1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Cấm cửa” amiăng trắng – những câu hỏi chưa có lời đáp

(Dân trí) - Hiện tại, nhiều sản phẩm chứa amiăng trắng của Nhật vẫn đang được nhập khẩu, sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Nếu cấm làm tấm lợp amiăng xi măng trong nước nghĩa là triệt tiêu sản xuất trong nước nhưng lại nhập sản phẩm tương tự ở nước ngoài về dùng? Nếu cấm cả việc sử dụng các sản phẩm chứa amiăng trắng thì có khả thi?

Ngày 28/7, UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường cùng UB Các vấn đề Xã hội của Quốc hội phối hợp tổ chức hội nghị về việc sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam và thế giới.

Hội nghị được 2 UB của Quốc hội phối hợp tổ chức diễn ra trong trọn ngày 28/7.
Hội nghị được 2 UB của Quốc hội phối hợp tổ chức diễn ra trong trọn ngày 28/7.

Nhật cấm amiăng, Việt Nam vẫn nhập sản phẩm chứa amiăng của Nhật

Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh nêu vấn đề, tại sao các nước có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam rất nhiều như Mỹ, Nga, Ấn Độ vẫn sử dụng amiăng trắng. Có phải các nước không quan tâm đến con người, không lo lắng cho khả năng tiêu cực cho sức khỏe người dân bằng Việt Nam?

Các nước lớn, đông dân nhất thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc và cả 10 nước trong ASEAN cũng đều không cấm sử dụng amiăng trắng, theo ông Tĩnh, cũng là một vấn đề để nghiên cứu, đối chiếu.

Ông Tịnh cho biết, qua nghiên cứu sâu tại các nước đã cấm sử dụng amiăng trắng như Nhật Bản, đoàn công tác của UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường nhận thấy có một vấn đề lịch sử ở đây. Cụ thể, trong chiến tranh, Nhật phải sử dụng rất nhiều các loại amiăng (cả trắng, nâu, xanh) để sản xuất vũ khí, khí tài chiến đấu. Theo đó, đã có nhiều trường hợp người Nhật sau này bị ung thư cho việc tiếp xúc với loại vật liệu này, nhưng cũng chủ yếu được xác định do nhóm sợi amiăng nâu và xanh.

Còn hiện tại, nhiều loại sản phẩm có chứa amiăng trắng của Nhật vẫn đang được nhập khẩu, sử dụng ở Việt Nam rất nhiều, tiêu biểu như má phanh ô tô, phanh thang máy, quần áo chống cháy, cách điện…

Việc sản xuất các sản phẩm tấm lợp với loại vật liệu khác thay thế amiăng trắng, Phó Chủ nhiệm Lê Hồng Tịnh cho biết, UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường cũng đã từng đi khảo sát, đánh giá tại nhiều nhà máy như ở Hải Dương, Hưng Yên.

Thực tế tại nhà máy cho thấy, sản xuất tấm lợp không amiăng giá thành rất cao, sản phẩm không ưu việt như tấm lợp fibro ximăng thông thường nên hầu hết các nhà máy này cũng phải đóng cửa dây chuyền mới và trở lại làm tấm lợp sử dụng sợi amiăng như cũ.

Phó Chủ nhiệm Lê Hồng Tịnh cũng gợi một số câu hỏi cần trả lời để làm căn cứ cho việc ra quyết định “cấm” hay không với amiăng trắng là thời gian qua, các chương trình xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo của Chính phủ như chương trình 135, 167… có một nội dung là hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, bà con vùng sâu vùng xa thì hầu hết loại vật liệu được chọn dùng cũng là tấm lợp amiăng ximăng. Nếu giờ buộc phải dừng sử dụng loại vật liệu này, nhà nước phải bỏ tiền thay thế hàng tỷ m2 mái nhà đã làm cho người dân như thế nào?

Ông Tịnh nhấn mạnh, với việc điều chỉnh chính sách nào cũng phải có đánh giá tác động, lượng khả năng kinh tế cũng như tính toán tính khả thi thế nào.

Ông Tịnh cho rằng, cần có đề tài nghiên cứu cụ thể vấn đề này tại Việt Nam với sự tham gia của các bộ ngành chuyên môn như Bộ Y tế nghiên cứu về tác động với sức khoẻ con người, Bộ Ngoại giao, Bộ KH-ĐT nghiên cứu về tác động tới việc thực hiện các hiệp ước quốc tế về thương mại, kinh tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết…

Nga, Mỹ hay Nhật, Úc đáng tin?

Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp - Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Phú Hoa cho biết, là cơ quan được giao tham mưu chính sách, Ban đã yêu cầu Bộ Y tế và 4 bộ ngành, cơ quan khác báo cáo về vấn đề này.

Các báo cáo trả lời đến thời điểm này chưa đủ căn cứ để trả lời cho các câu hỏi như: Cấm amiăng để sản xuất tấm lợp hay cấm luôn việc sử dụng các sản phẩm chứa amiăng? Nếu chỉ cấm vật liệu này trong sản xuất tấm lợp thì vô hình chung chính sách dẫn tới triệt tiêu sản xuất trong nước nhưng lại tiếp tục cho nhập khẩu và sử dụng các sản phẩm chứa amiăng từ các nước vẫn dùng loại vật liệu này. Việc đó có tạo ra môi trường bất cạnh tranh?

Còn nếu cấm tất cả các sảm phẩm chứa amiăng thì có khả thi không vì hiện đang có rất nhiều sản phẩm có amiăng trắng như bộ phận cách nhiệt của các lò sản xuất công nghiệp, má phanh ô tô, phanh thang máy… ?

Dẫn nghiên cứu của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, ông Hoa cho rằng, tác động của quyết định “cấm cửa” này là rất lớn. Với ngành sản xuất tấm lợp, cần khoảng 400 tỷ đồng để chuyển đổi công nghệ sản xuất không amiăng. Việc chuyển đổi hàng tỷ m2 mái nhà đang sử dụng tấm lợp fibro ximăng thì nhiều khả năng phải bỏ ra gần 200.000 tỷ đồng. Còn việc tiêu huỷ, thay thế bằng các loại vật liệu khác sẽ tốn thêm khoảng 300.000-360.000 tỷ đồng khác.

Bà Bùi Thị An – đại biểu Quốc hội khóa XIII dẫn lại chuyện cấm sản xuất, đốt pháo nổ 20 năm trước. Khi đó, chuyện công ăn việc làm, sinh kế của những người lao động trong lĩnh vực này cũng làm đau đầu các cơ quan vì tới 2 triệu người có nguy cơ mất việc. Nhưng rồi sau đó nhà nước vẫn lo được chuyện đó. Vậy nên, theo bà An, bài toán với chỉ khoảng 5.000-6.000 người lao động đang làm việc trong các nhà máy sản xuất tấm lợp fibro ximăng không đáng lo ngại.

Còn Canada, trước đây là nước khai thác, xuất khẩu và hưởng lợi rất nhiều từ amiăng trắng, hiện chưa cấm nhưng họ cũng đã tuyên bố từ tháng 1/2018 tới sẽ dừng hoàn toàn các hoạt động liên quan đến nguồn tài nguyên này.

Cũng theo ông tin bà An cung cấp, Úc là một quốc gia đang phải trả giá vô cùng lớn cho một thời sử dụng amiăng nên đến nay đã cấm cửa loại vật liệu này.

Bà An kêu gọi, hãy đến Nhật, Úc để nghiên cứu chứ không nên đến những nước vẫn đang xuất khẩu, bán amiăng trắng như Nga, Karzackstan vì người bán không đi nói xấu sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, đáp lại cảnh báo này, những ý kiến nghi ngại khác cũng được đưa ra rằng, Úc, Nhật hiện đang là những nước cần tiếp thị mạnh mẽ cho loại vật liệu thay thế cho amiăng mà họ đang sản xuất, liệu nghiên cứu có đảm bảo khách quan?

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm