệu đồng bào”.

Đặc biệt, Xứ ủy Tiền phong đã khéo léo biến Thanh niên Tiền phong (tổ chức được sự bảo trợ của Nhật) thành tổ chức của Đảng, thông qua số đảng viên bí mật như: Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Huỳnh Văn Tiểng... Tổ chức này tạo được bình phong hợp pháp cho các đảng viên cộng sản hoạt động, nhanh chóng tập hợp được một lực lượng lớn, vượt qua các tổ chức chính trị khác thời bấy giờ.

Các bài viết của các nhà nghiên cứu nước ngoài (David Marr, Stein Tonnesson, William J.Duiker) cũng thừa nhận việc này: Trần Văn Giàu chỉ thị cho đảng viên cộng sản gia nhập Thanh niên Tiền phong ở mọi cấp, dùng Thanh niên Tiền phong  làm vỏ bọc hợp pháp để khôi phục những mối liên lạc bí mật. Chiến lược Thanh niên Tiền phong đã giúp những người cộng sản có vai trò lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc... Phong trào này lan rộng trong giai đoạn mùa xuân và mùa hè 1945 tại các trường học, nhà máy và làng xã. Đến tháng 8, Thanh niên Tiền phong đã có số hội viên hơn một triệu, ở hầu hết các tỉnh Nam Bộ…

Ba lần bàn ngày Tổng khởi nghĩa

Sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh, nhận thấy thời cơ đã đến, Thường vụ Xứ ủy thành lập Ủy ban khởi nghĩa đêm 15-8-1945 và triệu tập hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng bàn về khởi nghĩa. Dự định sẽ khởi nghĩa vào ngày hôm sau, nhân cơ hội Lễ tuyên thệ của Thanh niên Tiền phong tại Sài Gòn.

Hội nghị họp tại Chợ Đệm tối 16-8, với kinh nghiệm thất bại của Khởi nghĩa Nam Kỳ, một số đại biểu tranh luận gay gắt về thời điểm khởi nghĩa. Hội nghị nhất trí tiếp tục chuẩn bị, chờ tin từ Hà Nội, dời ngày khởi nghĩa đến ngày 18-8.

Ngày 17-8, lễ ra mắt của 5 vạn đoàn viên Thanh niên Tiền phong được tổ chức tại Sài Gòn. Khẩu hiệu “Việt Nam độc lập”, “Việt Nam thống nhất”, “Việt Nam hùng cường” được hô vang.

Nhận được tin Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, ngay sáng 20-8, hội nghị Chợ Đệm lần thứ hai dự định khởi nghĩa ngay chiều hôm đó. Nhưng có đại biểu còn e ngại việc quân Nhật vẫn còn 7-8 vạn. Ông Giàu đề nghị chọn Tân An quê ông làm thí điểm.

Đêm 20-8, Nguyễn Văn Tạo và Huỳnh Tấn Phát tuyên truyền tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Lần đầu tiên có tiếng hô từ đám đông: “Việt Nam muôn năm!”.

Đêm 21-8, cũng tại rạp này, Trần Văn Giàu chính thức tuyên bố: Việt Minh ra hoạt động công khai.

Tối 22-8, khởi nghĩa ở Tân An thành công.

Hội nghị Chợ Đệm lần thứ ba, tối 23-8, chỉ định lập Ủy ban Hành chính lâm thời cho toàn Nam Bộ, gọi tắt là Lâm ủy Nam Bộ, Chủ tịch là Trần Văn Giàu.

Chiều 24-8, lực lượng Thanh niên Tiền phong vũ trang dưới quyền lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ ở Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh khởi nghĩa giành chính quyền; sau đó tiến về Sài Gòn.

Ngày 25-8, đến lượt Sài Gòn nổ ra cuộc biểu tình lớn. Hầu hết các cơ sở của chính quyền lọt vào quyền kiểm soát của Lâm ủy Nam Bộ.

Theo Trần Kiến Quốc
Báo Quân đội nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm