1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nam Định:

Cán bộ vào tận miền Nam vận động dân bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc?

(Dân trí) - Thấy nhiều dấu hiệu mập mờ trong sự việc bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc lập dự án, hàng chục hộ dân không đồng tình. Người dân kể rằng, phía UBND huyện còn cho người về từng nhà dân, thậm chí vào tận miền Nam vận động bán đất.

Cán bộ "nhiệt tình" đi vận động dân bán đất

Dự án không được công khai minh bạch, người dân không được phổ biến, thoả thuận về giá cả đền bù… Đó là lý do khiến hàng chục hộ dân ở xã Nghĩa An, Nam Cường (huyện Nam Trực, Nam Định) phản ứng mạnh mẽ trước việc chính quyền địa phương lấy đất nông nghiệp sản xuất lâu năm của người dân để giao cho Công ty Bunda Footwear, trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc), chuyên sản xuất giày xuất khẩu.

Mập mờ dự án bán 30ha đất nông nghiệp cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Mập mờ dự án "bán" 30ha đất nông nghiệp cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Để thuyết phục dân, chính quyền đã đến từng nhà dân ở các xóm 21, 22 và 24 xã Nghĩa An vận động bán đất nông nghiệp cho doanh nghiệp Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều gia đình cho biết, một số cán bộ huyện Nam Trực còn vào tận miền Nam, nơi một số con em họ đang công tác, để thuyết phục động viên gia đình bán đất.

Bà Lê Thị Thảo (SN 1958, xóm 24, xã Nghĩa An) cho biết: “Sáng ngày 13/7, có 3 người tìm đến gặp con trai tôi là Phạm Văn Lưỡng, đang làm phụ trách nhà Văn hóa thuộc Học viện Hải Quân Nha Trang. Trong số 3 người thì có 2 người giới thiệu một là anh V. công tác tại Huyện đội huyện Nam Trực và anh T., cán bộ Phòng Công thương tìm đến để vận động con tôi gọi điện về gia đình để bán đất”.

Cùng trường hợp với bà Thảo, 3 cán bộ này sáng ngày 14/7 cũng tìm đến Đại úy Lê Văn Đặng, Giảng viên Khoa công trình, Trường Sỹ quan Công binh, là con của ông Lê Văn Nông để gọi điện về vận động ông Nông bán đất.

Ông Nông cho biết: “Sau khi đoàn công tác huyện vào gặp con tôi, thấy con tôi gọi về gia đình kể lại sự việc. Nó có nói với đoàn công tác là gia đình tôi 3 đời làm cách mạng, nếu đây là dự án lớn của Nhà nước về xây dựng Chính trị, Quốc phòng, an ninh thì gia đình chúng tôi sẵn sàng hiến đất. Còn đây là dự án lấy đất của người dân để bán cho doanh nghiệp Trung Quốc thì yêu cầu các cán bộ làm đúng luật”.

Doanh nghiệp tự dựng việc thoả thuận giá cả bồi thường đất nông nghiệp cho người dân.
Doanh nghiệp tự "dựng" việc thoả thuận giá cả bồi thường đất nông nghiệp cho người dân.

Do có nhiều dấu hiệu mập mờ trong việc thực hiện dự án, nhiều lần người dân xã Nghĩa An đã gửi đơn lên các cấp chính quyền nhưng không được giải quyết. Vì vậy người dân đã gửi đơn lên Trụ sở Tiếp công dân Trung ương Thanh tra Chính phủ. Phía Trụ sở Tiếp công dân Trung ương Thanh tra Chính phủ đã có văn bản số 3982/TDTW ngày 30/8/2016, yêu cầu người dân gửi đơn đến UBND tỉnh Nam Định để được giải quyết.

Bà Lê Phạm Thi Khuê (81 tuổi), người dân xã Nghĩa An cho biết: “Hiện nay còn rất nhiều hộ chưa bán đất, vì muốn giữ đất lại canh tác. Người dân chúng tôi phải cắm cờ để phản đối việc bán đất cho doanh nghiệp. Còn đất sản xuất chúng tôi còn làm ra lúa gạo. Chứ bán đi rồi lấy gì mà sản xuất, lấy gì để mà ăn? Rất mong các cấp chính quyền giải quyết thấu tình đạt lý”.

Nội bộ thôn xóm, gia đình “lục đục” vì bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc

Ông Lê Văn Nông trao đổi với phóng viên Dân trí.
Ông Lê Văn Nông trao đổi với phóng viên Dân trí.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để phản đối dự án giao đất cho doanh nghiệp Trung Quốc, hiện nay ở các xóm 21, 22, 24 còn khoảng trên 300 hộ dân là không đồng ý bán đất. Theo người dân, trong những lần vận động dân bán đất, chính quyền vận động đảng viên trước.

Vì có nhiều ý kiến trái chiều nhau, nên nội bộ thôn xóm lục đục, xảy ra mâu thuẫn với nhau. Một số gia đình cần tiền thì đồng ý bán đất, số hộ dân thì không đồng ý bán nên nhiều tranh cãi không đáng có đã xảy ra.

Ông Lê Văn Nông cho biết: “Nhiều gia đình là đảng viên thì họ vận động bán trước để làm gương, đồng thời vận động những người còn lại tiếp tục bán. Nhiều gia đình không muốn bán đất vì muốn làm ăn sản xuất nên mâu thuẫn xảy ra. Nhiều lúc chúng tôi thấy rất buồn vì tình làng nghĩa xóm bị ảnh hưởng”.

Nhiều gia đình lục đục về tranh cãi bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Nhiều gia đình lục đục về tranh cãi bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Cũng theo lời ông Nông cho biết, không chỉ nội bộ thôn xóm xảy ra tranh cãi, trong nội bộ gia đình cũng lục đục vì bán đất. Nhiều người khi mất đi, chia đất cho các con cháu, nhưng đông người nên những người đi làm ăn xa thì muốn bán, còn những người ở nhà thì không muốn bán. Vì vậy anh chị em trong nội bộ gia đình cũng tranh cãi nhau.

Người dân xã Nghĩa An mong muốn giữ được mảnh đất này để yên tâm cấy cày, lao động sản xuất.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.

Tuấn Hợp - Đức Văn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm